24/01/2012 11:29 GMT+7

Tôi ra biển thấy trọn vẹn đất nước

TS DƯ VĂN TOÁN
TS DƯ VĂN TOÁN

TT - Bốn lần ra Trường Sa trong những chuyến nghiên cứu, khảo sát biển dài ngày, TS Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam) kể lại câu chuyện của những nhà nghiên cứu biển.

sJd5Ikd5.jpgPhóng to
Các nhà khoa học đưa thiết bị đo đạc xuống biển

Năm 1986, tôi sang Liên Xô học một ngành được phân công: ngành hải dương học tại Trường Khí tượng thủy văn Petersburg. Cái tên ngành học mới mẻ lúc ấy đầy vẻ lãng mạn, tới mức có vài bạn muốn tôi đổi ngành học cho họ.

Tìm đến Trường Sa

Những năm sau đó, trở về làm việc tại Phân viện Hải dương học Hà Nội (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), tôi cũng như nhiều anh em khác chờ đợi những chuyến đi biển để gắn kết các kết quả nghiên cứu khoa học với điều tra cơ bản và kết quả ứng dụng. Nghiên cứu biển những năm đó khá rải rác.

Năm 2002, chuyến đi mong ước đầu tiên ra Trường Sa rốt cuộc cũng tới. Tôi là thành viên một nhóm gồm 10 nhà nghiên cứu của Phân viện Hải dương học Hà Nội, bốn nhà khoa học của Viện Địa lý, hai người của Viện Sinh học và một người từ Viện Vật liệu ứng dụng Nha Trang, TS Hoa Mạnh Hùng làm trưởng đoàn. Nhiệm vụ của chuyến đi Trường Sa là để có thêm các mẫu vật địa chất đảo, biển, các băng số liệu khảo sát địa chất và địa vật lý biển, sinh học - sinh thái biển đảo nhằm tiếp tục xây dựng tập atlas (bản đồ) tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Đó cũng là lần đầu tôi được đi biển trên tàu Việt Nam, mọi thứ đều rất khác so với chuyến khảo sát biển Baltic thời sinh viên trên tàu “Giáo sư Dorofev”.

Đó là một hành trình 40 ngày được chuẩn bị công phu. Chúng tôi lên con tàu mang tên “Biển Đông” của Công ty khai thác hải sản Biển Đông (Tổng công ty hải sản Biển Đông, Bộ Thủy sản), rời cảng cá Cát Lở (Bà Rịa - Vũng Tàu) sau năm ngày lắp đặt máy đo địa chấn, địa vật lý, các máy khác và chạy thử nghiệm ở vùng biển này. Đó cũng là cuộc tập dượt cho nhóm quen… sóng biển và không khí trên tàu, cách thức làm việc, phối hợp với thủy thủ đoàn. Hành trình từ Cát Lở ra đảo Trường Sa Lớn mất tới 46 giờ, cả nhóm trụ trên boong, ăn ngủ luôn trong nước biển vào những ngày sóng lớn, người khỏe đỡ người say sóng. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận sự gắn kết mãnh liệt như những ngày trên tàu hồi ấy.

Sáng ngày thứ ba, cả đoàn mừng rỡ thấy đảo Trường Sa Lớn hiện mỗi lúc một rõ trước mắt. Nghỉ lại trên đảo vài ngày, chơi vài trận bóng chuyền và đá bóng giao lưu cùng quân dân trên đảo, chúng tôi đi tiếp sang vùng Tư Chính - Vũng Mây nằm ở phía tây nam của đảo Trường Sa để tiến hành công việc đo đạc. Vùng này chỉ có các nhà giàn DK với diện tích sinh hoạt nhỏ, cheo leo như tổ chim giữa những đợt sóng lớn. Ở đó, chúng tôi bắt đầu 15 ngày ròng rã, chia từng ca để đo các tuyến địa vật lý, đo động lực, môi trường biển, lấy mẫu địa chất. Tất cả những số liệu đo đạc về sau được dùng để bổ sung và xây dựng các bản đồ tài nguyên môi trường cả vùng biển Trường Sa.

Thời tiết biển ở đó cực kỳ khắc nghiệt. Vì vậy, chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, cố gắng hoàn tất trọn vẹn việc khảo sát, đo đạc cả ngàn kilômet tuyến đo địa chấn, đo động lực - môi trường biển, lấy mẫu địa chất… Những số liệu quý giá do chính tay chúng tôi lấy được ở vùng biển của Tổ quốc khiến chuyến đi đầu tiên trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho lòng yêu nghề. Đó cũng là nơi mà người ta cảm nhận tình yêu Tổ quốc một cách tự nhiên và vô cùng chân thành.

57cowQcE.jpgPhóng to
TS Dư Văn Toán (trái) trong một chuyến đi khảo sát biển ở quần đảo Trường Sa

Những lần trở lại

Tháng 5-2003. Sau chuyến đi đầu tiên, toàn bộ số liệu đã được chúng tôi phân tích, xử lý sơ bộ. Chủ nhiệm dự án “Điều tra tổng hợp điều kiện tài nguyên môi trường vùng tây nam Trường Sa” là TS Nguyễn Văn Lương đã quyết định đi đo bổ sung một số tuyến, tới thêm nhiều điểm lấy mẫu để có thêm thông tin, dữ liệu cho một bức tranh tổng thể về tài nguyên môi trường toàn vùng biển này. Lần thứ hai, chúng tôi lại lên tàu “Biển Đông”... Chuyến đi tiếp tục mang lại nhiều mẫu vật địa chất quý. Các nhà khoa học từ Viện Công nghệ sinh học và Viện Vật liệu ứng dụng Nha Trang cùng đi cũng đã triển khai việc trồng rong biển ở đảo.

Tôi trở lại Trường Sa lần thứ ba vào năm 2005 trong một chuyến khảo sát dài hơn một tháng cho dự án “Điều tra tài nguyên môi trường một số vùng biển thuộc Trường Sa” do TS Nguyễn Thế Tiệp chủ trì. Lần này, đoàn xuất phát từ cảng Hải Phòng trên tàu hải quân. Mất một tuần (do gặp áp thấp nhiệt đới), chúng tôi ra đến vùng biển Song Tử Tây. Hoạt động thăm dò, khảo sát diễn ra đầy thận trọng, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn tất việc đo đạc bãi Đinh Ba nằm ở đông bắc Trường Sa. Những dữ liệu thu được giúp hoàn thiện thêm hiểu biết về cấu trúc địa chất của phía bắc Trường Sa.

Đó cũng là một chuyến đi gay cấn vì thời tiết với nhiều thiệt hại máy móc. Dây cáp máy đo môi trường biển mà chúng tôi thuê của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội bị xước do va đập vào thành tàu, cả đoàn phải đợi mấy ngày để sấy khô, tìm chỗ hư hại để sửa và đo đạc lại. Một chiếc cuốc đại dương lấy mẫu cũng bị mắc kẹt trong rạn san hô gần Nam Yết ở độ sâu chừng 100m. Cả đoàn cố gắng mãi mà không kéo lên được, tiếc ngẩn ngơ vì mới dùng được mấy lần.

Chuyến đi được mở rộng đến các vùng biển gần các đảo Đá Nam, Nam Yết, Đá Tây, nơi chúng tôi lần lượt lấy thêm được những mẫu trầm tích khu vực đông bắc Trường Sa, băng địa chấn tại đây. Cảnh quan thiên nhiên mỗi đảo, mỗi vùng biển thật khác nhau và vô cùng đa dạng, đặc biệt là hệ thực vật phong phú, tươi tốt ở đảo Nam Yết với những rạn san hô tuyệt đẹp.

Chúng tôi còn đến Trường Sa một lần nữa, chuyến thứ tư vào năm 2006, kéo dài 26 ngày. Vẫn là hành trình khảo sát, đo đạc, thu thập mẫu vật quen thuộc. Trường Sa giờ đã trở thành một chốn đi về.

Hàng ngàn mẫu vật, hình ảnh, hàng ngàn tư liệu, ghi chép… tập hợp lại đã được sử dụng cho việc tiếp tục lập thêm các bản đồ tài nguyên môi trường vùng biển đảo.

Hành trình nghiên cứu, khảo sát nơi vùng biển đảo Trường Sa thân thương không chỉ mang đến những thông tin quý giá về mặt khoa học. Đó còn là nơi chúng tôi thấy được hình ảnh Tổ quốc vô cùng trọn vẹn.

TS DƯ VĂN TOÁN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên