08/09/2019 14:47 GMT+7

'Ngưỡng giun quằn' trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc

ĐẶNG THÁI
ĐẶNG THÁI

TTO - Sau khi kết hôn, 'chiến dịch' xong rồi, mỗi người ít nhiều đều có tâm lý muốn vùng vẫy để có chút tự do trở lại.

Ngưỡng giun quằn trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc - Ảnh 1.

Ta có thể bắt đầu mô hình này bằng hai điểm cách xa nhau trên cùng một đường thẳng, tượng trưng cho hai kẻ mới yêu nhau. Đường thẳng này tượng trưng cho một điều gì đó chung giữa họ, là điều kiện tối thiểu để kết nối họ. Cả hai con người ấy đều bắt đầu với quá nhiều tự do, chưa phải có trách nhiệm gì với ai, vẫn có thể lựa chọn "kết nối" với một (vài) điểm khác ở những đường thẳng khác, hay thậm chí trên cùng một đường với điểm kia…

Ngưỡng giun quằn trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc - Ảnh 2.

Tiến đến hôn nhân là khi hai điểm tìm cách thỏa hiệp với kẻ kia, tự bẻ cong mình cốt để tiến lại gần nhau, trông có vẻ như sẽ gặp nhau đến nơi. Nhưng họ sẽ không bao giờ gặp nhau hoàn toàn, hoặc chỉ gặp trong một thời gian rất ngắn, vào giai đoạn đầu đầy tự giác của tình yêu, rồi sau đó lại giãn ra, với một khoảng không ở giữa; đó chính là khoảng tự do của mỗi người trong hôn nhân.

Ta có thể thấy càng lên cao, hai người càng gắn bó, khoảng tự do kia càng nhỏ lại. Đó là một điều đã được cả xã hội mặc định, khi mà một người sắp kết hôn thời nay thường được "chúc mừng" bằng những ẩn dụ cho sự mất tự do: "đi tù", "cho tay vào còng", "ký vào bản án chung thân", "vào lồng"...

Ngưỡng giun quằn trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc - Ảnh 3.

Rõ ràng, để duy trì một cuộc hôn nhân êm đẹp, mỗi bên phải hi sinh bớt khoảng tự do của mình. Người ta kết hôn vì không muốn là một điểm cô độc trên đường thẳng. Mỗi người vì thế đương nhiên phải có trách nhiệm với cái "điểm" đã chịu đến sống chung với mình.

Đừng so với lúc đang tiến tới hôn nhân, khi ấy ai cũng hào hứng và đầy trách nhiệm, tự giác gạt bỏ tự do để cho hai đường cong "chập" nhau. Nhưng rồi như ai cũng biết, sau khi kết hôn, "chiến dịch" xong rồi, mỗi người ít nhiều đều có tâm lý muốn vùng vẫy để có chút tự do trở lại.

Một ví dụ

Trong cuốn sách Những giới hạn của hôn nhân (Boundaries in Marriage) của hai tiến sĩ Henry Cloud và John Townsend có một ví dụ khá hay. Caroline và Joe đến trung tâm tư vấn hôn nhân vì hai người không thể dừng việc cãi vã. Tôi hỏi cô ấy rằng những việc tranh cãi thường là về cái gì?

Caroline trả lời: "Anh ấy lúc nào cũng giận dữ. Anh ấy luôn cáu giận với tôi và như thế làm tôi rất khổ".

Tôi quay sang Joe và hỏi: "Sao anh cứ cáu giận thế?".

Joe trả lời luôn không cần nghĩ lấy một giây: "Bởi vì cô ấy luôn muốn kiểm soát tôi và cuộc sống của tôi".

"Tại sao cô lại tìm cách kiểm soát anh ấy?".

"Bởi vì anh ấy quá để tâm vào những việc của riêng anh ấy và tôi không thể nào giành được thời gian và sự chú ý của anh ấy".

"Tại sao anh không để ý đến cô ấy?".

"Bởi vì cô ấy hay cằn nhằn và kiểm soát quá mức. Tôi chỉ muốn tránh xa cô ấy ra".

"Tại sao cô lại hay cằn nhằn anh ấy?".

"Bởi vì anh ấy không làm những gì tôi muốn".

Đây là một câu chuyện rất phổ biến của các cặp vợ chồng, và cũng là sự thất bại của mô hình… hợp tác xã ở rất nhiều nước. Khi đã vào hợp tác xã, được cấp toàn bộ nguyên liệu vật tư, được kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, lại được hợp tác xã quyết định hộ cả đầu ra, các xã viên gần như không còn tự do gì trong các quyết định. Họ chỉ làm việc được giao; một số ít ỏi xã viên gương mẫu tình nguyện làm nhiều hơn, tốt hơn; còn đa phần chỉ làm cho đúng phần việc, thậm chí còn không đúng và đủ bởi họ không cảm thấy có trách nhiệm gì với hiệu quả sản xuất của hợp tác xã.

Vậy nên một điều thần kỳ đã xảy ra khi các hợp tác xã tiến hành khoán đất cho từng xã viên. Nước ta từ một nước thiếu ăn trở thành một nước xuất khẩu gạo. Các xã viên được tự do trong một khuôn khổ nhất định và họ vừa cảm thấy có trách nhiệm vừa cảm thấy an tâm khi vẫn được người khác chăm lo.

Mô hình "khoán" hợp tác xã ấy rất giống mô hình một cặp vợ chồng, với khuynh hướng chung là gắn kết các thành viên, nhưng khoảng không tự do vẫn được bảo tồn.

Mô hình đồng hồ cát

Điểm mấu chốt là hai đường cong của vợ chồng không nên gặp nhau. Chúng chỉ nên thỉnh thoảng tiến đến thật gần rồi lại bẻ cong ra ngoài. Đến một điểm giới hạn nào đó (là mức độ tự do mà chồng hay vợ cho phép) thì chúng lại cong vào và cứ lặp lại như thế đến vô tận.

Ngưỡng giun quằn trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc - Ảnh 4.

Mô hình ấy, tôi gọi là đồng hồ cát. Tức hai người cần một khoảng "xa cách", và xa cách thực sự, không phải đơn thuần ở phòng này không thấy phòng kia. Vì chỉ có xa cách thật sự mới khiến người ta gần lại (sau đó), như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nói hộ tâm trạng một anh thợ xây: "Dù xa nhau trọn ngày đêm, anh càng yêu em, càng hăng say, xây cho nhà cao, cao mãi...".

Vấn đề nằm ở chỗ, sức chịu đựng xa cách của mỗi người là khác nhau; người 8 tiếng, người vài ngày, nhưng vợ chồng nhất thiết phải cùng hiểu câu "xa (ít thì) thơm gần (nhiều thì) thối" để cùng lên một lịch trình tan - hợp theo mô hình đồng hồ cát.

Sau từng khoảng thời gian không gặp nhau, mỗi người quay trở lại để chia sẻ với người kia những gì mình đã trải nghiệm. Đấy chẳng phải là công thức hoàn hảo cho sự háo hức hồi người ta mới yêu nhau hay sao? Vì sao đến khi đã buộc được nhau bằng giấy tờ rồi mọi người lại không dám xa nhau nữa?

Cuộc đấu tranh để bắt nô lệ và để được tự do

Ở hầu hết các nước phương Tây, tỉ lệ ly hôn vào khoảng 50%, tức là cứ hai cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn, điều này khiến người ta phải xem lại tính đúng đắn của việc kết hôn, vì nếu tỉ lệ là 50:50 thì liệu kết hôn có phải là giải pháp đúng để tạo lập gia đình không.

Đồng thời, người ta cũng có nhiều nghiên cứu nghiêm túc xem vì sao hôn nhân lại tan rã, vì nói thế, xã hội phương Tây vẫn cực kỳ coi trọng hạnh phúc gia đình, coi nó là một phần thiết yếu của hạnh phúc cá nhân.

Nhà tâm lý học John Gottman đã nghĩ ra một công thức cho hôn nhân hạnh phúc. Ông quan sát hàng trăm cặp vợ chồng trong nhiều năm khi họ nói chuyện với nhau và về nhau. Ông ghi chép lại biểu cảm khuôn mặt, nhịp tim, huyết áp, lượng mồ hôi tay và từ ngữ được sử dụng.

Ông chia phản ứng thành hai loại tích cực và tiêu cực.

Sau sáu năm, các cặp vẫn sống hạnh phúc là loại ngay từ mới cưới đã có các phản ứng tích cực. Ở các cặp này, khi một người có hành vi xấu thì người kia sẽ cho rằng hẳn có điều gì đó bất thường, ví dụ anh ấy cáu là do anh ấy thiếu ngủ hoặc áp lực ở chỗ làm.

Ngược lại, các cặp chia tay đều nằm trong nhóm phản ứng tiêu cực. Ở các cặp này, hành vi xấu của người kia được cho là tại bản chất, không thay đổi được, ví dụ cáu bẳn là do ích kỷ mà thế.

Ngưỡng giun quằn trong hôn nhân: càng tranh cãi, càng hạnh phúc - Ảnh 5.

Gottman nhận thấy có một mức chịu đựng tối đa gọi là ngưỡng tiêu cực, khi chạm đến ngưỡng tiêu cực này thì người ta sẽ không chịu được nữa và bùng nổ, ta sẽ gọi là "ngưỡng giun quằn".

Thoạt tiên Gottman đoán những cặp có ngưỡng tiêu cực càng cao, tức mức chịu đựng càng cao và thỏa hiệp càng nhiều, chỉ thực sự cãi vã khi có chuyện gì đấy rất trầm trọng sẽ là những cặp sống được với nhau lâu bền.

Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Những cặp có ngưỡng tiêu cực càng thấp thì càng bền chặt, càng hạnh phúc. Đó là những cặp chỉ đụng một tí là không chịu được. Họ thả sức phàn nàn nhau và liên tục đấu tranh để làm "ra ngô ra khoai" những vấn đề dù là nhỏ nhất. Họ không dồn nén cảm xúc để buông cho những việc nhỏ nhặt trôi đi. Họ dừng ngay lại, nhanh chóng giải quyết rồi đi tiếp.

Sẽ có tranh cãi về những khúc cong tế vi của mô hình, xa ra bao nhiêu là vừa, có sợ đến lúc thành hai đường song song quá trớn không; gần lại thế thì có ngột ngạt quá không…; tất cả đều cần một sự thẳng thắn của ngưỡng chịu đựng thấp để người kia còn biết sớm mà chừa, lại vừa phải có sự ước lượng vừa tình cảm vừa khéo léo từ cả vợ và chồng, vì tự do của người này hiếm khi nào là niềm vui của người kia.

Chẳng phải đến lúc xã hội ngày nay biến đổi như vũ bão mà việc tạo dựng gia đình bền vững mới trở thành khó khăn. Đó vẫn là một thách thức lớn từ xa xưa vì lập gia đình vừa là một hành trình tự xây đắp mình lẫn tự giết chết (tự do) mình.

Công cuộc ấy có lẽ khó hơn cả những việc như tu thân, tậu trâu, làm nhà hay trị quốc, là những việc xét ra ta có thể làm một mình và chỉ cần thỏa mãn mình ta.

Vì sao đàn bà Vì sao đàn bà 'dại'?

TTO - Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông điệp 'thương thay số phận đàn bà', 'đàn bà dại'... Có người còn nổi giận với một vài trường hợp cụ thể: 'Cô kia thật dại, bị chồng đánh dã man nhưng vẫn không bỏ chồng'. Tại sao lại thế?

ĐẶNG THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên