14/08/2022 09:35 GMT+7

Tôi lỡ quên mất giọng người

NY AN
NY AN

TTO - Những ngày mới chớm mười tám tuổi, tôi rời quê nhà vào Sài Gòn học tập. Như một chú chim non bỡ ngỡ lần đầu xa tổ, tôi chới với lạc lõng giữa dòng phố xá.

Khó khăn nhất lúc đó là khi mở giọng cất tiếng thì nhiều người chẳng hiểu tôi đang nói gì. Chất giọng Quảng đặc sệt "ăn cục nói hòn" ngấm trong máu thịt từ thuở mới lọt lòng không dưng trở thành rào cản nhỏ trong các mối quan hệ giao tiếp.

Tôi tập thay vài thổ ngữ, đổi cách phát âm, từ từ điều chỉnh giọng nói cho dễ nghe hơn. Dần dà tôi cũng sửa được, không còn nói giọng Quảng với người xứ khác. Thế nhưng, vẫn có đôi lúc nào đó giữa phố phường tấp nập, tôi thèm lắm chất giọng xứ Quảng "quê choa".

Tôi luôn cho rằng việc ta phân biệt được giọng nói của người khác là một đặc ân. Giọng nói ấm áp, giọng nói khàn đục, giọng nói nhí nhảnh, giọng nói rền vang, giọng nói thánh thót... Mỗi người sẽ có chất giọng riêng đặc trưng, hiếm lắm mới có trường hợp gần trùng âm vực phát ra.

Trước đây, tôi có một thói quen. Cứ mỗi khi cuộc sống quá mỏi mệt, công việc gặp áp lực, chuyện đời không như ý thì tôi sẽ gọi một cuộc điện thoại. Có thể là cho ba, cho má, hoặc đứa bạn thân. Nào để làm gì đâu, chỉ là muốn nghe một chút giọng nói trong nỗi nhớ.

Tôi không kể với họ về những vấn đề mình gặp phải, cũng chẳng hề thở than khóc lóc. Khi âm thanh quen thuộc từ đầu dây bên kia vừa vọng vào tai, tôi biết rằng những người thương yêu mình vẫn còn ở đó, nghe như ấm áp đang len lỏi vào trong từng tế bào cơ thể. 

Chính giọng nói ấy đã vực dậy tinh thần tôi, đủ sức chữa lành dù chẳng một câu an ủi hay động viên nào. Trên đời này có hàng ngàn thanh âm khác nhau, nhưng có lẽ âm thanh quan trọng nhất đối với chúng ta đó chính là giọng nói của những người thương yêu.

Khi chia xa người thân, người yêu, có lẽ thứ ta nhớ đến quay quắt đó chính là mùi hương, giọng nói. Một món quà, hay bức ảnh hữu hình, ta có thể gói ghém mang theo được. Nhưng mùi hương, giọng nói không nắm bắt được, không chạm tới được thì làm sao giữ lại bên mình?

Một người bạn ở quê của tôi thường hay ghi âm những bài cậu tự hát và gửi tin nhắn cho tôi. Gặp những lúc rảnh rỗi tôi mở ra nghe, đôi khi vì bận bịu mà thấy việc đó hơi phiền nhiễu. 

Cho tới một ngày, khi cậu ấy đột ngột rời bỏ cuộc đời này, tôi mới biết trân quý những đoạn thoại kia. Chậm chậm mở từng bài, giọng hát cậu vừa cất lên là lúc tôi vỡ òa nức nở. Âm thanh quen thuộc ấy mãi mãi về sau tôi chẳng còn được nghe trực tiếp nữa rồi. Thật may vì ngày xưa tôi vẫn giữ lại những đoạn ghi âm nho nhỏ.

Cũng như việc cất lưu hình ảnh, ta có cách đơn giản như thế để ghi lại âm thanh. Thế mà trước đây tôi chưa hề nghĩ đến. Sáu năm sau ngày mất của ba, dù có loay hoay lục tìm ký ức thế nào tôi vẫn không thể nhớ được giọng nói của ba có âm vực trầm bổng ra sao. 

Ngày nào tôi còn quýnh quáng giật mình tỉnh giấc bởi câu gọi thúc giục mỗi sáng. Ngày nào tôi còn chán ghét câu chửi lè nhè hơi men lúc chiều về. Ngày nào tôi còn mơ màng trong câu thơ trầm ấm ba ngâm mỗi trưa hè đưa võng. Chỉ mới đó thôi, tôi đã quên mất giọng người.

Đôi khi ta thường vô tình bỏ qua mấy thứ đơn giản, nhỏ nhặt. Chẳng nghĩ một ngày, những gì mình từng cho là bình thường ấy sẽ trở thành điều quý giá nhất. Không hẳn là mất đi rồi mới biết trân trọng, mà đơn giản bởi vì ta nào có lường trước được những bất ngờ trong thế gian đầy sai số này.

Như hôm nay, giữa ồn ã muôn ngàn thanh âm cuộc đời, tôi chẳng biết tìm đâu nữa giọng nói ba tôi.

Các trí thức góp tiếng nói mong Việt Nam phát triển Các trí thức góp tiếng nói mong Việt Nam phát triển

TTO - Tập sách Việt Nam hôm nay và ngày mai tập hợp những ý kiến tâm huyết của 22 nhà trí thức về các vấn đề Việt Nam đang đối diện, với mong muốn chung là làm sao để đất nước bứt phá vượt lên trên đường phát triển bền vững.

NY AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên