Phóng to |
Trong căn phòng xử cuối dãy hành lang của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM ngày 21-2-2011, N.H.T. (16 tuổi) cúi gằm đầu, nhích người dần sát mép chiếc ghế bị cáo dài thượt. Dường như cậu không muốn thân hình còm cõi, nhỏ thó của mình lọt vào tầm nhìn của hội đồng xét xử khi họ thẩm vấn các bị cáo của vụ án khác đang cùng chung hàng ghế với mình. Cứ thế, cậu ngồi bất động, ủ rủ như một tàu lá héo suốt thời gian chờ đến lượt đứng trước vành móng ngựa. Ở góc khuất, cha mẹ T. mắt không rời con.
Bi kịch của hai đứa trẻ
T. không ngừng run rẩy khi được tòa gọi đến tên. Hai tay đan chặt vào nhau, giọng cậu như không thoát ra khỏi cuống họng khi xác nhận với tòa về nhân thân của mình. Đôi mắt thâm quầng trên gương mặt nhọn, gò má nhô cao trên làn da xanh xám khiến T. già dặn hơn nhiều so với tuổi 16 của mình. Suốt thời gian chủ tọa công bố nội dung vụ án, cậu vẫn cúi gằm đầu, hơi thở nặng nhọc.
Theo bản án sơ thẩm, T. và T.T.D.M. (16 tuổi, ngụ phường 12, TP Vũng Tàu) là anh em cô cậu (mẹ T. là chị ruột của cha M.). Năm 2008, T. đến Vũng Tàu làm thuê và sống tại nhà cậu. Thời gian gần gũi, T. và M. nảy sinh tình cảm yêu thương. Khuya 26-3-2010, nghe tiếng hét của M., cha mẹ cô thức giấc phát hiện T. đang lôi con gái lên võng cạnh đó liền la rầy. T. bỏ đến nhà người quen ngủ. Ngay sau đó cha mẹ M. đã gọi điện cho cha mẹ T. đến nhà trọ của mình để giải quyết chuyện oái oăm của hai đứa trẻ. Tối hôm đó được gọi về, T. lấy một con dao giấu vào người.
Trước những lời khuyên can, ngăn cấm của cha mẹ, cả M. và T. đều không nói gì. Tưởng mọi chuyện chỉ đến đó, người lớn quay sang nói chuyện khác, M. cũng chui vào mùng ngủ với các em. Không ngờ, T. bước lại chỗ M. nằm đâm nhiều nhát vào ngực cô rồi quay dao đâm liên tiếp vào bụng mình. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng M. đã chết do vết thương quá nặng, còn T. bị trọng thương.
Ngày 28-9-2010, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử sơ thẩm đã tuyên phạt T. mức án 7 năm tù về tội “giết người”, buộc cha mẹ bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân 37 triệu đồng.
Sau phiên xử, phía bị hại, bị cáo đều không kháng cáo, riêng luật sư bào chữa cho T. bất ngờ có đơn xin giảm án cho thân chủ. Lý giải điều này, ông cho biết ngoài một số lấn cấn vì cấp sơ thẩm chưa xem xét hết tình tiết giảm nhẹ cho T., ông còn rất băn khoăn vì hệ lụy của vụ án.
Sự dại dột và nỗi đau còn lại
Ngồi bên dưới phòng xử án, cha của T. ôm đầu đầy đau khổ, còn người mẹ mắt cũng đỏ hoe.
Giọng yếu rớt, T. khó nhọc công nhận tội trạng như bản án sơ thẩm đã xác định.
- Gia đình đã phát hiện sự việc và đã ngăn cấm, sao bị cáo còn đâm M? - Chủ tọa hỏi.
- Do hai đứa con thương yêu nhau, đã hứa sống cùng sống, chết cùng chết - T. lí nhí trả lời.
- Người lớn hiểu rõ chuyện tình cảm này là không thể nên đã ngăn cấm. Bị cáo vừa vi phạm pháp luật vì yêu thương người cùng huyết thống, lại vừa chưa đủ tuổi thành niên. Việc cha mẹ ngăn cản là đúng, sao bị cáo còn hành động như thế?
- Lúc đó con không nghĩ được vậy...
- Vậy bây giờ bị cáo có muốn chết không?
- Dạ... không.
- Sao bảo sống cùng sống, chết cùng chết? Giờ M. chết rồi, bị cáo lại bảo không muốn chết là sao? - vị chủ tọa gay gắt truy vấn như để chỉ ra cho bị cáo thấy câu thề thốt “sống cùng sống, chết cùng chết” chỉ là một kiểu nói ngông cuồng dại dột mà thôi.
Tòa nghị án khá nhanh, nhận định mức hình phạt 7 năm tù dành cho T. là không nặng nên đã bác kháng cáo của luật sư, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Rời phòng xử, T. buồn bã theo cha mẹ đến chiếc ghế đá dưới sân tòa. Chăm chăm nhìn vào khoảng không vô định, cậu dường như không để ý những gì đang xảy ra xung quanh, kể cả sự xuất hiện của một người lạ như tôi. Ba lần đặt câu hỏi nhưng không nhận được bất kỳ phản ứng nào, định dợm bước đứng dậy thì tôi bắt gặp ánh mắt sũng nước của T. nhìn mình cùng giọng nói nghẹn ứ: “Em hối hận nhiều lắm, chỉ mong M. và gia đình tha thứ tội cho em...”.
Ái ngại nhìn con trai, mẹ T. cho biết cậu là đứa kế út trong sáu người con của mình. Nhà ở tận Cà Mau, bao năm nay mọi người trong gia đình bà đều phải tứ tán đi xứ khác kiếm sống. Thấy em trai thương cháu, bà rất mừng nên cho T. đến Vũng Tàu ở để đi bắt vọp thuê cùng cậu. Hôm nhận được điện thoại của em dâu bảo phải lên gấp có chuyện muốn nói, bà linh tính được điều không hay, cố gặng hỏi mà không được nên hối chồng từ Bình Dương chạy lên. Khi biết chuyện, vợ chồng bà muốn chết giấc nhưng không nghĩ chuyện lại đến mức này.
Chồng bà làm công nhân, còn bà đi làm thuê chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Hôm đưa con vô bệnh viện, bà phải xin người ta đồ ăn, ngủ ngoài ghế đá. Bộ đồ bà dính đầy máu của T. khi đưa con đi cấp cứu bà cũng phải mặc suốt 4 ngày lay lắt chăm con ở bệnh viện chứ không có tiền mua bộ khác. “Giờ ra nông nỗi này tui phải đi vay lời đến 20%/tháng để bồi thường một phần cho gia đình M. và chữa trị cho con. Giờ nợ chồng nợ chất. Nhưng buồn nhất là vợ chồng em tui vẫn chưa tha thứ. Họ đau vì mất con, còn tui phải đau đủ đường. Phần mất cháu, phần cũng thấy mình có tội với gia đình em trai. Quê có cũng không dám về vì sợ thiên hạ cười chê. Nhiều khi quẫn quá tôi còn nghĩ phải chi nó (T.) chết luôn thì tui đâu có khổ sở như vầy...” - người mẹ nghẹn ngào, khuôn mặt dúm dó vì đau đớn.
Ngồi cạnh bên, cha T. tiếp lời: “Mất đứa cháu tụi tui cũng buồn lắm nên biết vợ chồng cậu ấy đau khổ thế nào. Giờ họ giận mà chửi thì tui nghe. Chỉ mong đến ngày họ nguôi ngoai để có thể tha thứ cho T., cho vợ chồng tui...”.
Hoàn cảnh của gia đình M. cũng rất khó khăn. M. là con lớn nên phải nghỉ học sớm, cùng mẹ đi làm thuê cho các xưởng cá để kiếm tiền phụ giúp gia đình nuôi ba em nhỏ. Từ ngày M. mất, người mẹ vì quá đau lòng mà trở bệnh, còn cha cô cũng lặng lẽ hơn. Không khí gia đình vì thế luôn ảm đạm. Một người thân của M. cho biết họ có giận thật, nhưng dù sao cô bé đã mất và T. cũng là con cháu trong nhà. “Có nghĩ đến tình nghĩa thì chúng tôi mới không kháng cáo. Chứ mức án 7 năm tù cho một mạng người là thỏa đáng sao?”.
Mong thời gian có thể phủ nhòa lên quá khứ, cuốn trôi hết nỗi hận lòng để những người trong cuộc có thể vượt qua nỗi đau, tha thứ để mà sống.
Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Hành vi không mang tính côn đồ Luật sư Hoàng cho biết ông được cơ quan điều tra đề nghị bào chữa chỉ định cho T. ngay từ giai đoạn điều tra. Không như nhiều luật sư bào chữa miễn phí khác, ông Hoàng đã quyết tâm bảo vệ thân chủ đến cùng. Giọng trầm ngâm, ông bảo từ lần đầu tiếp xúc thấy T. trình bày trong hơi thở yếu ớt, ông rất thương cảm. Nhất là khi ấy bị cáo như người đã chết với những thương tích trầm trọng (thấu bụng, thủng dạ dày, đại tràng, gan trái...). Đến tận hôm xuất viện T. còn phải mang hậu môn nhân tạo. Ông càng thấy xót xa hơn khi biết T. đã rất ngây thơ, thiếu hiểu biết cả về pháp luật lẫn quan hệ xã hội khi khẳng định yêu thương M. nhiều lắm, chỉ muốn sống chết có nhau. Sau khi bỏ đi khỏi nhà cậu mợ, T. buồn quá nên đã uống rượu rồi nhiều lần gọi điện cho M. nhưng đều không được gặp. Lúc đó T. không có ai để chia sẻ, không có ai để chỉ bảo phải làm gì. “Bị cáo chuẩn bị dao là để tự sát chung với người mình yêu chứ không nhằm mục đích giết chết nạn nhân. Hành vi của bị cáo không phải mang tính chất côn đồ như án sơ thẩm xác định. Tôi thấy mức án 7 năm tù là quá nghiêm khắc với bị cáo. Huống chi ngoài bản án mà tòa tuyên, bị cáo còn phải mang một bản án lương tâm suốt đời day dứt” - luật sư Hoàng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận