16/10/2009 07:15 GMT+7

Tổng giám đốc Đầu tư Vinashin: "Chúng tôi vay thì phải trả"

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Trước những thông tin Vinashin khó khăn về tài chính, nhiều khoản nợ tuy không lớn nhưng chưa trả nổi..., ngày 15-10 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Lộc - tổng giám đốc đầu tư Vinashin - khẳng định: "Việc Vinashin gặp khó khăn là đúng. Không chỉ các công ty thành viên khó khăn mà cả tập đoàn cũng khó khăn".

Câu chuyện bạn đọc quan tâm

Tổng giám đốc Đầu tư Vinashin: “Chúng tôi vay thì phải trả”

TT - Trước những thông tin Vinashin khó khăn về tài chính, nhiều khoản nợ tuy không lớn nhưng chưa trả nổi..., ngày 15-10 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Lộc - tổng giám đốc đầu tư Vinashin - khẳng định: "Việc Vinashin gặp khó khăn là đúng. Không chỉ các công ty thành viên khó khăn mà cả tập đoàn cũng khó khăn".

ImageView.aspx?ThumbnailID=368671
Ông Lê Lộc - Ảnh: CÙ ZAP

>> Cần một thiết chế giám sát các tập đoàn>> Vinashin: tàu đóng mãi không xong>> Công ty con không thể nhập hàng vì Vinashin nợ đọng hải quan

"Không thể so với Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng tôi xin khẳng định là công nghệ và tầm của Vinashin không thể nói là lạc hậu được. Tôi sẵn sàng tranh luận với bất cứ ai về điều này"

Ông Lê Lộc

* Vừa qua Vinashin là một trong những đơn vị dự kiến bị thanh tra, nhưng sau đó Chính phủ quyết định dừng, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi không rõ mục tiêu của thanh tra là gì. Cá nhân tôi không rõ. Nhưng hiện đã và đang có rất nhiều cuộc kiểm tra rồi, giám sát của Quốc hội, của các bộ ngành. Việc Chính phủ dừng thanh tra cần phải xem tổng thể, có phải chỉ dừng Vinashin hay nhiều tập đoàn, tổng công ty khác. Đó có phải một ưu ái không thì phải hỏi Chính phủ.

- Việc Vinashin gặp khó khăn là đúng. Không chỉ các công ty thành viên khó khăn mà cả tập đoàn cũng khó khăn. Nhiều dự án tôi phụ trách cũng đang gặp những khó khăn về vốn nên chúng tôi phải cắt giảm, tạm hoãn, giãn tiến độ, thậm chí từ chối một số đơn hàng. Nhưng khó khăn tài chính của Vinashin hiện nay nằm trong khó khăn chung của thế giới. Trong khủng hoảng chúng tôi bị ảnh hưởng nặng.

Trung Quốc cũng có hàng trăm nhà máy đóng tàu liêu xiêu, tổng lượng đơn đặt hàng với nước này đã giảm 30-40%. Nhiều chủ tàu sử dụng nguồn tài chính của Mỹ nên khủng hoảng xảy ra, khu vực này sụp theo. Không ít chủ đã đặt tàu nhưng không có tiền trả, các nhà máy đóng tàu cũng đành chịu.

Một liên doanh của Hyundai với ta vừa qua có bàn giao một tàu 54.000 tấn, chủ tàu nhận nhưng cũng neo để đấy. Đó chính là khó khăn chung. Quốc tế làm tốt như thế, có thời gian phát triển lâu dài còn bị ảnh hưởng, ta mới phát triển nên bị ảnh hưởng, khó khăn là không tránh khỏi. Song chúng tôi nghĩ khó khăn này chỉ là tạm thời.

* Các báo cáo đều cho thấy Vinashin thiếu vốn. Nhưng Chính phủ đã đặc cách giao cho Vinashin cả 750 triệu USD từ phát hành trái phiếu quốc tế. Phải chăng số tiền đó vẫn chưa đủ để trang trải?

- Để phát triển một ngành công nghiệp, nhiều tỉ USD cũng không đủ chứ nói gì 750 triệu USD. Mỗi nhà máy lớn như lọc dầu, đạm, điện... đều cần cả tỉ USD đầu tư, tương tự mỗi nhà máy đóng tàu đã cần số đầu tư lên đến cả trăm triệu USD rồi. Với nhiều nhà máy trải dài trên VN thì 750 triệu USD là quá ít ỏi. Tất nhiên nếu quy ra thóc thì số tiền đó rất kinh khủng nên chúng tôi vẫn quan niệm 1 USD cũng quý. Nếu các anh ra biển thấy toàn tàu Trung Quốc và các nước mới thấy chúng ta cần phải phát triển đóng tàu như thế nào.

VN có bờ biển dài như vậy nên đầu tư đóng tàu là đúng hướng, và chúng tôi đã cố gắng thực hiện chiến lược của đất nước. Để phát triển cả một ngành công nghiệp, chúng tôi cần sự hỗ trợ của đất nước. Nếu được trợ giúp nữa chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua được khó khăn.

* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc dẫn đến thiếu vốn một phần là do Vinashin đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính như các dự án resort, trung tâm triển lãm...?

- Số tiền 750 triệu USD chúng tôi khẳng định đầu tư đúng mục đích, đi vào các nhà máy, đúng hướng Chính phủ giao. Nhờ có nguồn đầu tư đó mà Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu biến được nhiều khu đất trống thành nhà xưởng, họ đang đóng những chiếc tàu lớn nhất VN.

Công ty đóng tàu Hạ Long trước đây chỉ đóng được tàu 1.000-2.000 tấn, nay đã đóng tàu trên 50.000 tấn, sắp tới đóng xong cả tàu chở ôtô - loại khó đóng nhất - để bàn giao cho khách hàng châu Âu. Những cái này không phải ai cũng biết. Còn một số dự án như khu resort ở Cát Bà, Hải Phòng, chúng tôi có dự định đầu tư thật nhưng đến nay vẫn là khu đất bùn, chúng tôi đã bỏ đồng nào vào đâu.

Để tập trung vào lĩnh vực chính, hơn 40 dự án đã và đang đầu tư dang dở đã được Vinashin cắt giảm, giãn tiến độ.

* Thưa ông, mặc dù được đầu tư lớn nhưng Vinashin hiện vẫn chủ yếu lắp ráp?

- Chiến lược đi của chúng tôi hoàn toàn khác. Những tàu chúng tôi đóng hiện nay là những chiếc nhiều nhà máy khác trên thế giới đang dự kiến. Nếu ta chỉ đóng những tàu làng nhàng thì VN làm sao được xếp là nước đứng thứ bảy thế giới. Hãy đến so những nhà máy của chúng tôi với các nhà máy khác trên thế giới sẽ biết chứ cứ nói như thế thì không chính xác. Hiện đăng kiểm quốc tế nổi tiếng của Đan Mạch, Na Uy đều có mặt ở Hà Nội, Hải Phòng, hãy đến hỏi những nhà kiểm định độc lập đó họ sẽ nói cho biết.

* Vậy những khoản nợ như thuế hải quan, phí lưu kho ở cảng và những dự án chậm tiến độ, Vinashin giải thích như thế nào, thưa ông?

- Tôi không nắm rõ những khoản nợ đó, một phần có thể do khó khăn, một phần có thể do quy định, quy trình. Các nhà máy đóng tàu lớn thì việc nhập hàng, xuất hàng diễn ra hằng ngày nên việc chậm thanh toán có thể diễn ra. Tất nhiên sẽ phải xem xét để giải quyết nhưng cũng không vì một số khoản nợ đó mà coi chúng tôi đã hỏng hẳn rồi.

Những câu hỏi đối với Vinashin, theo tôi, đều xuất phát từ ý tốt, vì sự phát triển của đất nước. Nó có thể sẽ giúp chúng tôi sửa đổi để tốt lên. Chúng tôi cũng sẵn sàng giới thiệu những chuyện của chúng tôi, có thể sẽ có những chuyện phải sửa đổi.

* Ông nói Vinashin khó khăn tạm thời nhưng sẽ kéo dài bao lâu? Liệu Vinashin có trả nổi số tiền 750 triệu USD mà Chính phủ đã dành cho?

- Cái tạm thời này dài như thế nào thật ra cũng khó nhận định. Nhưng hiện tại chúng tôi thấy tình hình đã sáng sủa hơn. Giá cước vận tải thế giới đã chững lại, không giảm tiếp mà có phần nhích lên. Các đội tàu thế giới bắt đầu có hàng khi các nước bắt đầu xuất khẩu lại. Các chủ tàu có việc thì họ mới đầu tư nên chúng tôi hi vọng năm 2010 sẽ tốt hơn.

Khó khăn của Vinashin là do rơi vào thời điểm không may này. Còn khoản tiền 750 triệu USD Vinashin sẽ trả nhưng phải tìm giải pháp xem bao giờ trả và trả như thế nào. Chính phủ cũng đã xem xét chất vấn chúng tôi rất nhiều. Các bộ ngành cũng đã kiểm tra xem Vinashin có thể trả nợ không. Với tư cách một ngành công nghiệp, có thể khẳng định chúng tôi đã vay thì phải trả và tin rằng sẽ trả được.

ImageView.aspx?ThumbnailID=368672
Toàn cảnh khu liên hiệp thép hiện là vùng đất trống -Ảnh: Lê Trường

Dự án 9,8 tỉ USD vẫn “đóng băng”

Sau gần ba tháng kể từ khi UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản yêu cầu liên doanh Tập đoàn Lion Group (Malaysia) và Tập đoàn Vinashin xác định chính kiến rõ ràng về khả năng đầu tư đối với khu liên hợp thép Cà Ná, đến nay dự án này vẫn tiếp tục... đóng băng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, hôm 15-10, ông Lê Kim Hùng - giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận - cho biết liên doanh hai tập đoàn Lion Group - Vinashin vừa có văn bản gửi UBND tỉnh xin được giãn tiến độ dự án và giảm thiểu quy mô đầu tư.

Dự án khu liên hợp thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư 9,8 tỉ USD. Ngày 23-11-2008, dự án động thổ với kế hoạch giai đoạn 1 (đến cuối năm 2010) sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy thép công suất 4,5 triệu tấn/năm, hai nhà máy nhiệt điện tổng công suất 1.450MW, cảng biển công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm, lò nung vôi và nhà máy oxy phục vụ sản xuất... Tuy nhiên đã gần một năm qua dự án này vẫn trong tình trạng... khởi công xong để ngó.

L.Trường

CẦM VĂN KÌNH thực hiện

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên