01/11/2015 08:37 GMT+7

Tổng bí thư dự khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - 8g sáng 1-11, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 chính thức khai mạc với sự tham gia của 495/497 đại biểu (hai đại biểu vắng mặt).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) dự khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các Bộ ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành đã tới dự.

Đọc diễn văn khai mạc đại hội, bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh:“năm năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội luôn xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô. Kế thừa và phát huy thành tựu, kinh nghiệm 30 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Thành ủy, trọng tâm là nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV, lãnh đạo thực hiện tốt 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá của Thành ủy, tạo bước chuyển biến mới trên các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ.

Diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh chóng, ngày càng khang trang và khởi sắc. Sự ổn định và phát triển của thành phố Hà Nội 5 năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước. Vai trò, vị thế, uy tín của thủ đô ngày càng được nâng cao”.

Theo bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, có được thành tựu nêu trên càng thấm thía công sức của các tầng lớp nhân dân nhân dân Thủ đô. “Mọi công việc được nhân dân ủng hộ thì khó khăn đến mấy cũng vượt qua” - ông Nghị nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của Thủ đô và cả nước, với tinh thần thực sự cầu thị, Đảng bộ Hà Nội đã nghiêm túc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước những vận hội mới, thời cơ mới, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới.  

“Đảng bộ Hà Nội xác định chủ đề của Đại hội XVI là: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thóng văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Về việc bầu cử Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lưu ý trách nhiệm của từng đại biểu và của cả Đại hội là phải lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, thực sự xứng đáng để bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ.

“Những đồng chí được lựa chọn phải thực sự tiêu biểu về mọi phương diện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống”-ông Nghị nêu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

Đọc báo cáo chính trị trình Đại hội, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, năm năm thực hiện nghị quyết Đại hội XV, Hà Nội đã đạt được 10 kết quả nổi bật.

Thứ nhất, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.600 USD/năm, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.

Thứ hai, quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt.

Thứ ba, công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện.

Thứ tư, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao.

Thứ năm, văn hóa tiếp tục phát triển. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả đáng ghi nhận.

Thứ sáu, khoa học và công nghệ được đẩy mạnh. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được coi trọng.

Thứ bảy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững. Quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố, tăng cường.

Thứ tám, hoạt động đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển tiếp tục được đẩy mạnh. Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Thứ chín, hệ thống chính quyền, mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Thứ mười, công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng, tạo được chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng cao.

Tuy nhiên, báo cáo chính trị trình Đại hội cũng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu nổi bật vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là, về kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; trong số 19 chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội XV, có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động để tập trung cho đầu tư phát triển, đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công, nhất là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước chưa cao.

“Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém… Về phát triển văn hóa - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa tương xứng với vị thế, vai trò Thủ đô. Một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn yếu kém”-ông thảo nêu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng thẳng thắn nêu công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn.

“Tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao. Tình trạng suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục… Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc chưa nhiệt tình, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và công dân” - ông Thảo nêu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

Trình bày báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV, phó bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhìn nhận trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế Ban chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy còn thiếu cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù, khả thi và chưa đồng bộ để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc chủ động giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Chỉ đạo nhân rộng các mô hình, các điển hình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh chưa mạnh và toàn diện. 

Ngoài ra, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự xã hội ở một số địa bàn, cơ sở chưa đồng bộ, quyết liệt, nên còn diễn biến phức tạp. Quản lý, điều hành của một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa sâu sát, quyết liệt, thậm chí có nơi buông lỏng; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tinh thần trách nhiệm yếu, giải quyết công việc thiếu năng động, sáng tạo, có việc còn chủ quan, nóng vội. Những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực chưa được kiểm tra, xử lý triệt để.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Vai trò tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa được phát huy. Một số vụ việc có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Trình bày báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cho biết không có đại biểu dưới 30 tuổi. Đại biểu cao tuổi nhất là bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, 66 tuổi. Hai đại biểu trẻ tuổi nhất đồng chí NguyễnTrang Thu, bí thư huyện Đoàn Mỹ Đức, và đồng chí Đoàn Hiệp, bí thư huyện đoàn Sóc Sơn, cùng 32 tuổi.

10g, Đại hội nghỉ giải lao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM, tới dự Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ trong phiên khai mạc - Ảnh: Việt Dũng
XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên