Theo South China Morning Post, trào lưu cha mẹ thuê cử nhân, thạc sĩ từ các trường đại học hàng đầu cả trong và ngoài nước như Harvard, Cambridge, Thanh Hoa… làm "bạn đồng hành" cho con mình nổi lên gần đây ở xã hội Trung Quốc.
Con có nhiều hơn một cặp cha mẹ
Công việc của những người làm "nghề phụ huynh" này rất đa dạng và không ai giống ai. Về cơ bản, hầu hết đều đảm nhiệm vai trò gần như bảo mẫu trông coi, chăm sóc những nhu cầu cơ bản của trẻ.
Tuy nhiên, không dừng ở những nhiệm vụ ấy, những người này còn có một số phần việc vốn là trách nhiệm của cha mẹ như đưa trẻ đi khám bệnh, chia sẻ, chăm lo sức khỏe tinh thần, dạy kèm bài tập, đi du lịch cùng trẻ… Do đó, một số người còn gọi công việc trên là… phụ huynh chuyên nghiệp.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết những họ thường được cha mẹ trẻ tuyển trực tiếp từ mạng xã hội mà không thông qua công ty môi giới hay bên thứ ba.
Mức lương trung bình hằng tháng khoảng 10.000 - 30.000 nhân dân tệ (tức 35 - 105 triệu đồng). Người được thuê có thể làm vài tiếng mỗi ngày hoặc ở luôn tại nhà gia chủ.
Khách hàng của họ thường là những cặp vợ chồng trẻ, bận rộn, sở hữu khối tài sản trên 10 triệu tệ (350 tỉ đồng). Các cặp đôi này muốn dành thời gian phát triển sự nghiệp nhưng cũng muốn con mình được đồng hành và dạy bảo ngoài trường lớp bởi những người giỏi nhất.
Một nghiên cứu sinh ngành tâm lý học chia sẻ kết luận của mình sau quá trình phỏng vấn hàng trăm "bạn đồng hành" của trẻ em trên mạng xã hội Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư).
Kết quả cho thấy hầu hết những người làm việc này đều tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng như Harvard, Cambridge, Thanh Hoa hay Bắc Kinh.
"Để được nhận việc, những người này phải có bằng thạc sĩ trở lên, thông thạo nhiều ngôn ngữ, biết chơi thể thao cũng như nắm bắt tâm lý con trẻ", nghiên cứu cho biết.
Không nên gọi là "nghề phụ huynh"
Trang tin First Post khẳng định các bình luận trên Weibo về hiện tượng nghề nghiệp trên tương đối trái chiều. Một người dùng bình luận: "Chúng ta không nên gọi họ là làm nghề phụ huynh. Họ chỉ là các chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Từ phụ huynh ẩn chứa tầng ý nghĩa cảm xúc sâu hơn nhiều".
Chị Pan Lan - chuyên gia giáo dục gia đình sống tại tỉnh Hồ Bắc - đồng tình: "Những "bạn đồng hành" trẻ em trên không thể thay thế sự đồng hành thực thụ của cha mẹ".
Theo ý kiến này, sự phát triển lành mạnh về thể xác và tinh thần của một đứa trẻ đều cần tình yêu và sự động viên của cha mẹ. "Giáo dục gia đình tốt là quá trình trưởng thành của cả phụ huynh và con trẻ", chị này nói.
Tuy nhiên đâu đó vẫn có ý kiến ủng hộ: "Nếu con tôi có "bạn đồng hành" từ một đại học danh giá, tôi sẽ không phải lo lắng về việc chúng bị thua thiệt với chúng bạn".
Học cùng, chơi cùng, sát sao cùng trẻ
Chị Song Siyu làm công việc này tại thành phố Trùng Khánh. Chị làm từ 17h30 - 20h30 từ thứ hai đến thứ sáu mỗi tuần. Nhiệm vụ bao gồm dạy kèm con của khách, đưa trẻ đi tập thể thao như bóng đá, đấu kiếm và bơi lội.
Chị SuSu - một "bạn đồng hành" khác - có chuyên môn liên quan đến dinh dưỡng. Do đó, một phần công việc của chị là lên kế hoạch ăn uống cho những đứa trẻ mà mình chăm sóc.
Chị từng chăm một bé trai hiếu động trong kỳ nghỉ hè. Mẹ đứa trẻ này có xu hướng kiểm soát. Chị đồng hành cùng bé làm bài tập hè, tập xe đạp, chơi bóng rổ và trò chuyện, tâm tình.
Và trong một lần cãi nhau với mẹ, đứa trẻ đã nói với chị SuSu: "Con không thích mẹ. Con muốn cô làm mẹ con!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận