Các diễn biến khá chóng vánh sau khi Hội đồng Hiến pháp của Pháp ngày 14-4, giờ địa phương, thông qua các phần chính trong dự luật mà ông Macron đề xuất. Tổng thống Pháp ký ban hành luật trong đêm và văn bản được công bố sáng 15-4.
Hội đồng Hiến pháp đã thông qua phần quan trọng nhất của dự luật là tăng tuổi nghỉ hưu của công dân Pháp từ 62 lên 64, cho rằng việc này phù hợp với luật pháp hiện hành ở Pháp. Tuy nhiên, 6 biện pháp khác bị bác bỏ bao gồm buộc các công ty lớn công bố dữ liệu về số nhân viên trên 55 tuổi mà họ tuyển dụng và làm hợp đồng đặc biệt cho những người lao động lớn tuổi.
Chính quyền Pháp dự định triển khai các cải cách hưu trí này từ ngày 1-9. Ông Macron khẳng định việc cải cách là "cần thiết" để tránh thâm hụt quỹ lương hưu, dự kiến lên đến 14,8 tỉ USD vào năm 2030.
Theo Hãng tin Reuters, các đám đông đã tuần hành khắp thủ đô Paris tối 14-4, một số đốt các thùng rác, trong khi ở thành phố Rennes tại miền bắc, cổng của một sở cảnh sát bị phóng hỏa. Biểu tình cũng nổ ra ở các thành phố khác như Marseille và Toulouse.
Các công đoàn kêu gọi không triển khai dự luật. Họ khẳng định việc kế hoạch cải cách hưu trí được ký thành luật "chưa phải là kết thúc" và cho biết sẽ tổ chức "làn sóng" đình công vào ngày 1-5.
Đình công kéo dài 3 tháng qua ở Pháp đã gây nhiều xáo trộn nghiêm trọng, làm đình trệ các dịch vụ công, nguồn năng lượng...
Dù việc nhanh chóng ký thành luật các cải cách hưu trí được xem là một chiến thắng cho ông Macron, nhưng giới phân tích cho rằng tổng thống 45 tuổi này cũng đang phải trả giá đắt về mức tín nhiệm.
Tỉ lệ ủng hộ ông hiện đang gần mức thấp nhất từ trước đến nay và nhiều cử tri rất tức giận việc chính quyền của ông quyết định dùng thủ tục đặc biệt để thông qua dự luật tại Quốc hội mà không cần bỏ phiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận