09/03/2020 12:31 GMT+7

Tổ tư vấn tâm lý quân nhân ở Trường Sa

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở quần đảo xa xôi, bão gió như Trường Sa, những tổ tư vấn tâm lý quân nhân giống như những chuyên gia tư vấn tâm lý, giúp người lính kịp giải tỏa tâm sự chất chứa trong lòng...

Tổ tư vấn tâm lý quân nhân ở Trường Sa - Ảnh 1.

Sau khi trò chuyện, trung sĩ Lê Chí Cang tươi cười bắt tay cảm ơn các anh trong tổ tư vấn, hứa ráng hoàn thành tốt nhiệm vụ - Ảnh: MY LĂNG

Trung tá Nguyễn Văn Khương, chính trị viên đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), cho biết với môi trường đặc thù trên đảo, việc nắm được tâm tư tình cảm bộ đội rất quan trọng.

"Trên đảo, chiến sĩ đến từ nhiều tỉnh thành, vùng quê khác nhau, phong tục vùng miền cũng khác nhau. Khi ra đảo thực hiện nhiệm vụ, rất nhiều anh em lính mới xa nhà, xa người yêu, nhớ nhung, buồn bã. Điều mà tổ tư vấn cần làm là giúp các em chiến sĩ mới hòa nhập được với nhau, vơi đi nỗi nhớ nhà, tập trung làm tốt các nhiệm vụ" - trung tá Khương nói.

“Anh em khó khăn cái gì thì cùng nhau tháo gỡ cái đó. Chúng tôi quyết tâm không để anh em bế tắc về tâm lý, tinh thần. Vì tinh thần là yếu tố quan trọng nhất để anh em vui tươi, phấn khởi, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tá TRẦN VĂN QUẾ (chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông)

Động viên chiến sĩ mới

Đầu tháng 1-2020, trung sĩ Lê Chí Cang, 19 tuổi, người Bình Thuận, đặt chân lên đảo Nam Yết bắt đầu cho một năm làm nhiệm vụ ngoài đảo. Cang là con một. Cha mất khi Cang học lớp 6. Ở nhà giờ chỉ có một mình mẹ năm nay đã 65 tuổi.

Cũng như nhiều chiến sĩ trẻ khác mới ra đảo, nơi xa xôi, cách biệt sẽ rất nhớ nhà. Riêng Cang lại còn cả sự lo lắng khi nghĩ về việc mẹ ở nhà chỉ có một mình.

Sợ cậu em chiến sĩ mới phân tâm nên khi Cang mới lên đảo, tổ tư vấn tâm lý quân nhân phân đội 3 (cụm 2 đảo Nam Yết) kéo anh chàng ra bộ bàn ghế đá dưới tán bàng vuông, khéo léo kể về cuộc sống, huấn luyện trên đảo rồi hỏi chuyện gia đình.

Lúc đầu anh chàng khá buồn. Nhưng sau một hồi nói chuyện với các anh lính cũ (những chiến sĩ đã làm nhiệm vụ trước đó), thấy các anh thân thiện, gần gũi quá, Cang nhanh nhẹn hẳn, tươi cười nhiều hơn.

"Anh sắp về rồi, mong em giữ gìn sức khỏe, ráng hoàn thành tốt nhiệm vụ để mẹ em tự hào. Một năm trên đảo nhanh lắm" - trung úy Võ Minh Thiên (25 tuổi), tổ trưởng tổ tư vấn tâm lý quân nhân của phân đội 3 (cụm 2), nói.

Hai thành viên còn lại là binh nhất Hồ Văn Cường (21 tuổi) và trung sĩ Nguyễn Đăng Kỷ (21 tuổi) ngồi cạnh vỗ vai cậu em lính mới, tiếp lời động viên.

"Nhờ có các anh mà em thấy gần gũi, đỡ nhớ nhà hơn. Em hứa với lòng sẽ trưởng thành hơn để mẹ tự hào về em" - trung sĩ Lê Chí Cang mỉm cười bảo.

Cậu chiến sĩ mới ấy là một trong số những người có hoàn cảnh đặc biệt, cần được tổ tư vấn tâm lý quân nhân ở đảo Nam Yết để ý, quan tâm để anh chàng an tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều chiến sĩ còn có hoàn cảnh rất khó khăn. Có những trường hợp cha mẹ ly hôn, ly thân, không hòa thuận. Có trường hợp mồ côi phải ở với ông bà nội, ngoại. "Những trường hợp đó chúng tôi phải nắm bắt ngay để kịp thời chia sẻ, tháo gỡ" - trung tá Trần Văn Quế (chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông) cho biết.

Có đồng đội, vượt qua nỗi đau

Trung tá Trần Văn Quế tự hào khẳng định tổ tư vấn tâm lý quân nhân của đảo Sinh Tồn Đông rất hiệu quả. Anh nhắc đến câu chuyện xảy ra với một cậu lính trẻ trong năm 2019 tên Nguyễn Quốc Anh, khẩu đội trưởng, quê Khánh Hòa. Khi đang làm nhiệm vụ trên đảo, Quốc Anh hay tin chị gái bị ung thư máu.

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, trung sĩ Nguyễn Quốc Anh kể: "Khi vô bệnh viện ở Sài Gòn, bác sĩ nói phải xạ trị hết 150 triệu đồng. Nhà mình nghèo nên đó là số tiền rất lớn. Không có tiền nên chị mình phải quay về quê làm bảo hiểm. Nhưng xuống xã làm bảo hiểm mà cứ lòng vòng miết làm không được. Chị mình phải ở nhà, không đi chữa bệnh được. Ai quen biết xuống cho ít tiền".

Đang làm nhiệm vụ trên đảo nên Quốc Anh không thể về thăm. Được đơn vị tạo điều kiện cho phép hằng ngày gọi điện về nói chuyện, Quốc Anh dặn chị: Ráng chờ em về để gặp được chị. Nhưng chỉ một tháng sau, chị gái Quốc Anh mất. Hôm ấy, trung sĩ Quốc Anh đang cùng đơn vị diễn tập dưới hầm thì nhận hung tin.

"Lúc đó mình sốc lắm, không biết làm gì, không tập trung được gì - Quốc Anh nói - Ba mình mất cách đây hơn 10 năm khi mình học lớp 6. Giờ lại mất chị. Mình với chị rất thân. Phân đội biết mình buồn nên hay kè kè động viên trò chuyện. Chính trị viên của đảo luôn xuống tâm sự, hỏi thăm. Mọi người sợ mình nghĩ quẩn nên thường xuyên động viên để mình vượt qua, còn làm nhiệm vụ nữa".

Thời gian đó tổ tư vấn tâm lý quân nhân rồi tổ đoàn kết hằng ngày luôn trò chuyện với Quốc Anh để động viên và xem quá trình thực hiện nhiệm vụ có gì khó khăn, vướng mắc là báo cáo ngay để chỉ huy đảo kịp hỗ trợ. Hơn một tuần sau, nhờ sự động viên của đồng đội, của cả đảo, khẩu đội trưởng Nguyễn Quốc Anh đã bình tâm được.

Nhìn lại khoảng thời gian đó, Quốc Anh bảo: "Nếu không có đồng đội và các chú chỉ huy đảo tâm lý, quan tâm thì chắc lâu lắm mình mới vượt qua được cú sốc đó. Ra đảo ai cũng xa nhà, chỉ có tình anh em đồng đội thay cho tình cảm gia đình, giúp mình vượt qua nỗi đau".

Nói về Quốc Anh, chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông Trần Văn Quế bảo đó là chiến sĩ đặc biệt nhất, không chỉ hoàn cảnh gia đình mà còn nhiều tài lẻ, hoạt động văn hóa văn nghệ đều do Quốc Anh làm biên đạo. Quốc Anh lại ngoan và chăm chỉ nên ai cũng quý mến.

"Chúng tôi kịp thời động viên và chiến sĩ ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là một trong những trường hợp có vấn đề bất ngờ nảy sinh từ gia đình và đã được chúng tôi tư vấn, hỗ trợ thành công" - trung tá Trần Văn Quế nói.

Trung tá Trần Văn Quế cho hay đây là đảo tiền tiêu nên yếu tố tinh thần rất quan trọng. Các tàu nước ngoài hoạt động thường xuyên ở vùng nước này.

"Ở đây ngoài tinh thần thép thì người lính còn phải xử lý môi trường trên biển với phương pháp hòa bình, đúng đối sách, quan điểm của trên. Cho nên vai trò của tổ tư vấn tâm lý quân nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc nắm bắt tư tưởng của từng chiến sĩ" - trung tá Trần Văn Quế khẳng định.

Đóng quân trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc nên việc huấn luyện, rèn luyện có lúc rất căng thẳng. "Chính vì vậy vấn đề tư tưởng cực kỳ quan trọng. Trong quá trình công tác chúng tôi xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở từng bộ phận và cả đảo phải có tổ tư vấn tâm lý quân nhân để chia sẻ, động viên kịp thời" - trung tá Trần Văn Quế cho hay.

Với những chiến sĩ mới ra đảo, chỉ huy đảo tìm hiểu rõ lai lịch, xuất thân, vùng miền, hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ, có số điện thoại của gia đình các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện liên lạc về nhà nói chuyện với người thân, động viên và tạo động lực cho anh em phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi thời điểm tết đến xuân về cận kề, nỗi nhớ nhà của người chiến sĩ lần đầu ra đảo là điều không thể tránh khỏi. Tổ tư vấn tâm lý phải nắm bắt kịp thời để chiến sĩ vui vẻ đón tết, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuyên dương  19 gia đình quân nhân tiêu biểu Tuyên dương 19 gia đình quân nhân tiêu biểu

TTO - Ngày 24-6, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương 19 gia đình quân nhân tiêu biểu.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên