22/06/2019 09:56 GMT+7

Tôi xấu hổ vì đã thất vọng khi con muốn trở thành chú lái tàu

YẾN PHƯƠNG
YẾN PHƯƠNG

TTO - Nghe con nói lớn lên muốn trở thành chú lái tàu, tôi thở dài thất vọng khi nghĩ sao ý chí của con ngắn vậy, sao con không muốn làm những điều to tát...

Tôi xấu hổ vì đã thất vọng khi con muốn trở thành chú lái tàu - Ảnh 1.

Hãy để con được học, được làm bất cứ ngành nghề gì con giỏi, con có thế mạnh. Trong ảnh: Thiếu nhi vui hè tại sân chơi do Quận đoàn Tân Phú (TP.HCM) tổ chức - Ảnh: C.K.

Tôi - một người mẹ quá kỳ vọng vào các con, luôn mong muốn sau này con sẽ trở thành người thành đạt và có ích cho xã hội. Tôi không phủ nhận bản thân đã có những tham vọng lớn, không muốn con là người bình thường.

Khi con còn bé, tôi vẫn giữ thói quen hỏi: "Sau này lớn lên con muốn làm nghề gì?". Con trai đầu của tôi khi đó mới 5-6 tuổi hồn nhiên nói: "Con muốn trở thành chú lái tàu hỏa". Khi nhìn thái độ của mẹ có vẻ không vui, con lại nói: "Vậy con làm người cầm lá cờ đứng vẫy khi tàu về ga được không mẹ?".

Rồi con kể về từng chi tiết trên ôtô, về đèn báo hiệu khi tàu đi qua mà con gọi đó là cái "tính toong". Mỗi khi đi lựa đồ chơi cho con, con chỉ thích mua đoàn tàu, xe ôtô. Tôi thất vọng khi con không chọn những đồ dùng học tập hay sách vở.

Thật xấu hổ khi tôi thở dài thất vọng khi nghĩ sao ý chí của con ngắn vậy? Sao con không muốn làm những điều to tát?

Khi tôi gợi ý: "Mẹ muốn sau này con trở thành bác sĩ để cứu người, con nghĩ sao?". Con bảo: "Con làm chú lái xe cứu thương nhé mẹ". Nghĩa là trong tâm hồn non nớt của con muốn làm những công việc liên quan đến lái xe, lái tàu. Và người mẹ đáng trách như tôi đã có lúc thiếu suy nghĩ như thế.

Khi con lớn hơn, thi thoảng tôi vẫn giữ thói quen thăm dò mong muốn của con. "Sao phải trở thành bác sĩ hả mẹ?", con hỏi. Tôi đành phân bua: "Thì làm bác sĩ để cứu người, không tốt sao con?". Con lắc đầu: "Lái xe cứu thương cũng là cứu người mà mẹ", "Lái tàu cũng giúp đỡ được người mà?".

Nghĩ lại, giờ khi đứa lớn học cấp 3, đứa nhỏ học cấp 2, tôi mới nhận ra với một người mẹ, điều cần thiết nhất chính là con vui, là tôn trọng những ý nghĩ và sở thích của con, chứ không phải phủ nhận những mong muốn đó.

Nhưng tôi chắc chắn không hiếm người mẹ cũng đã từng bi kịch như tôi, luôn cảm thấy bất an khi con không có những ước mơ lớn hơn, luôn sợ con không đuổi kịp bạn, luôn sợ con không có thành tích tốt, luôn thấy hụt hẫng khi biết con người khác có khả năng vượt trội.

Dường như chúng ta đang sai, sai khi nghĩ rằng thành công của một người là khi có công việc tốt với mức lương cao, thành công đó được đo bằng những gì đang có. Nhưng rất ít ai để ý đến chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc của đứa trẻ.

Một người bạn của tôi thời đại học hiện là trưởng phòng của một tập đoàn lớn nhưng mỗi khi gặp nhau, bạn đều than là quá mệt mỏi, quá áp lực, chọn sai nghề. Khi ấy, tôi lại cho rằng bạn là niềm mơ ước của nhiều người vì mức lương hàng nghìn đô không dễ dàng gì với người trẻ. Nhưng bạn bảo: "Giờ tôi chỉ muốn tháo cày, muốn được nghỉ việc để học ngành khác hoặc ở nhà chăm con, để chồng nuôi".

Bạn bảo, ngày bé, bố mẹ là những người đã vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp khi học ngành kinh tế. Để rồi, bạn nuôi ước mơ trở thành một doanh nhân hay một bà chủ trong tương lai.

Không phải cứ thành đạt ở lĩnh vực nào đó nghĩa là ta hợp với nghề đó, công việc đó. Quan trọng là mỗi ngày trôi qua có ý nghĩa không, có tạo ra năng lượng tốt hay không?

Giá trị của chúng ta lại phụ thuộc phần lớn vào những gì chúng ta đạt được, đó có thể là bằng đẹp, là vị trí, là nơi ta làm việc, là mức lương lý tưởng. Và những giá trị đó đánh lừa nhiều người.

Kỳ vọng của cha mẹ đang dần làm hao mòn đi niềm hạnh phúc của một người ngay từ thuở bé. Khi cha mẹ có những nấc thang kỳ vọng thấp hơn, ít hơn, hẳn đứa trẻ sẽ được xóa đi khoảng cách từ những gì muốn và có.

Hàng năm, ta nghe đâu đó những đứa trẻ để lại thư tuyệt mệnh vì áp lực điểm số, áp lực thành tích. Dù nghe đâu đó những cảnh báo trẻ tự tử vì áp lực học tập nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn thờ ơ, và luôn nghĩ phải "nặn" ra những thành tích đẹp, chỉ có học thì mới thành công.

Tôi - một người mẹ đã từng nuôi những ước mong con sẽ lựa chọn một ngành nghề nào đó thật "hot". Nhưng rồi một ngày tôi nhận ra, hãy để con được học, được làm bất cứ ngành nghề gì con giỏi, con có thế mạnh. 

Đừng dại dột ép một đứa trẻ ham mê hội họa trở thành một bác sĩ. Bởi một bác sĩ bên cạnh năng lực chuyên môn còn cần cái tâm. Đừng ép một đứa trẻ muốn trở thành giáo viên phải trở thành một doanh nhân thành đạt.

Hãy để trẻ mặc tấm áo vừa vặn của chính mình.

Làm gì khi con muốn lớn lên thành… Phật? Làm gì khi con muốn lớn lên thành… Phật?

TTO - Trước ước mơ 'khó đỡ' của con như trở thành... Phật hoặc lính cứu hỏa, hầu hết cha mẹ phản đối vì viển vông, nguy hiểm...

YẾN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: cha mẹ con cái dạy con