Từ chiếc bụng đói của Totto-chan và bạn Yasuaki, ngôi trường xinh đẹp Tomoe sụp đổ, đến những mất mát lớn mà đời người không bao giờ quên được.
Tác phẩm gốc Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ là cuốn sách kinh điển và từng được giảng dạy, áp dụng trong nhiều môi trường giáo dục trên khắp thế giới. Sách truyền cảm hứng cho nhiều bạn đọc các thế hệ, khơi gợi ước mơ về một nền giáo dục vì trẻ em, vì con người.
Ra đời 43 năm trước (năm 1981), sách cũng truyền tải những ý chí không lỗi thời như tinh thần phản chiến, chống bắt nạt học đường, chống phân biệt đối xử, lòng yêu thương động vật và cây cối, yêu thương đất liền, biển cả và môi trường...
Tomoe, ngôi trường của những người yêu trẻ
Bên cạnh việc bám sát nguyên tác để truyền tải tinh thần giáo dục nhân văn, phim hoạt hình Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ (sản xuất năm 2023, vừa chiếu ở rạp Việt Nam) có một số điểm được điện ảnh hóa, kịch tính hóa cho khán giả thế hệ mới.
Trailer phim hoạt hình Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ
Phim khắc họa đậm nét giai đoạn về Thế chiến 2 trong tuổi thơ của cô bé Totto, hay cũng chính là tác giả Tetsuko.
Phim kể câu chuyện về tuổi thơ đáng nhớ của Tetsuko (biệt danh Totto). Cô bé hiếu động, hoạt bát và ham tìm hiểu những thứ xung quanh mình, hay làm ồn trong lớp học, bị cho là "trẻ hư", gây phiền phức cho những giáo viên ở các ngôi trường "bình thường".
Cô bé cứ bị người lớn dán nhãn một cách vô tâm như vậy cho đến khi mẹ cô tìm được ngôi trường Tomoe Gakuen với tư tưởng đặc biệt và cấp tiến về giáo dục.
Ngay từ cuộc gặp đầu tiên với thầy hiệu trưởng Kobayashi nhân hậu và được thích thú quan sát những lớp học làm bằng toa tàu cũ, Totto đã yêu ngôi trường Tomoe và thấy thuộc về nơi đây.
Cô bé được thầy khuyến khích kể hết tất cả những gì em nhìn thấy, yêu thích và cảm nhận được từ cuộc sống xung quanh.
"Em thật là một cô bé ngoan" - thầy Kobayashi là nhà giáo đầu tiên nói với Totto điều đó. Một lời khích lệ quý giá để đứa trẻ tự tin phát huy những phẩm chất đáng quý của em chứ không bị kìm kẹp bởi những kỷ luật nghiêm ngặt và mang tính "dán nhãn".
Ở Tomoe, cô bé đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy hạnh phúc, ý nghĩa bên những người bạn đáng yêu trước khi chiến tranh ập đến, khiến xã hội Nhật Bản biến động.
Khi chiến tranh chạm đến tâm hồn trẻ con
Nếu phần đầu của phim đẹp đẽ, tươi sáng và đầy lạc quan về tương lai của các em nhỏ thì phần sau của phim - lấy dấu mốc từ bản tin phát thanh cho biết quân Nhật Bản đã tấn công Trân Châu Cảng - nhuốm màu u ám.
Bóng dáng của Thế chiến 2 bắt đầu hiện diện trong từng chi tiết nhỏ của đời sống. Qua góc nhìn con trẻ, những chi tiết ấy giản đơn nhưng không kém phần đau xót.
Những bữa ăn của gia đình Totto vơi dần dinh dưỡng. Những bữa trưa ở trường "từ đất liền và biển cả" giờ đây chỉ là túi đậu nành. Những viên kẹo caramel ở máy bán tự động cũng biến mất.
Những chiếc váy đẹp do mẹ em tự tay may cũng bị người ta cấm mặc vì không phù hợp. Cha mẹ Totto không dám cho con gọi mình bằng tiếng Anh "papa, mama" vì sợ cô bé bị hiểu nhầm là gián điệp.
Khi Totto và người bạn khuyết tật Yasuaki bước đi giữa cơn mưa tầm tã, mùi thơm ngào ngạt của tiệm mì gần đó tỏa ra khiến cả hai đói cồn cào. Hai đứa trẻ chỉ biết òa khóc và an ủi nhau.
Đời sống ngày càng khó khăn và nguy hiểm, những người tốt bụng như cha mẹ Totto và thầy hiệu trưởng không giấu nổi những lo toan, đau khổ. Nước mắt của thầy Kobayashi, của Totto đã rơi.
Là một cô bé sôi nổi nhưng Totto cũng giàu lòng trắc ẩn. Hai ví dụ tuyệt vời là em rất yêu quý cậu bạn bị liệt Yasuaki; và trong hoàn cảnh đói kém, em vẫn thấu hiểu cho cha mình khi ông không muốn đi ngược lại với thiên chức người nghệ sĩ, nhận lời chơi thứ nhạc mình không thích chỉ để đổi lấy thực phẩm.
Cuối cùng, thứ đáng sợ như cái chết cũng chạm đến tâm hồn thanh thuần con trẻ. Nỗi đau mất bạn khiến Totto vừa khóc vừa chạy thật nhanh về ngôi trường Tomoe - nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất của thời thơ ấu.
Khi Totto hồi tưởng lại những năm tháng ấy, đó cũng là lúc tuổi thơ của em sắp kết thúc và hiện thực tàn khốc chuẩn bị ập đến.
Chiến tranh đã cướp đi ngôi trường của em, cướp đi người bạn thân và tuổi thơ của em, nhưng bên trong cô bé Totto, tình yêu cuộc sống vẫn được vun đắp.
Ngoài đời, tác giả Tetsuko Kuroyanagi đã lớn lên, ghi chép lại tuổi thơ của mình trong cuốn sách có sức lan tỏa mạnh mẽ này. Năm nay 90 tuổi, bà được coi là một trong những phụ nữ được yêu mến nhất Nhật Bản.
Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ (Totto-Chan: The little girl at the window) là một bộ phim hoạt hình tiểu sử của Nhật Bản do Shinnouske Yakuwa viết kịch bản và đạo diễn; Yõsuke Suzuki đồng biên kịch. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ tác giả Tetsuko Kuroyanagi.
Tại sao lại là hôm nay?
Sau hơn 40 năm từ khi sách gốc ra đời, tại sao tác giả sách và đạo diễn quyết định thực hiện bộ phim hoạt hình Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ vào năm 2023?
Lý do là chiến tranh, xung đột trên thế giới vẫn chưa hề chấm dứt, để lại tổn thương cho hàng triệu trẻ em và gia đình. Đạo diễn mong tinh thần phản chiến của cuốn sách và bộ phim tiếp tục được lan truyền.
Khi chiếu tại Việt Nam, phim dán nhãn K - trẻ em dưới 13 tuổi có thể xem nếu cha mẹ hoặc người lớn đi kèm. Đúng vậy, đây là bộ phim mà người lớn nên xem cùng trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận