09/11/2017 15:50 GMT+7

Tòa Indonesia hoãn phiên xử 5 thuyền trưởng Việt Nam

LÊ NAM (từ đảo NATUNA, INDONESIA)
LÊ NAM (từ đảo NATUNA, INDONESIA)

TTO - Phiên tòa được dời tới ngày 16-11 do sự xuất hiện của luật sư và các đơn kêu oan của các thuyền trưởng bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.

Tòa Indonesia hoãn phiên xử 5 thuyền trưởng Việt Nam - Ảnh 1.

Các thuyền trưởng cùng ký đơn kêu oan - Ảnh: LÊ NAM

Sáng 9-11, đảo Natuna mưa nặng hạt. Tại khuôn viên nhà tạm giam trên đảo, các ngư dân Việt Nam đang bị tạm giam với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để chờ ngày tòa xét xử. 

Thuyền trưởng Hứa Minh Trung (37 tuổi, tàu KG 93895TS bị bắt tại tọa độ 06độ31’00" bắc - 106độ20’00"), một trong 5 thuyền trưởng tại tỉnh Kiên Giang bị triệu tập ra tòa hôm nay. 

Tòa án Indonesia đã cho hoãn phiên tòa ngày 9-11, dự kiến mở lại ngày 16-11

Buộc phải ký biên bản tọa độ đánh bắt sai

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hứa Minh Trung cho biết sẽ tiếp tục kêu oan và yêu cầu đại diện chính phủ Viện Nam có mặt để bảo vệ các thuyền trưởng.

"Do ngôn ngữ bất đồng, họ dùng nhiều biện pháp mạnh, thậm chí dùng dao kè vào người để buộc chúng tôi phải ký vào biên bản chữ nước ngoài. Tôi không hiểu nội dung, chỉ thấy vị trí trong biên bản có tọa độ xa hơn nơi chúng tôi bị bắt ít nhất 4 hải lý tức là về phía Indonesia là không đúng với vị trí mà họ bắt chúng tôi", ông Trung cho biết. 

Theo ông Trung, vì chứng kiến một thuyền trưởng khác đã bị đánh nên ông sợ mà phải ký.

"Chỉ cần bật lại thiết bị định vị vệ tinh (GPS) mà họ đã tịch thu sẽ nhìn lại được ngay vị trí cuối cùng chúng tôi bị bắt là ở đâu. Chúng tôi bị oan", ông Trung nói.

Mãi đến 11h sáng 9-11, thuyền trưởng Hứa Minh Trung mới được đưa vào phòng xử án. Đại diện đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia không có mặt tại phiên tòa này và các phiên tòa xử những thuyền trưởng khác, đã diễn ra từ 9h sáng.

Chủ tọa phiên tòa Marselinus Ambarita cho biết lẽ ra hôm nay là ngày tuyên án nhưng do ông Trung có đơn kêu oan và yêu cầu có luật sư bào chữa nên sẽ xem xét thêm tình tiết mới. 

"Có luật sư của ông ở đây không? - chủ tọa Marselinus Ambarita hỏi qua người phiên dịch - Sao từ đầu ông không kháng án và gọi luật sư mà chờ đến tận bây giờ mới có luật sư xuất hiện?".  

Thuyền trưởng Hứa Minh Trung quay lại chỉ vào người luật sư Christopher Siahaan người Indonesia rồi trả lời "vì lúc đó không có cách nào liên lạc được với người nhà". 

Ông luật sư được mời lên cùng công tố viên thảo luận với chủ tọa phiên tòa một lát, sau đó cả hai quay về vị trí của mình. 

Chủ tọa phiên tòa thông báo sẽ dời phiên tòa tới ngày 16-11 để nghe phần bào chữa của luật sư cũng như nghe thêm các tình tiết mới của vụ án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngay bên ngoài hành lang phiên tòa, luật sư Christopher Siahaan cho biết ông đề nghị chủ tọa dời ngày xét xử lại vì ngoài việc phải có chứng cứ từ các thiết bị định vị, phải có đại diện lãnh sự Việt Nam dự để bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam. 

"Tôi sẽ có văn bản đề nghị đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia có mặt trong phiên tòa sắp tới để đảm bảo tối đa quyền lợi của công dân VN" - ông Christopher Siahaan cho biết.

Tiếng kêu oan của các thuyền trưởng bị bắt giữ

Sau khi từ Tòa án nhân dân tỉnh Natuna, chúng tôi đã đến nơi tạm giam của các thuyền trưởng người Việt. 

Thuyền trưởng Hứa Minh Trung và các thuyền trưởng khác đang bị tạm giam tại đây đã cùng thống nhất gửi đơn kêu cứu đồng gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, các cơ quan có thẩm quyền và báo Tuổi Trẻ.

Trong đơn có đoạn: "Chúng tôi bị bắt khi đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam. Tất cả chúng tôi khi đi đánh bắt đều mang theo bản đồ do Cục Kiểm ngư Việt Nam cấp. Chúng tôi bị oan. 

Hiện chúng tôi đang rất khó khăn, không có tiền, không ai giúp đỡ, biết mình bị oan nhưng không biết làm sao lên tiếng. Chúng tôi tha thiết mong mỏi nhà nước Việt Nam giúp đỡ chúng tôi, đòi lại công bằng cho ngư dân Việt Nam và bảo vệ vùng biển VN". 

Có tổng cộng 25 thuyền trưởng đang bị tạm giam ở đây đã cùng viết đơn và ký tên vào "đơn kêu cứu".

Trao đổi với chúng tôi, các thuyền trưởng đang bị giam ở đây cho biết lúc trước, họ chỉ được phía Indonesia phát mỗi người một bát gạo. Thế nhưng, bây giờ gạo cũng không có. Thức ăn và lương thực đều trông chờ vào tiền của người nhà gửi sang. 

Thuyền trưởng Võ Văn Tuấn cho biết ông bị giam trong 13 tháng qua mà mới được tòa gọi lần thứ hai để hỏi vài thông tin và cũng chưa tuyên án. 

"Tôi không vào hải phận của họ mà họ buộc tội. Trong khi tôi ở đây chẳng có ai đi làm nuôi vợ con mà vợ con phải vay mượn để gửi tiền sang nuôi, tiền gửi từ VN sang đều bị chia lại 50% với người chuyển tiền".

Trao đổi với Tuổi Trẻ online, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn đề nghị ngư dân phải nắm thông tin và kiên quyết không ra tòa, không nhận tội nếu không được bảo hộ lãnh sự, pháp lý đầy đủ.
LÊ NAM (từ đảo NATUNA, INDONESIA)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên