Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), hiện có hai loại ý kiến khác nhau về việc tổ chức các cơ sở giam giữ.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an (Tổng cục VIII) quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ. Theo đó, Tổng cục VIII sẽ quản lý các cơ sở giam giữ cả ở trung ương và địa phương.
“Ý kiến này cho rằng tổ chức như vậy sẽ chống được bức cung, nhục hình. Tách cơ quan điều tra ra khỏi hoạt động giam giữ” - ông Thường nói.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tổ chức như hiện hành. Cụ thể cơ sở giam giữ ở tỉnh do công an cấp tỉnh quản lý, nhà tạm giữ ở huyện do công an cấp huyện quản lý. Ông Thường đề nghị giữ nguyên như hiện hành bởi qua thực tiễn cho thấy “công tác giam giữ thời gian qua không có vấn đề gì. Có một số vụ bức cung nhục hình thì chúng ta đang bàn Bộ luật tố tụng hình sự tìm cách khắc phục”.
Nếu tổ chức theo hệ thống dọc, nghĩa là tổ chức độc lập thì theo ông Thường, sẽ phải xây dựng thêm khoảng 700 cơ sở giam giữ, đầu tư kinh phí rất lớn.
“Điều quan trọng là chúng ta giáo dục đạo đức cho các cán bộ điều tra để họ làm đúng quy định pháp luật. Chứ không phải tách ra theo hệ thống dọc rồi đầu tư thêm, trong khi chúng ta đang cố gắng để giảm cơ sở giam giữ” - ông Thường nói.
Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho biết ở các nước cơ sở giam giữ cho bộ tư pháp quản lý, do đặc thù nước ta thì nên tổ chức theo hệ thống dọc trực thuộc Bộ Công an.
Ông Năm cho rằng mô hình hiện nay chỉ độc lập tương đối. Ở cấp huyện thì cán bộ phụ trách cơ sở giam giữ và cán bộ phụ trách cơ quan điều tra (thường là hai phó trưởng công an huyện) đều dưới sự quản lý chung của trưởng công an huyện, ở cấp tỉnh cũng tương tự.
Ông Năm đề xuất tổ chức quản lý cơ sở giam giữ theo mô hình của cơ quan phòng cháy chữa cháy, độc lập về tài chính và độc lập về cán bộ mới đảm bảo tính độc lập của cơ quan quản lý nhà nước về trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Qua thực tế khảo sát tại một số cơ sở giam giữ, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng nên giao Tổng cục VIII quản lý theo ngành dọc từ trung ương xuống địa phương sẽ đảm bảo khách quan hơn.
Bà Kim Chi phân tích vừa qua có nhiều ý kiến nói muốn chống bức cung, nhục hình phải trang bị máy ghi âm, ghi hình cho cơ sở giam giữ, phòng hỏi cung, nếu có tố cáo thì mở đĩa ghi âm, ghi hình ra, tuy nhiên cơ sở giam giữ trực thuộc công an cấp tỉnh và cấp huyện thì liệu đĩa ghi âm, ghi hình đó có đảm bảo khách quan không. Chính vì vậy giao Tổng cục VIII quản lý thì dư luận không có sự nghi ngờ.
Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm.
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự là 24 tháng Chiều 19-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với 433/433 đại biểu có mặt tại hội trường tán thành. Luật này quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng (quy định cũ gồm hai mức 18 tháng và 24 tháng). Đạo luật vừa được Quốc hội thông qua quy định công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi (độ tuổi gọi nhập ngũ theo quy định cũ là từ 18 đến 25 tuổi). Sáng cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua các dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đưa ra các quy định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng, của các thành viên Chính phủ; trách nhiệm và mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, nhân dân. Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định tổ chức chính quyền có đầy đủ cả HĐND, UBND ở tất cả đơn vị hành chính, chấm dứt câu chuyện tranh cãi bấy lâu là bỏ hay không bỏ HĐND. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận