Khách thưởng thức tôm hùm đất (crawfish) tại một quán ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D
Nhà hàng chuyển sang nhập tôm hùm đất đông lạnh khi rộ lên thông tin cấm nhập.
Tràn ngập nhà hàng, quán nhậu
Trong vai người cần mua số lượng lớn, liên hệ với một đầu mối chuyên bỏ sỉ tôm hùm đất ở TP.HCM, người bỏ sỉ tên Hằng (Q.10) khẳng định: "Hàng của em tôm gửi tới vẫn còn bò".
Ngoài TP.HCM, chị này nói còn gửi bán cho các quán ăn, nhà hàng ở Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh...
Hỏi về nguồn gốc, Hằng khuyên nên mua tôm hùm đất Trung Quốc bởi "bên Mỹ nhập về giá cao". Ngoài ra, tôm hùm đất Trung Quốc còn sống, còn hàng Mỹ thường đã chết, phải trữ đông.
Theo lời Hằng, hệ thống nhà hàng cua và hải sản V.C (có 4 chi nhánh tại TP.HCM) là mối ruột của chị, mỗi ngày lấy từ 30-50kg.
Đến cửa hàng V.C tại Q.1, quản lý cửa hàng này vui vẻ giới thiệu các món tôm hùm đất. Giá 1 phần với 300gram đã chế biến là 260.000 đồng.
Thứ tư hằng tuần có chương trình mua 2 tặng 1. "Bên em nhập hàng sống, rồi cấp đông" - anh D. (quản lý cửa hàng) khẳng định.
Tại nhà hàng này, món tôm hùm đất được giới thiệu trang trọng trong thực đơn. Theo lời anh D., tôm hùm đất là món ăn hút khách của cửa hàng, cứ 10 bàn thì 8 bàn gọi và ăn ít nhất 1 phần. Khách Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... đủ cả.
Anh D. chia sẻ thêm dạo gần đây "cháy hàng" nên bên anh phải dự trữ, mỗi lần mua khoảng 50kg, sau đó hấp nhiệt, cấp đông rồi chia cho các chi nhánh.
Theo ghi nhận, nhiều nhà hàng, quán nhậu khác tại TP.HCM cũng đang bán tôm hùm đất. Đại diện một hệ thống nhà hàng lớn tại TP.HCM cho hay dù có giá hơn 600.000 đồng/kg (qua chế biến) nhưng tôm hùm đất đang là món "hot", được đơn vị nhập về bán liên tục.
Chia sẻ với phóng viên, một số người gọi tôm hùm đất để nhậu nói muốn thử chủ yếu vì... lạ.
Thuộc nhóm 100 loài nguy hiểm nhất thế giới
Ông Lê Trần Nguyên Hùng cho hay qua kiểm tra thực tế tại 19 chợ có kinh doanh thực phẩm thủy hải sản, 25 cơ sở kinh doanh thủy hải sản ở Hà Nội, không phát hiện cơ sở nào kinh doanh tôm hùm đất.
Hiện việc giao dịch, tiêu thụ loài tôm này chủ yếu qua mạng xã hội nên việc phát hiện, xử lý gặp khó khăn.
Theo ông Hùng, tôm hùm đất ăn tạp, đôi khi có thể ăn thịt lẫn nhau khi thiếu thức ăn. Loài này đào hang sâu tới 2m, phá hủy kênh mương thủy lợi và đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào trong 100 loài nguy hiểm nhất trên thế giới.
Tôm hùm đất được ghi nhận là tác nhân gây bệnh bao gồm: virút, vi khuẩn, sinh vật đơn bào, nấm, ký sinh trùng đơn bào và đa bào.
Bị cấm, chuyển sang buôn hàng đông lạnh
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên mạng xã hội, việc rao bán không còn rầm rộ như trước, tuy nhiên chỉ cần gõ cụm từ "tôm hùm đất" sẽ dễ dàng đặt mua.
Tài khoản Facebook L.Thùy đăng ngày 18-5 "Em có tôm hùm đất về hằng ngày,...", kèm theo hình ảnh về tôm hùm đất và clip những con tôm còn sống. Khi hỏi mua, chủ tài khoản này nhắn riêng, đề nghị đặt trước và sau một ngày sẽ giao hàng.
Tôm được quảng cáo bán trên mạng có nguồn gốc rất đa dạng, từ Mỹ, Canada, Trung Quốc... và được giới thiệu có mùi rất đặc trưng, thậm chí được quảng bá như một món ăn sang chảnh, được bán kèm gia vị và công thức chế biến với giá từ 290.000-350.000 đồng/kg (từ Trung Quốc), tầm 600.000-750.000 đồng/kg (từ Mỹ, Canada).
Theo chia sẻ của người bán, trước thông tin cấm kinh doanh, nhiều người chuyển sang nhập hàng đông lạnh.
Tôm hùm đất được bán tại một nhà hàng ở TP.HCM - Ảnh: Bông Mai
TS Bùi Quang Tề - chuyên gia về nghiên cứu nuôi trồng thủy sản - cho biết thêm: tôm hùm đất có khả năng sinh sản nhanh chóng. Chúng có thể cắt ngang thân lúa, ăn tất cả loại búp cây non, cả tôm, cá nhỏ.
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ để người dân biết tác hại, từ đó không tiêu thụ, nuôi, bán. Người đứng đầu các địa phương cũng phải có trách nhiệm kiểm soát, khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải khoanh vùng, tiêu hủy theo quy định.
Vừa liên hệ đầu mối phía Trung Quốc đặt thêm một lô tôm hùm đất mới, hàng dự kiến về sau 10 ngày, chị Hồng (một thương nhân chuyên kinh doanh các loại tôm, cua nhập khẩu tại TP.HCM) cho rằng: "Nhà nước cấm kinh doanh tôm hùm đất tươi sống vì cắn lúa, ảnh hưởng nông nghiệp và thủy sản, còn tôm đã sơ chế rồi thì không còn nguy cơ gây hại nên mình vẫn kinh doanh bình thường, khách vẫn hỏi mua đều".
Tương tự, khi đặt vấn đề hỏi mua số lượng lớn tôm hùm đất, đại diện một số đơn vị kinh doanh online cho biết do nhu cầu quá nhiều nên hiện đã "cháy hàng", khoảng đầu tháng 6 sẽ nhập về, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Sẽ kiểm tra, xử lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trần Nguyên Hùng - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) - cho biết theo quy định, Bộ NN&PTNT quản lý, xử lý khi tôm hùm đất, tôm càng đỏ ở dạng còn sống khi lưu giữ, vận chuyển, buôn bán, nuôi trồng.
Còn khi tôm được cấp đông là không còn xâm hại đến môi trường, thuộc dạng hàng hóa, trách nhiệm quản lý, xử lý về nguồn gốc xuất xứ, cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuộc về hải quan, quản lý thị trường...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - cho hay đã chỉ đạo các cục quản lý thị trường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất.
Theo ông Linh, nếu bắt được tôm hùm đất phải tiêu hủy ngay, và trong tuần này sẽ có thông tin cụ thể về tình hình thanh tra, kiểm tra.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết đã chỉ đạo lực lượng nắm tình hình, kiểm tra xử lý với tôm hùm đất trên thị trường.
Tại Lào Cai, từ đầu tháng 5 đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ được 945kg tôm hùm đất.
Có thể phạt đến 1 tỉ đồng, xử lý hình sự
Theo Bộ NN&PTNT, nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định hành vi nhập khẩu thủy sản sống (như tôm hùm đất) để làm thực phẩm, làm cảnh hoặc giải trí chưa được cơ quan cấp phép theo quy định sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng.
Trong khi đó, theo điều 246, Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định rất rõ: Người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận