Tại Bến Tre, vùng nuôi tôm ở Ba Tri và Bình Đại cũng bị thiệt hại nặng.
Phóng to |
Nông dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) khiêng quạt tạo oxy lên bờ sau khi tôm chết hết -Ảnh: NGỌC TÀI |
Thỉnh thoảng lại gặp cảnh nông dân hì hục tháo những chiếc quạt tạo oxy trong đầm tôm đem lên bờ. “Tôm chết hết rồi, để quạt dưới ao chi nữa!” - một nông dân thở dài.
Vùng tôm hiu hắt
Chúng tôi đến khu ao tôm của ba anh em Lê Văn Dương, Lê Văn Phăng, Lê Văn Phắc ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) lúc 12g trưa 29-4. Ao tôm vắng ngắt nhưng lại nghe trong chòi canh tiếng cụng ly lách cách. Ông Dương tranh thủ uống một ly rượu trắng rồi giải thích: “Tôm chết hết rồi, thất nghiệp, anh em chúng tôi lai rai cho đỡ buồn. Nếu không giờ này tụi tui phải bù đầu chăm sóc tôm chứ làm gì có thời gian nhậu nhẹt”.
Ba anh em ông Dương có năm ao tôm thả nuôi tới 440.000 con giống. Thế nhưng chỉ mới thả được hơn hai tuần thì bất ngờ tôm chết nổi lềnh bềnh. Riêng ao của ông Dương cầm cự được một tháng tôm mới có hiện tượng chết. Ông tranh thủ bán tháo cũng vớt vát được chút đỉnh, còn hai người em ông mất trắng 200 triệu đồng tiền vốn. Nhìn ra ao tôm một lúc, ông Dương nói như an ủi mình: “Cũng may tôm chết lúc mới thả, chứ nuôi đến gần bán mà tôm chết còn lỗ nặng hơn nữa”. Theo ông Dương, 500ha ao tôm của xã Mỹ Long Nam cũng chết trắng như ao tôm của ba anh em ông Dương.
Huyện Cầu Ngang có gần 6.000 hộ thả nuôi hơn 645 triệu tôm giống trên 4.000ha mặt nước, nhưng có hơn 2.700 hộ bị thiệt hại (1.870ha), ước tính khoảng 350 tỉ đồng. Các xã Mỹ Long Nam thiệt hại 90%; Hiệp Mỹ Tây, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn thiệt hại khoảng 70%. Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, vụ nuôi tôm này toàn tỉnh bị thiệt hại gần 5.500ha.
Còn tại tỉnh Bến Tre, tôm vừa thả nuôi cũng chết như ở Trà Vinh. Trong đó hai địa phương bị thiệt hại nặng nhất là Ba Tri và Bình Đại. Huyện Ba Tri thả nuôi hơn 1.000ha, trong đó hai xã Tân Xuân và Bảo Thạnh có tới 95% diện tích bị thiệt hại. Huyện Bình Đại thả nuôi 1.000ha thâm canh và bán thâm canh, tỉ lệ thiệt hại khoảng 33%.
Tại tỉnh Sóc Trăng hiện cũng ghi nhận gần 2.000ha ao tôm bị thiệt hại.
Chưa rõ nguyên nhân
Đề nghị trung ương hỗ trợ tìm nguyên nhân tôm chết Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội thảo tìm nguyên nhân khiến tôm chết và giải pháp khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng tôm chết là do nắng nóng, mật độ thả nuôi quá dày, nông dân không chạy quạt tạo oxy buổi trưa (để tiết kiệm chi phí). Còn theo Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư, có ba nguyên nhân dẫn đến tôm chết là do bệnh đốm trắng, tôm bệnh gan tụy và cách chăm sóc, quản lý đầm tôm không phù hợp. Sở kiến nghị UBND tỉnh công bố dịch ở những vùng bị thiệt hại trên 30% và có nguy cơ dịch; đồng thời yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn tôm giống từ bên ngoài nhập vào tỉnh. Ông Lê Phong Hải, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết qua hội thảo vẫn chưa kết luận nguyên nhân nào khiến tôm chết hàng loạt. Sở đã có văn bản đề nghị Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 hỗ trợ tỉnh xác định nguyên nhân tôm chết để trả lời cho nông dân. |
Theo ông Nguyễn Vũ Phương, chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, hầu hết tôm chết với kết luận là hoại tử gan tụy, bệnh đốm trắng và bệnh đầu vàng. Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây bệnh. Ông Phương phân tích: “Cùng một con giống nuôi ở các vuông tôm khác nhau thì chỗ chết, chỗ không nên không thể kết luận nguyên nhân do con giống. Giờ chỉ trông chờ các nhà chuyên môn kết luận”.
Ông Phạm Văn Đời ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) là một trong hai người nuôi tôm tạm thời vượt qua được đợt dịch. Hai mùa trước ông Đời đều trúng mùa, nhưng năm nay gần như ông không thể ngủ được. Ông kể: “Thấy dịch bệnh hoành hành khắp nơi tui bỏ ăn luôn. Ngày nào cũng đo độ pH ao tôm. Nó tăng lên một tí là rầu không ăn không ngủ. Hồi tôm còn nhỏ tui phải thức canh tới 2-3g sáng vì sợ tôm nổi lên như các ao khác. Thấy một con nổi lên là ruột gan quặn thắt luôn”.
Còn ông Lê Văn Năm ở xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang có kinh nghiệm gần 20 năm cũng bối rối trước dịch bệnh tôm hiện nay. Mặc dù đã thắng lớn từ các vụ tôm trước nhưng đến vụ này ông cũng đành bất lực nhìn hơn 200.000 con tôm giống chết cùng lúc. Ông Năm kể: “Lúc tôm bị bệnh tui đã làm đủ mọi cách mà không thấy hiệu quả. Kinh nghiệm bao nhiêu năm cũng không thể cứu nổi 2ha tôm nên đành chấp nhận trắng tay chờ cơ quan chức năng tìm nguyên nhân”.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, trước mắt UBND tỉnh đã ban hành quy trình kỹ thuật chăm sóc tôm sú giai đoạn sau một tháng tuổi và quy trình cải tạo ao nuôi tôm sú bị thiệt hại. Hai quy trình này được đúc kết từ thực tiễn, được cho là có khả năng hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ 40 tấn hóa chất để nông dân xử lý ao, diệt mầm bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, vừa đến Ba Tri và Bình Đại tìm hiểu tình hình và chỉ đạo ngưng thả tôm giống trên địa bàn hai huyện bị thiệt hại nặng nhất này. Ngoài ra, tỉnh sẽ chi tiền mua hóa chất xử lý tất cả ao tôm bị dịch bệnh vừa qua để diệt mầm bệnh. UBND tỉnh cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre bàn giải pháp hỗ trợ dân vay vốn đầu tư cho vụ nuôi sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận