29/09/2019 12:31 GMT+7

Tôi mặc đẹp cho ai?

CÔNG NHẬT (từ Heidelberg, Đức)
CÔNG NHẬT (từ Heidelberg, Đức)

TTO - 'Tôi mặc đẹp cho ai ấy à? Sao bạn lại hỏi câu ấy nhỉ, ai sống một mình vẫn cần phải thật đẹp, thật quyến rũ chứ. Một mình đâu phải là tận thế' - bà Luisa bật cười, trả lời đầy hóm hỉnh.

Tôi mặc đẹp cho ai? - Ảnh 1.

Ăn mặc đẹp, chỉn chu và… đi tận hưởng hương vị sống một mình là hình ảnh rất phổ biến ở trời Âu - Ảnh: C.NHẬT

Bà Luisa (71 tuổi) cắn miếng bánh mì, đọc sách trong ngày nắng tháng 9 hiếm hoi ở quán cà phê Schafheutle (Heidelberg, Đức). Ở bàn bên, một cụ ông trong bộ vest từ tốn nhấp ly cà phê, mỉm cười nhìn dòng người qua lại. Cả hai cùng ăn mặc đẹp và đều ngồi một mình.

Tôi có cả chục năm để được sống với những gì bản thân thích mà trước đây chưa làm được. Khái niệm "mái ấm" không nhất thiết phải luôn là bữa cơm đầy đủ người thân trong gia đình, mà đôi khi được đi ăn cùng bạn bè thân, một buổi tối ấm cúng cùng hội nào đó…

Bà Luisa

Hình ảnh trên trở nên quen thuộc ở nhiều quốc gia châu Âu, nơi người dân có tuổi thọ cao. Câu chuyện này càng phổ biến ở Đức, một trong những quốc gia có tốc độ "già hóa" dân số nhanh nhất thế giới (theo trang Bagso.de). Dẫu vậy, người già ở đây không chấp nhận chìm mình trong những mảng màu ảm đạm...

"Tôi mặc đẹp cho ai ấy à? Sao bạn lại hỏi câu ấy nhỉ, ai sống một mình vẫn cần phải thật đẹp, thật quyến rũ chứ. Một mình đâu phải là tận thế" - bà Luisa bật cười, trả lời đầy hóm hỉnh.

Sống một mình do đã ly dị chồng, Luisa cho biết niềm vui của bà là những hoạt động thể thao, đi nhà thờ hoặc làm từ thiện, thỉnh thoảng đi thăm con cháu. Và xuất hiện ở bất kỳ nơi nào, bà cũng không quên trang điểm, lựa những bộ đồ bắt mắt, trẻ trung nhất.

Luisa nói nhờ sự trau chuốt vẻ bề ngoài mà bà vui sống hơn. Cách sống này giúp bà thoát khỏi phiền muộn và bệnh tật, từ đó không ảnh hưởng đến con cháu hoặc người chồng cùng gia đình mới của ông.

Còn Henry, cụ ông đã 75 tuổi, lại cho rằng việc ăn mặc lịch sự không chỉ tôn trọng người đối diện mà còn với chính mình. Với Henry và Luisa, miễn không làm điều gì phạm pháp, người già không nên lo sợ những phán xét, áp lực từ quy chuẩn, định kiến xã hội. "Các hoạt động giải trí, hoàn thiện bản thân cho người già nhiều hay ít, phần nhiều do góc nhìn của chính mình mà ra" - ông Henry khẳng định.

Rất nhiều đại biểu trẻ ở Hội thảo khoa học HLF 2019 không giấu được vẻ thích thú mỗi khi giáo sư Ivan Sutherland (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) xuất hiện. Dẫu đã bước qua tuổi 81 nhưng ông Ivan luôn đội nón lưỡi trai, vận áo thun quần jean và giày thể thao đầy năng lượng...

Theo tài liệu của BMFSFJ (tạm dịch: Bộ Gia đình, người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên Liên bang Đức), nhiều người già quốc gia trên dùng khoảng thời gian về già làm những điều bản thân chưa có dịp trải nghiệm lúc trẻ hay khi còn làm việc.

BMFSFJ cho biết hiện độ tuổi trung bình nam giới ở đây là 78, ở giới nữ là 83 (số người trên 60 tuổi hiện chiếm 1/4 dân số). Và với bà Luisa, điều đó đồng nghĩa "tôi có cả chục năm để được sống với những gì bản thân thích mà trước đây chưa làm được. Khái niệm "mái ấm" không nhất thiết phải luôn là bữa cơm đầy đủ người thân trong gia đình, mà đôi khi được đi ăn cùng bạn bè thân, một buổi tối ấm cúng cùng hội nào đó...".

Trong khi đó, người viết gặp không ít câu chuyện ngược lại ở người lớn tuổi lẫn trung niên tại Việt Nam. "Tôi mặc đẹp cho ai, để làm gì khi tôi nào có người yêu?", "Có con cháu rồi mà bôi son, mặc đồ rực rỡ thì dị quá!", "Già rồi mà đi tập mấy môn trẻ trung quá thì ngại"... là những lời chia sẻ khá phổ biến.

Họ quanh quẩn, e dè trong những định kiến xã hội và từ chính mình, để từ đó cuộc sống thêm xuề xòa và bí bách, ít nhiều ảnh hưởng đến chính mình lẫn người thân.

Sẽ có những ví von như người ở quốc gia giàu có thì làm gì chẳng được, còn ở nước đang phát triển lại khác.

Thực chất ở châu Âu vẫn có nhiều người nghèo. Và việc tập luyện thể thao, ra đường với trang phục chỉn chu... có luôn phải phụ thuộc vào túi tiền?

Thong dong tuổi già

Tuổi già là giai đoạn có những biến động không kém so với những giai đoạn khác của quá trình phát triển con người. Trong giai đoạn này, mỗi người phải đối diện với nhiều vấn đề như sức khỏe, bệnh tật, giá trị bản thân, cô đơn và cả những sự mất mát. Không ít trường hợp đã rơi vào khủng hoảng.

Nếp sống của người Việt thường những người cao tuổi sẽ sống chung với con cháu, với gia đình. Có nhiều cách giúp vượt qua những khó khăn và sống vui, cảm thấy độc lập hơn trong giai đoạn này dù có sống theo nếp sống truyền thống đó hay không.

anh ths nguyen bao an 2(read-only)

Việc đầu tiên là có sự chuẩn bị về tài chính và tâm thế chấp nhận. Chấp nhận tuổi tác, bệnh tật và mất mát là một quy luật tất yếu ai cũng phải đi qua - cũng như những giai đoạn khác; sẽ có nhiều sự thay đổi không như ý và chưa quen, chẳng hạn như thời gian sẽ có nhiều hơn, mối quan hệ tương tác sẽ khác hơn... Chuẩn bị tốt thì chúng ta sẽ học cách chấp nhận và thích nghi tốt.

Mỗi người nên hiểu rằng có thể chúng ta không còn làm việc nhiều như trước, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không có giá trị, mà là sự chuyển tiếp về mặt vai trò thế hệ cũng như vai trò xã hội. Hiểu được vai trò của mình giúp chúng ta khám phá, thích nghi và làm tốt vai trò mới này.

Bên cạnh đó, cần duy trì những sở thích của bản thân, ở chừng mực nào đó, đây là thời kỳ chúng ta có nhiều thời gian sống cuộc sống của mình một cách thong dong. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta buông bỏ được những nỗi đau ngày cũ, sử dụng chất liệu đó cũng như những trải nghiệm của mình để trao truyền lại cho thế hệ sau, làm chỗ dựa vững chãi cho bản thân và cho con cháu.

ThS Tâm lý NGUYỄN BẢO ÂN

(Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM)

TẤN KHÔI ghi

"Ngưỡng giun quằn" trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc 'Ngưỡng giun quằn' trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc

TTO - Sau khi kết hôn, 'chiến dịch' xong rồi, mỗi người ít nhiều đều có tâm lý muốn vùng vẫy để có chút tự do trở lại.

CÔNG NHẬT (từ Heidelberg, Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên