Phóng to
Mua nhà không vui bằng làm phim
* Nếu tìm một cú hích đáng kể nhất, một lý do lớn nhất để anh trở thành đạo diễn thì đó là lý do gì?
- Thật đơn giản, tôi muốn kể những câu chuyện từ những người mà tôi đã gặp để giải trí cho khán giả. Tôi chẳng bao giờ mệt mỏi với việc lắng nghe. Tôi thích chỗ đông người xa lạ như sân bay hay chợ.
Tôi sẽ nhìn những người lạ và tưởng tượng xem tính tình họ ra sao, họ có vấn đề gì? Bởi thế những câu chuyện mà tôi kể thường từ những gì tôi nghe được cộng với những gì tôi tưởng tượng ra và thường thì câu chuyện ấy sẽ hơi bất thường, hơi kỳ lạ với một chút tình cảm, một chút hài, một chút sex, cái gì cũng một chút hết, như đời sống vậy.
* Anh chịu ảnh hưởng của ai nhất trong điện ảnh?
- Almadovar, Wong Kai Wai, Ang Lee, Kieslowski, Fellini, Bergman, Scorcece, Kubrick, Kurosawa... là những đạo diễn có ảnh hưởng nhiều đến tôi. Tôi coi nhiều phim hay nhưng cũng coi rất nhiều phim dở. Điều này rất quan trọng vì ở phim dở tôi cũng học được dù khi coi thì chán lắm, muốn ngủ, muốn xé màn ảnh luôn! Nhưng phải coi. Có điều khi coi phim dở xong mà tôi không lấy lại được tiền vé thì tức lắm!
Tôi ước gì có luật là xem phim xong mà khán giả chê thì chủ rạp sẽ trả lại tiền vé! Nếu tôi làm chủ rạp sẽ có luật đó, nhưng nếu thế chắc sẽ sập tiệm luôn vì đa số phim là dở mà!
* Làm một đạo diễn ở nơi là "vương quốc của đạo diễn" như Hollywood có phải là một may mắn?
- Hollywood có nhiều studio, những người muốn làm phim cũng đến đây, y như người nhà quê muốn lên thành phố! Cần người làm phim, kiếm ở Hollywood rất dễ, nhưng cạnh tranh vì thế cũng rất lớn. Người ta đùa rằng nếu ném một cục đá ra ngoài cửa sổ thì thế nào cũng trúng một người muốn làm đạo diễn, rất nhiều người có tài nhưng sự may mắn thì ít.
* Ðiều khó khăn nhất với một phim nói tiếng Việt ở Mỹ là gì?
- Đó là việc kiếm nhà đầu tư. Vì nhà đầu tư không tin phim nói tiếng Việt sẽ có lời. Khán giả Việt ở Mỹ bận rộn với việc làm ăn, nếu đi coi phim họ cũng muốn coi phim Mỹ trước. Khán giả Mỹ thì không thích coi phim mà phải đọc phụ đề.
* Anh có nói: Tôi muốn làm phim cho cả thế giới xem? Anh tin ở điều gì trong ngôn ngữ điện ảnh mà anh sáng tạo có thể đến với thế giới?
- Câu đó chỉ có ý: tôi muốn phim tôi ai cũng coi được! Phim có ngôn ngữ của nó mà nếu tìm được ngôn ngữ ấy thì ở đâu cũng hiểu được. Giống như đi du lịch, phim có thể mang khán giả tới một nơi mới, một câu chuyện lạ nhưng vẫn có những điều quen thuộc...
* Anh đã làm cách nào để "dụ" những người khác hùn tiền với mình sản xuất phim?
- Để có tiền, tôi đã phải đi năn nỉ rất nhiều và chịu ơn nhiều người hết đời có khi không trả được. Hầu hết họ là bạn hoặc người thân nên tôi nghĩ họ tội nghiệp cho tôi hay là họ đưa tiền để tôi im đi, đừng năn nỉ họ nữa! 200.000 đôla ấy, một nửa từ các nhà đầu tư nhỏ, số còn lại là tiền tôi để dành từ việc dựng phim ở đài truyền hình Mỹ.
Ở Hollywood, người ta bảo nhau đừng dùng tiền của mình mà làm phim, nhưng nếu thế thì ai sẽ cho mình làm? 100.000 để dành tôi nghĩ sẽ mua nhà, nhưng lại nghĩ nếu ở trong cái nhà đó mình cũng chưa vui, thà mình làm phim sẽ vui hơn!
Phóng to |
Mẹ đi xưng tội giùm tôi sau khi xem phim!
* Vậy điều gì chi phối anh nhất khi làm phim?
- Là cảm xúc. Làm phim là làm cho mình trước, mình không cảm động thì sao khán giả cảm động được? Nhưng cũng đừng quên nhà đầu tư, họ ở sau mình cầm cây gậy, mình làm cái gì sai họ sẽ quật cho một cái! Nói giỡn vậy thôi, vì Touch là phim độc lập nên đạo diễn cũng tự do hơn. Nhưng chi phối từ người cộng tác thì có, mình không thể làm phim một mình được.
Nhiều đạo diễn thích không khí căng thẳng khi quay phim, tôi thì không. Tôi thích đi đường dài bằng sự yên tĩnh.
* Có người nói nhân vật nữ chính trong Touch khá giống và gần như lấy nguyên mẫu từ vợ của anh?
- Tâm giống tôi chứ không phải giống vợ tôi. Tôi lúc nào cũng im lặng, lúc nào cũng khép kín và lúc nào cũng cảm thấy cô đơn dù có nhiều người bên cạnh. Nhiều người gặp tôi cũng nói tôi im lặng như một người con gái vậy, thì có sao, tôi vậy đó... Tôi thà nghe hơn nói và nếu ai cần sự giúp đỡ tôi cũng sẵn sàng như Tâm đã giúp Brendan, nhưng tôi không tắm cho họ đâu! (cười).
Cảnh Tâm tắm cho ba là một ký ức rất đặc biệt của tôi. Khi tôi 6 tuổi, ông ngoại tôi rất yếu nên bà ngoại giao cho tôi việc tắm cho ông mỗi tuần. Tôi không bao giờ quên cảm giác khi chạm vào làn da nhợt nhạt của ông, như một tờ giấy ướt có thể rách dễ dàng. Và hơi thở của ông rất nặng nề. Tôi rất sợ mỗi khi kỳ cọ cho ông vì tôi sợ ông có thể chết ngay lúc đó!
* Phải thừa nhận Touch có mật độ cảnh sex dày hơn nhiều phim Việt khác... Ðúng không?
- Vậy à? Tôi không rõ chuyện đó! Touch chỉ có 25% cảnh sex thôi mà! Và nó cần thiết chứ không phải là câu khách. Thật ra thì đa số khán giả lớn tuổi đều nói sex nhiều quá, làm một cái đủ rồi! Mẹ tôi cũng nhận xét như vậy, bà là người Công giáo nên khi xem xong đã phải đi xưng tội ngay giùm tôi! Nhưng biết sao? Chẳng lẽ tôi lại nhút nhát cắt bớt đi? Nếu ai thấy sex "nóng" quá thì có thể che mắt lại khi xem vậy.
Hình như người Việt khi coi phim Việt thường có kỳ vọng là phim phải khác phim Mỹ, phim Việt phải "lịch sự" hơn. Tôi không đồng ý, tại sao phim Việt không được có những cảnh sex tự nhiên như ở phim nước ngoài?
* Cũng không ít khán giả cho rằng Touch làm hình ảnh phụ nữ Việt xấu đi trong mắt người Mỹ? Phụ nữ trong hình dung của anh ra sao?
- Không thể nào Touch lại làm phụ nữ Việt xấu đi! Tất nhiên tôi không có ý định làm phim về một nhân vật hoàn hảo, như thế thà ngắm hình người mẫu còn hơn. Phụ nữ trong Touch mạnh mẽ lắm và độc lập hơn đàn ông nhiều, họ chủ động trong mọi việc, kể cả sex.
Phụ nữ Việt với tôi không khác phụ nữ Mỹ vì họ cũng phải tự kiếm tiền, thậm chí còn kiếm nhiều tiền hơn chồng. Họ lo tất cả mọi việc đến mức tôi nghĩ mai mốt không chừng sẽ đổi vai: đàn ông ở nhà nuôi con, phụ nữ đi làm kiếm tiền!
Văn chương sẽ kéo tôi trở lại...
Touch là một câu chuyện nói về tình yêu, sự mất mát và sự liên hệ giữa con người với con người thông qua “chạm”. Phim đã giành giải ở các liên hoan phim: Boston, Alanta Asian, Santa Rosa, Seattle... Touch là bộ phim dài đầu tiên của đạo diễn Nguyễn Đức Minh. Nguyễn Đức Minh học điện ảnh ở Trường đại học Nam California, niềm đam mê và tài năng viết lách đã khiến anh có nhiều truyện ngắn thành công, đồng thời giành được học bổng Jeffrey Jones dành cho kịch bản phim xuất sắc. Trước Touch, anh từng nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo chí và các liên hoan phim với Sunshine - một phim ngắn của anh. Touch vừa ra mắt khán giả Việt ngày 30-3. |
- Khán giả ở Việt Nam trẻ hơn! Khán giả ở Mỹ cũng trẻ nhưng khán giả trung tuổi và lớn tuổi cũng nhiều lắm. Ở Việt Nam người lớn tuổi hình như ít đi coi phim.
* Anh từng viết văn, sự khác biệt đáng kể nào anh nhận ra giữa những câu văn viết bằng chữ và những câu văn được viết bằng hình ảnh?
- Khi viết, cảm xúc và ý nghĩ của nhân vật được tả dễ dàng, nhưng vẫn nội tâm đó thì phim khó soi sáng hơn. Khi đó ngôn ngữ điện ảnh với thoại ngắn gọn, những cái nhìn im lặng, góc quay ấn tượng, âm nhạc phù hợp... sẽ diễn tả thay chữ viết. Nếu văn chương cứ từ từ mà miêu tả thì điện ảnh phải làm nhanh hơn, không thì khán giả sẽ chán. Đọc sách, họ có thể đọc dở dang rồi bỏ xuống sau đó mới đọc tiếp, phim thì không như thế nên mình phải nuôi được sự hứng thú của họ trong khoảng hai giờ, đây là một điều khó.
* Thế giới của văn chương và thế giới của điện ảnh, thế giới nào quyến rũ, cám dỗ anh hơn?
- Ban đầu tôi viết văn để giải trí vì khi đó đang học đại học, học sinh hóa, ngành mà tôi rất chán, viết văn với tôi để giải thoát cái chán đó. Lúc đó văn chương quyến rũ còn giờ thì điện ảnh mới là cám dỗ. Nhưng lâu lâu tôi vẫn nhớ sự tĩnh tại khi viết văn một mình và nghĩ sau này chắc văn chương sẽ kéo tôi trở lại.
* Touch đã làm thỏa mãn giấc mơ được là đạo diễn, giấc mơ điện ảnh của anh?
- Thỏa mãn! Tôi rất muốn làm nhiều phim nữa nhưng nếu không thể thì với tôi Touch cũng đủ rồi. Tôi từng nghĩ mình thậm chí không thể có phim đầu tay, mà rồi đã làm được. Nhưng làm phim khó lắm, chưa chắc mình đã có cơ hội thứ hai... Tôi đã xong một kịch bản cho tương lai nhưng không dám nói trước, sợ xui lắm.
CÁT KHUÊ thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận