Lê Quang Liêm tại Giải siêu hạng tưởng niệm Capablanca (Cuba, năm 2011) - Ảnh: Lâm Minh Châu |
Tôi tập tành những nước cờ đầu tiên từ năm lên 7 tuổi, thấm thoắt đã 16 năm trôi qua. Những thành quả tôi đạt được phần lớn đến từ sự thừa hưởng hai đức tính tiêu biểu trên của dân tộc.
Biến điều “không tưởng” thành hiện thực
Diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam tổ chức - thuộc chương trình Samsung tự hào cùng Việt Nam - nhằm để bạn đọc chia sẻ những trải nghiệm, những câu chuyện tôn vinh phẩm chất, đức tính và các giá trị văn hóa của người Việt. Bài viết được chọn đăng trên nhật báo sẽ có nhuận bút. Thư từ, bài viết tham gia diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: tuhaovietnam@tuoitre.com.vn. |
Còn nhớ lần tham dự giải vô địch cờ nhanh và cờ chớp thế giới tại Nga năm 2013, tôi được cho là làm được điều “không tưởng” khi lên ngôi vương (vô địch) giải cờ chớp.
Nói là điều “không tưởng” bởi tham dự giải này là rất nhiều kỳ thủ nổi tiếng hàng đầu thế giới. Cá nhân tôi trước đó không có thành tích nổi bật và chỉ được xếp hạt giống thứ 5 với Elo cờ chớp 2771 (sau khi đoạt chức vô địch giải trên, Elo của tôi nhảy lên mức 2839 và xếp hạng nhì thế giới bộ môn này thời điểm đó). Và “không tưởng” còn ở chỗ cờ vua VN lúc đó mới bước vào tuổi 30, còn quá non trẻ so với các cường quốc cờ vua “lão làng” như Nga, Đức, Mỹ...
Tại buổi vinh danh và họp báo, rất nhiều phóng viên quốc tế đã vây quanh phỏng vấn tôi: “Anh có nghĩ mình là anh hùng khi mang chức vô địch về cho đất nước?”, “Bí quyết đưa anh đến đỉnh cao hôm nay?”...
Tôi nhớ mình đã rất tự hào, xúc động khi trả lời: “Tôi chẳng có bí quyết đặc biệt nào cả. Tất cả là do thái độ làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và sáng tạo. Tôi không nghĩ mình là anh hùng mà tôi chỉ như bao người khác, nhận thức mình là người Việt nên phải nỗ lực hết sức để làm rạng danh dân tộc mình”.
Vì sao chăm chỉ và sáng tạo dẫn lối đến thành công? Bởi tri thức con người là dòng chảy vô tận, không tích cóp liên tục thì khó thể theo kịp thời đại. Nhưng nếu chỉ cần mẫn đi theo lối mòn, thiếu tính sáng tạo cũng rất khó tiến xa, chưa kể dễ thấy nhàm chán với chính mình. Sáng tạo phải dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc mới dẫn đến sự thăng hoa.
Tôi đã có cơ hội kiểm chứng điều này qua sự nghiệp thi đấu cờ vua của mình. Nếu không liên tục tìm tòi những ý tưởng mới, tôi sẽ rất khó lòng tạo được những thế cờ mới, những cú lội ngược dòng gây bất ngờ cho đối thủ... Điều này ắt hẳn không chỉ đúng trong lĩnh vực cờ vua mà tôi tin chắc cũng đúng trong tất cả lĩnh vực khác.
Bàn đạp vượt qua thất bại
Mọi người thường thấy tôi đứng trên bục cao nhưng ít ai biết tôi cũng từng nhiều lần nếm trải mùi thất bại.
Tháng 3-2010, tôi đặt mục tiêu trong năm đó phải đạt Elo trên 2700 để gia nhập nhóm siêu đại kiện tướng quốc tế (Elo của tôi lúc đó là 2689). Thế nhưng tại giải Asiad 16 ở Quảng Châu (Trung Quốc), tôi đã làm mất đến 25 Elo vì thi đấu không thành công. Với tôi đây là một thất bại lớn. Tôi buồn đến mức chẳng còn muốn đụng đến cờ suốt hai tuần.
Nhưng tôi chợt nhớ về tính chăm chỉ và sáng tạo của người Việt, cụ thể là tôi nghĩ đến giáo sư Ngô Bảo Châu. Công việc nghiên cứu toán học của giáo sư chắc chắn đầy khó khăn và thách thức, thậm chí có lúc ngỡ như không có lối ra... Nếu không có sự kiên trì và đam mê toán học, chắc ông không thể dành nhiều năm trời chỉ nghiên cứu toán, để cuối cùng chứng minh được bổ đề cơ bản, một đóng góp lớn cho nền toán học thế giới.
Khi sự buồn chán qua đi, tôi bình tâm nhìn lại và quyết định tiếp tục tập luyện, coi đó là cơ hội sửa chữa những thiếu sót, sai lầm. Đến tháng 7-2011, tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra với mức Elo 2715.
Con người không ai không có khiếm khuyết, sai lầm... sự cần mẫn, sáng tạo sẽ giúp chúng ta lấp đầy những điều đó. Tôi từng biết và chứng kiến nhiều tài năng trẻ với những thành tích ban đầu rất ấn tượng, tiếc là họ không thể phát triển sự nghiệp thời gian sau đó bởi thiếu sự nỗ lực vươn lên, tính sáng tạo. Thành công thật sự hiếm khi đến với những nỗ lực ngắn hạn, mà đó là cả một quá trình dài kiên trì phấn đấu với mục tiêu của mình.
Nếu như người Nhật thường được nhắc đến khi bàn về thái độ làm việc nghiêm túc, tính tiết kiệm và sự trung thành, nói về người Mỹ chúng ta liên tưởng ngay đến tính tự lập, đề cao quyền tự do cá nhân... thì tôi nghĩ người Việt chúng ta cũng có thể tự hào về đức tính chăm chỉ, sáng tạo của mình.
Tính tốt của người Việt đang giảm đi (Tuổi Trẻ 4-9) hay những giá trị tốt đẹp của người Việt chưa được nhìn nhận đúng đắn và thiếu cơ hội gìn giữ, phát huy, quảng bá rộng rãi?
Kể từ số báo này, Tuổi Trẻ khởi động diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” (do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam phối hợp tổ chức) để đón nhận những chia sẻ của bạn đọc về câu chuyện trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận