04/02/2015 08:46 GMT+7

​Tôi cũng là nạn nhân của “đạo báo”

PHẠM XUÂN DŨNG (Quảng Trị)
PHẠM XUÂN DŨNG (Quảng Trị)

TT - Nhiều người cầm viết, trong đó có tôi, là nạn nhân của “đạo văn”, “đạo báo” nhưng ít khi lên tiếng vì ngại mất thời giờ, vì nghĩ rằng sự việc rồi cũng chẳng đi đến đâu.

Bức ảnh trong bài “Thầy lang núi và phương thuốc lạ” trên báo Tuổi Trẻ ghi rõ tên tác giả Xuân Dũng đã bị “sao chép” lại trên một tờ báo mà không ghi tên tác giả
Bức ảnh trong bài “Thầy lang núi và phương thuốc lạ” trên báo Tuổi Trẻ ghi rõ tên tác giả Xuân Dũng đã bị “sao chép” lại trên một tờ báo mà không ghi tên tác giả

Khi đọc bài “Báo chí chính danh” của tác giả Huỳnh Văn Thông (Tuổi Trẻ ngày 30-1), tôi lại thấy mình không thể không nói, lẽ giản đơn là không thể thỏa hiệp mãi trước tệ nạn này.

Những chuyện “đạo văn”, “đạo báo” nhiều năm về trước mà tôi là nạn nhân thôi không nhắc lại nữa. Mới đây, năm 2014, một tờ báo của cơ quan bảo vệ pháp luật có đăng phóng sự về y thuật chữa bệnh của đồng bào miền núi lại lấy đến 80% bài viết của tôi đã đăng trên báo Tuổi Trẻ, đó là bài báo “Thầy lang núi và phương thuốc lạ” trong hồ sơ “Huyền bí Vân Kiều”.

Nhân vật trong bài hầu hết cũng lấy lại từ bài viết của tôi, phỏng vấn các bác sĩ cũng vậy và cả bức ảnh trong bài cũng “đạo” nốt. Thật là trắng trợn. Cực chẳng đã, tôi viết thư gửi tòa soạn tờ báo này, đề nghị làm rõ và rút bài báo bị đạo ra khỏi trang mạng của tờ báo.

Đại diện ban biên tập có điện thoại trao đổi, mong tôi thông cảm. Tôi đã cho qua, nhưng từ đó đến nay đã nhiều tháng mà bài báo ấy vẫn nằm trên mạng rất chướng mắt. Đúng là họ ngang nhiên coi thường bạn đọc và đồng nghiệp ngay cả sau khi bị phát hiện quả tang “bắt tận tay, day tận trán”.

Mới đây, một bạn đọc báo Tuổi Trẻ ở Huế điện thoại cho tôi đề nghị xem phim tài liệu về thành hoàng cộng sản Nguyễn Tạo của một đài truyền hình lớn đang chiếu vào khung giờ “vàng”.

Xem xong cuốn phim dài hơn 25 phút, tôi chỉ còn biết lắc đầu. Nhiều ý tứ, câu văn, đoạn văn trong lời bình lấy nguyên xi từ một hồ sơ mà tôi tham gia viết đã đăng trên Tuổi Trẻ: “Thành hoàng cộng sản” vào tháng 1-2014. Tôi tự hỏi sao mọi sự diễn ra cứ trơn tuột như không?

Êkip làm phim đều có ghi đủ cả từ người chịu trách nhiệm nội dung, tác giả kịch bản và đạo diễn, sao lại làm như vậy?

Có thể ngăn chặn nạn “đạo báo” được không? Theo tôi, chấm dứt tình trạng này trong một sớm một chiều rất khó, nhưng phòng ngừa, hạn chế thì có thể được.

Trước hết, ban biên tập các tờ báo phải nghiêm khắc với tình trạng đáng xấu hổ này, có biện pháp nhắc nhở, xử lý phóng viên một khi họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp dạng này; khi có vi phạm xảy ra thì nhanh chóng kiểm điểm, công khai ở cơ quan nhằm răn đe, nhắc nhở.

Các tổ chức hội nhà báo của các tờ báo, các địa phương, các ngành phải đưa nội dung “đạo báo” này như một tiêu chí xem xét hoạt động của các phóng viên, các cơ quan báo chí trong sơ kết, tổng kết.

Mặt khác, khi sự việc “đạo báo” xảy ra, lãnh đạo cơ quan báo chí, ban biên tập phải cầu thị xin lỗi nạn nhân theo cách hành xử văn minh, không nên xuê xoa cho qua, xin lỗi chiếu lệ, càng không nên bao che cho phóng viên, cộng tác viên làm bậy, tạo cơ hội cho họ “đạo” tác phẩm của người khác.

Nếu vi phạm nặng hay tái phạm có thể đề nghị “treo bút”. . Nếu xem xét thấy khả thi thì luật pháp cũng nên đưa tình trạng “đạo báo” vào luật để có cơ sở pháp lý khi điều chỉnh hành vi của những người tham gia hoạt động báo chí.

Một nền báo chí chính danh nhất định phải loại trừ tệ nạn “đạo báo” bằng những chế tài kịp thời và đủ mạnh. Nếu không thì những kẻ “gian lận” vẫn sống nhởn nhơ và tác oai tác quái.

PHẠM XUÂN DŨNG (Quảng Trị)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên