03/04/2024 12:07 GMT+7

Tôm Ecuador và Ấn Độ bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu, cơ hội nào cho tôm Việt?

Nhiều container tôm của Ecuador và Ấn Độ bị từ chối nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc do chất bảo quản vượt mức cho phép, có chất kháng khuẩn, có mầm bệnh. Đây có phải là cơ hội cho tôm Việt Nam xuất khẩu?

Xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý 1-2024 ước đạt gần 2 tỉ USD, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng trên 30%- Ảnh: THẢO THƯƠNG

Xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý 1-2024 ước đạt gần 2 tỉ USD, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng trên 30%- Ảnh: THẢO THƯƠNG

Trước thông tin nhiều container tôm của Ecuador và Ấn Độ bị từ chối nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngày 3-4, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu xuất khẩu tôm, bên cạnh Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…

"Nhưng nói một cách công bằng, thế giới có nhiều quốc gia dẫn đầu xuất khẩu tôm. Một số quốc gia bị trục trặc về vấn đề xuất khẩu, trong khi Trung Quốc nhu cầu về tôm vẫn tiếp tục thì có thể mua tôm Việt Nam.

Ông (thị trường Trung Quốc - PV) không ăn chỗ này, ông kiếm chỗ khác có năng lực. Việt Nam đủ cung ứng sản lượng, đặc biệt là sản phẩm tôm giá trị gia tăng", ông Hòe nói.

Cũng theo tổng thư ký VASEP, các sản phẩm tôm chế biến xuất đi thị trường hơn 1,4 tỉ dân được ưa chuộng chủ yếu như há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…

Trong tháng 3, xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc tăng trên 30%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm bứt phá mạnh mẽ trong quý 1 năm nay. Cụ thể, tôm hùm tăng gấp 11 lần; tôm chân trắng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, đa số cũng thừa nhận nếu trên "đường đua" của tôm xuất khẩu, tôm các nước bị từ chối nhập khẩu, rõ ràng là cơ hội để mình "bao" thị trường, tăng sản lượng. Nhưng các doanh nghiệp này cũng "e dè, cẩn trọng" hơn với các lô hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Sáng (chủ doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nhìn nhận: "Những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ, Ecuador đang phải đối mặt như môi trường, kháng sinh, phụ gia, chất bảo quản… cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường".

Ngoài ra, mới đây trong tháng 3, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại. Đây cũng là cơ hội cho tôm Việt xuất khẩu.

Mới đây theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có 43 lô tôm Ecuador đã bị từ chối trong 2 tháng đầu năm nay, chủ yếu do hàm lượng sulfite (chất bảo quản) vượt mức cho phép. Ngoài ra có 16 lô tôm bị từ chối do nitơ cơ bản dễ bay hơi vượt mức, 31 lô có mầm bệnh và chưa qua kiểm dịch.

Còn với tôm nhập khẩu của Ấn Độ bị phát hiện có chứa một chất kháng khuẩn, phát hiện có mầm bệnh bị GACC từ chối nhập khẩu.

Xuất khẩu thủy sản hết quý 1-2024 ước đạt gần 2 tỉ USD

Xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý 1-2024 ước đạt gần 2 tỉ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - Hong Kong là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất; trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, xuất sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi xuất sang Trung Quốc - Hong Kong tăng 15%.

Xuất khẩu tôm đã tích cực hơnXuất khẩu tôm đã tích cực hơn

Dù vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước đây nhưng những tháng gần đây giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đang có sự cải thiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên