Mặt ngoài của chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C. Ảnh tư liệu. |
Đó là ý kiến của bạn đọc Hoài Nam (hoainam1005@...) về câu chuyện Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu Sở Nội vụ TP giải trình các căn cứ và qui định về việc không chấp nhận các hồ sơ thi công chức có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ TOEIC và TOEFL.
Cùng quan điểm, bạn đọc Hải Nguyễn (Mỹ) viết: Sở Nội Vụ làm việc kiểu này là thể hiện sự quan liêu và máy móc, xa rời thực tế cuộc sống của người dân. Tất cả các chứng chỉ, giấy tờ, bằng cấp mục tiêu cuối cùng chỉ là để phản ảnh năng lực của con người góp phần cho công tác xét tuyển chọn công việc phù hợp.
Theo bạn Hải Nguyễn: "Chứng chỉ ngoại ngữ thì nên theo chuẩn quốc tế để phục vụ lại chính công việc làm việc với quốc tế, chứ không phải là để làm việc với chính người Việt chúng ta. Các chứng chỉ A, B, C đã lạc hậu từ 2 thập niên trước rồi giờ lấy lại là tiêu chí tuyển dụng là hết sức xa rời thực tế, thể hiện tư duy ấu trĩ."
Bạn Hải Nguyễn lưu ý: Mặc khác TOEIC hay TOEFL chỉ là các kỳ thì, chứ không phải chứng chỉ. Vì các kỳ thi nên có các mức điểm khác nhau thể hiện khả năng về ngôn ngữ tiếng Anh của người học. Nên phải nói cụ thể là TOEIC hay TOEFL ở mức điểm bao nhiêu trở lên thì mới có ý nghĩa trong tuyển dụng.
Đó cũng là điều lưu ý của bạn đọc Cuong: Phải qui định rõ chứng chỉ TOEFL hay TOEIC bao nhiêu điểm, chứ nộp những chứng chỉ ấy mà loại điểm thấp thì cũng như không, chưa chắc hơn chứng chỉ A,B,C đâu.
Bạn đọc Nguyen (demynguyen@...) bình luận: Chứng chỉ ngoại ngữ thịnh hành như TOEIC mà đem so sánh với chứng chỉ A,B,C xem ra là không đúng. Nếu nói rằng công chức được thay thế chứng chỉ A,B,C bằng chứng chỉ quốc tế với điểm số như sinh viên chẳng hạn thì tôi còn nghe được. Vì ai không thi nổi TOEIC thì thi chứng chỉ B,C; ai thi được TOEIC thì nộp.
"Cớ gì lại hồ sơ công chức không chấp nhận bằng TOEIC. Nếu cơ quan chức năng sợ hậu kiểm không nổi về bằng cấp thì thì xin nói rõ, trung tâm khảo thí quốc tế sẽ gửi danh sách yêu cầu xác minh về cho cơ quan: thời gian thi, thời gian còn hiệu lực của chứng chỉ. Nếu điểm cao, còn hiệu lực thời gian khi tiến hành thi công chức thì nhận chứ cớ gì lại bác bỏ." - bạn Nguyen viết.
Bạn đọc Tuấn Minh (tuando008@...) dẫn chứng: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã Ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, theo đó cũng đã có công nhận các điểm số TOEIC, TOEFL theo khung chuẩn này. Vậy không có lý gì lại sử dụng những tiêu chuẩn cũ A, B, C để xét tuyển công chức trong thời đại này nữa."
"Sao các văn bản quy định của nhà nước giữa các bộ, ban, ngành lại khác nhau đến vậy nhỉ?" là câu hỏi của bạn Tuấn Minh.
Một câu hỏi mang tính trào phúng của bạn đọc Nguyễn Văn Hoàng (hoangnv.mr@...) là: Tiếng Anh của Việt Nam chuẩn hơn tiếng Anh của thế giới nên Việt Nam chỉ chấp nhận chứng chỉ của Việt Nam?
Bạn Hung (hungddn60@...) "lo xa": Thế bằng đại học tốt nghiệp ở nước ngoài cũng không nhận à?
Bạn đọc Bình Minh (rainbow_1409@...) cho rằng: cần phải bổ sung các tiêu chuẩn ngoại ngữ quốc tế TOEIC, TOEFL vào trong tiêu chuẩn tuyển công chức nhà nước để có được những cán bộ tốt trong bộ máy nhà nước.
Và với bạn đọc Phạm Hiền (xuanhien.nlpenglish@....) thì: Thực chất ra mà nói bằng nào cũng không quan trọng. Miễn là đảm bảo giao tiếp lưu loát được không hay thôi. Có người đủ thứ bằng TOEIC, TOEFL...kể cả A,B,C... mặc dù điểm cao thiệt nhưng khi gặp một người nước ngoài chưa chắc gì nói chuyện và giao tiếp được. Vậy vấn đề nó nằm chỗ nào? Có phải có cần bằng cấp?
Bạn đọc Quang Vinh (vinh_nguyen197...) bày tỏ: Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố nên phải có chính kiến chứ, đằng này cứ quy định cứng nhắc, khi dân phản ánh thì mới xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố & chờ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận