Chiều 29-5, HĐND TP.HCM có buổi giám sát việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về tổ chức bộ máy và chế độ công vụ giai đoạn 2022-2025 đối với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Báo cáo tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đơn vị đã thực hiện tốt việc tổ chức bộ máy theo nghị quyết số 131 của Quốc hội và nghị định số 33 của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị.
Sở cũng đã trình UBND TP ban hành việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức trực thuộc sở, hoạt động kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chi nhánh này có địa bàn quản lý rộng, khối lượng công việc rất lớn, để giải quyết được khối lượng hồ sơ công việc, sở đã chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai TP và chi nhánh Thủ Đức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Nhưng với khối lượng hồ sơ quá lớn trong khi số lượng lãnh đạo tại chi nhánh Thủ Đức chỉ có bốn người, việc thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của lãnh đạo chi nhánh thường xuyên quá tải.
Ngoài ra, nhân lực chưa tương xứng với khối lượng công việc cũng là khó khăn của Sở Tài nguyên và Môi trường hiện nay. Vì vậy, sở kiến nghị UBND TP cho phép đơn vị có 3 phó chánh Thanh tra (áp dụng giống quy định số lượng phó trưởng phòng chuyên môn thuộc sở có từ 15 biên chế trở lên được bố trí 3 phó trưởng phòng).
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong cơ cấu tổ chức của sở có hai đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc được quy định trong dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, gồm văn phòng đăng ký đất đai và trung tâm phát triển quỹ đất.
Hiện dự thảo nghị định đang được tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, ban, ngành theo quy định. Với trung tâm phát triển quỹ đất, sở đã phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm tổ chức lại ban bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận, huyện thành trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận, huyện và đã tham mưu UBND TP để trình Thủ tướng cho ý kiến.
Sở sẽ tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành để báo cáo, đề xuất hoàn thiện mô hình trung tâm phát triển quỹ đất phù hợp với thực tiễn của TP.HCM, đảm bảo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải ngân vốn đầu tư công của TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận