15/07/2023 22:53 GMT+7

Tổ tiếp sức hỗn hợp điền kinh Việt Nam vẫn vượt Thái Lan, Philippines

Tổ tiếp sức 4x400m hỗn hợp điền kinh Việt Nam về thứ 4 tại giải châu Á, thành tích chỉ vượt hai đối thủ lớn nhất ở Đông Nam Á.

Phần thi chung kết tiếp sức 4x400m hỗn hợp của tuyển điền kinh Việt Nam tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 - Nguồn: AAC2023

Ngày thi đấu 15-7 Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, tuyển điền kinh Việt Nam chưa thể giành thêm huy chương. Hiện chúng ta mới chỉ có tấm huy chương đồng của Nguyễn Thị Hường ở nội dung nhảy 3 bước nữ.

Ở nội dung 400m rào, Nguyễn Thị Huyền đạt thành tích 58,36 giây, xếp thứ 5 chung cuộc. Tại giải đấu tổ chức năm 2017, Huyền từng giành huy chương vàng với thành tích 56,14 giây.

Thông số đáng chú ý nhất trong ngày thuộc về Lương Đức Phước trên đường chạy 800m nam.

Dù không giành quyền vào đấu chung kết nhưng chủ nhân tấm huy chương bạc SEA Games 32 đã đạt thông số tốt nhất năm tính đến thời điểm này với 1 phút 52,89 giây.

Trên đường chạy 800m nữ, huy chương vàng SEA Games 32 Nguyễn Thu Hà giành quyền vào đấu chung kết với thành tích 2 phút 09,31 giây.

Tổ tiếp sức 4x400m hỗn hợp Việt Nam xuất phát ở làn 8 với Trần Nhật Hoàng (bìa trái) chạy mở màn và bị hụt hơi ở khoảng 50m cuối lượt - Ảnh: NAM TRUNG

Tổ tiếp sức 4x400m hỗn hợp Việt Nam xuất phát ở làn 8 với Trần Nhật Hoàng (bìa trái) chạy mở màn và bị hụt hơi ở khoảng 50m cuối lượt - Ảnh: NAM TRUNG

Tổ tiếp sức 4x400m hỗn hợp điền kinh Việt Nam gặp bất lợi

Nội dung thi đấu được mong chờ có huy chương trong ngày của tuyển điền kinh Việt Nam là tiếp sức 4x400m hỗn hợp. Đây là nội dung mà chúng ta đã giành 2 huy chương vàng ở 3 kỳ SEA Games gần nhất và có thông số tốt nhất là 3 phút 19,37 giây - kỷ lục quốc gia.

Tuy vậy tổ đấu Việt Nam chỉ được xếp ở làn số 8 ở vạch xuất phát - làn xuất phát "không đẹp" bên cạnh những làn 1, 2 và 7. Việc sắp xếp làn xuất phát dựa theo thành tích, và những làn 3, 4, 5, 6 sẽ dành cho những ứng viên tranh chấp huy chương.

Tuyển điền kinh Việt Nam tung tổ đấu theo thứ tự xuất phát lần lượt là Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn và Hoàng Thị Minh Hạnh.

Nguyễn Thị Hằng (áo đỏ) giữ phong độ tốt, giúp tổ tiếp sức Việt Nam vượt Philippines, Thái Lan - Ảnh: NAM TRUNG

Nguyễn Thị Hằng (áo đỏ) giữ phong độ tốt, giúp tổ tiếp sức Việt Nam vượt Philippines, Thái Lan - Ảnh: NAM TRUNG

Dù đã có những lúc vươn lên trong nhóm dẫn đầu, song việc ở làn xuất phát bất lợi cũng như phong độ thi đấu không đồng đều của các chân chạy, tổ đấu Việt Nam chỉ có thể về thứ 4.

Thành tích của tổ tiếp sức 4x400m hỗn hợp Việt Nam là 3 phút 20,72 giây, kém gần 5 giây so với tấm huy chương đồng của tổ đấu Nhật Bản (3 phút 15,71 giây). 

Tấm huy chương vàng thuộc về tổ đấu Ấn Độ với thành tích 3 phút 14,70 giây. Huy chương bạc là tổ Sri Lanka với thành tích 3 phút 15,41 giây.

Vào chiều mai 16-7, tuyển điền kinh Việt Nam sẽ trông chờ vào nội dung tiếp sức 4x400m nữ với các thành viên Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Ánh Thục và Hoàng Thị Minh Hạnh.

Ở giải đấu năm 2017, tổ đấu Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Huyền từng giành huy chương vàng với thành tích 3 phút 33,22 giây.

Kết quả trong ngày thi đấu 15-7:

200m nam bán kết: Ngần Ngọc Nghĩa đạt thành tích 21,20 giây, không vào chung kết.

200m nữ bán kết: Trần Thị Nhi Yến đạt thành tích 24,00 giây, không vào chung kết nhưng đã có thông số cá nhân tốt nhất từ trước đến nay.

400m rào nữ chung kết: Nguyễn Thị Huyền đạt thành tích 58,36 giây, xếp thứ 5.

Tiếp sức 4x400m hỗn hợp chung kết: Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn, Hoàng Thị Minh Hạnh đạt thành tích 3 phút 20,72 giây, xếp thứ 4 ở chung kết.

800m nam: Lương Đức Phước đạt thành tích 1 phút 52,89 giây, không vào chung kết nhưng đã có thông số tốt nhất năm tính đến thời điểm này.

800m nữ: Nguyễn Thị Thu Hà đạt thành tích 2 phút 09,31 giây, giành quyền vào chung kết.

Nhảy xa nam chung kết: Nguyễn Tiến Trọng đạt thành tích 7,41m, xếp thứ 12.

Lịch thi đấu ngày 16-7 của tuyển điền kinh Việt Nam:

15h25: 800m nữ chung kết - vận động viên Nguyễn Thị Thu Hà.

15h35: 5.000m nữ chung kết - vận động viên Phạm Thị Hồng Lệ.

16h15: 5.000m nam chung kết - vận động viên Nguyễn Trung Cương.

17h10: tiếp sức 4x400m nữ - tổ đấu Việt Nam sẽ là 4 trong số: Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Ánh Thục, Hoàng Thị Minh Hạnh. Ở giải đấu năm 2017, tổ đấu Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Huyền từng giành huy chương vàng với thành tích 3 phút 33,22 giây.

Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 bắt đầu từ ngày 12 và kết thúc vào ngày 16-7. Các nội dung thi đấu diễn ra trên sân vận động Suphachalasai, Bangkok, Thái Lan. Các vận động viên đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á sẽ tranh tài ở 45 nội dung.

Về lực lượng, đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự giải đấu với lực lượng hùng hậu, bao gồm 20 vận động viên trọng điểm. Có thể kể đến như: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Bùi Thị Nguyên, Huỳnh Thị Mỹ Tiên, Ngần Ngọc Nghĩa, Trần Thị Nhi Yến...

Theo thống kê từ Liên đoàn Điền kinh châu Á (AAA), trong lịch sử 23 lần tổ chức Giải vô địch điền kinh châu Á (từ năm 1973 đến nay), tuyển điền kinh Việt Nam đã giành tổng cộng 17 huy chương, gồm: 7 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 6 huy chương đồng.

Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo hụt huy chương châu ÁNguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo hụt huy chương châu Á

Những tuyển thủ đẳng cấp của Việt Nam như Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo không có phong độ tốt ở Giải vô địch điền kinh châu Á 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên