16/01/2019 16:40 GMT+7

Tốp 10 nước công bố 'Biển Đông' nhiều nhất không có Việt Nam

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Trên cơ sở dữ liệu toàn cầu Scopus có hàng chục ngàn nghiên cứu về "Biển Đông". Tuy nhiên trong tốp 10 quốc gia công bố nhiều nhất không có Việt Nam.

Tốp 10 nước công bố Biển Đông nhiều nhất không có Việt Nam - Ảnh 1.

Kết quả tra cứu trên Scopus với các tên gọi của Biển Đông - Chụp màn hình: TƯỜNG HÂN

Đó là khảo sát của PGS. TS Phạm Văn Phúc, tạp chí Phát triển Khoa học - Công nghệ (ĐHQG TP.HCM), công bố tại hội thảo Công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Việt Nam, diễn ra sáng 16-1. Theo TS Phúc phần lớn học giả quốc tế khi cần tìm nguồn thông tin có phản biện trên toàn cầu sẽ tra khảo trên hai cơ sở dữ liệu uy tín là Web of Science và Scopus.

Tại hội thảo, một số thông tin về nghiên cứu Biển Đông khiến cử tọa ngạc nhiên. Thứ nhất, vấn đề "Biển Đông" được công bố đầu tiên và lưu trữ trên Scopus từ năm 1930. Mới 16 ngày đầu năm 2019 đã có 80 công bố mới về Biển Đông. 

Thứ hai, 10 quốc gia công bố nhiều nhất về "Biển Đông" gồm Trung Quốc (8.647 bài), Hoa Kỳ (2.139 bài), Đài Loan (1.070 bài), sau đó là Nhật Bản, Úc, Malaysia, Hong Kong, Anh, Đức và Singapore. Việt Nam ngoài tốp với 245 công bố về Biển Đông.

Tốp 10 nước công bố Biển Đông nhiều nhất không có Việt Nam - Ảnh 2.

Hội thảo toàn quốc về công bố Khoa học Xã hội đạt chuẩn quốc tế - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Trước tình hình tạp chí trong nước "trăm hoa đua nở", GS. TS Phạm Quang Minh hiệu trưởng Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội nhận định: "Nhiều tạp chí khoa học trong nước nhận đăng bài báo còn dễ dãi, gần 400 tạp chí KH-CN mà không đủ nguồn cung, tỉ lệ từ chối bài thấp, uy tín tạp chí không cao, chưa có một tạp chí đạt chuẩn quốc tế".

Về chất lượng nhà khoa học, GS Minh nhấn mạnh: "Sinh viên vẫn được đào tạo theo kiểu cũ, tiếp thu kiến thức thụ động, ít sáng tạo, ít tương tác, thiếu tinh thần phản biện, phê phán khoa học. Sinh viên kém làm sao có lực lượng thạc sĩ, tiến sĩ, nhà khoa học tốt được? Phải tạo dựng bầu không khí học thuật trong giới chuyên môn, nhà khoa học không chỉ đến phát biểu rồi ra về, ít tranh luận khiến hội nghị trở nên nhàm chán, ít tác dụng".

Hội thảo do ĐHQG TP.HCM phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH VN (VASS) tổ chức, thu hút giới nghiên cứu toàn quốc trao đổi về nguyên nhân, giải pháp thúc đẩy số lượng bài báo KHXH công bố quốc tế và xây dựng tạp chí KHCN đạt chuẩn quốc tế. 

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên