05/12/2010 06:04 GMT+7

Tố cáo vi phạm hay phạm tội?

MY LĂNG - HOÀNG HOA
MY LĂNG - HOÀNG HOA

TT - Khi thảo luận về chuyện đưa clip lên mạng, cả bạn đọc và luật sư đều cho rằng phải biết tự thẩm định và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, có một số clip mà lằn ranh giữa lợi và hại quá mỏng manh, không phải ai cũng thẩm định được.

BLziYkke.jpgPhóng to

Biết ơn người dũng cảm quay clipĐưa clip lên mạng: ứng xử ra sao?

Trở lại với clip bắt gái bán dâm ở Quảng Ninh bị tung lên mạng, tạo cú sốc gây “chấn động” với cộng đồng mạng và toàn xã hội.

Truy tìm hay bảo vệ người tung clip “bắt gái mại dâm”?

Trên trang web vn.answers.yahoo.com, các thành viên tranh luận sôi nổi về câu hỏi “Tại sao phải truy tìm người tung clip đó?”. Một thành viên cho rằng: “Người tung clip này lên mạng đã góp phần tố cáo cái xấu để xã hội tốt đẹp hơn. Nếu không có người tung clip lên mạng thì ai biết vụ này đã xảy ra để xử lý các công an vi phạm? Vậy tại sao phải truy tìm họ? Chẳng lẽ người dân không có quyền tố cáo cái ác bởi nếu tố cáo thì coi là vi phạm?”. Thành viên có nick John khẳng định: “Người phát tán không có tội. Nhờ họ mà người dân mới biết được những công an đó xử lý vụ việc này như thế nào”.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng việc đưa những hình ảnh nhạy cảm về cơ thể phụ nữ lên mạng cho nhiều người xem là hành vi tàn nhẫn, thiếu tình người, xâm phạm cuộc sống cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người bị ghi hình. Luồng quan điểm này khẳng định: dù là gái bán dâm thì đó vẫn là con người và cần được bảo vệ, đối xử như với một con người. Nick thanhbinh đặt vấn đề: “Nếu người quay clip đó dùng những hình ảnh mình thu thập được mang đến cơ quan chức năng để tố cáo thì họ là người có công, được khen thưởng xứng đáng. Nhưng họ lại tung lên mạng cho mọi người xem là đã cố tình truyền bá những hình ảnh mang tính làm nhục người khác. Hành vi của họ cũng cần phải bị lên án và phải bị xử lý theo quy định pháp luật”.

Tung đoạn ghi âm lên mạng: đúng hay sai?

Trong khi vụ clip bắt gái bán dâm ở Quảng Ninh vẫn đang “đốt cháy” nhiều diễn đàn thì thế giới ảo lại xôn xao bàn tán về đoạn ghi âm văng tục, chửi thề của Đức Anh - thí sinh vừa bị loại khỏi cuộc thi Vietnam Idol. Sau đó Đăng Khoa - người chủ động ghi âm đoạn băng dài 15 phút trên - đã phải lên tiếng xin lỗi Đức Anh. Một cư dân mạng bày tỏ: “Ai trong lúc tức giận cũng có thể nặng lời. Nhưng lúc người ta tức giận, không kiềm chế được lại ghi âm rồi gửi cho người khác thì đó là trò của người không đàng hoàng”. Nhưng một số người lại cho rằng cần phải ghi những clip trên để một số nghệ sĩ điều chỉnh hành vi và cách ứng xử của mình.

Họ nói “nếu là sự thật thì cần phơi bày”. Lập tức nhiều ý kiến khác lập luận: “Phê bình cái xấu thì góp ý thẳng thắn với người ta, chưa gì đã đem ra bàn dân thiên hạ thì đâu có đáng ủng hộ”.

Không nhận thức được hậu quả

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (trưởng Ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM) nhìn nhận: “Đối với hành vi tung clip văng tục của ca sĩ Đức Anh lên mạng rõ ràng là xâm phạm bí mật đời tư người khác. Có thể người tung clip muốn cảnh báo về lối sống của một bộ phận giới nghệ sĩ hiện nay thiếu nghiêm túc. Tuy nhiên có thể nhận thấy động cơ tung clip trong trường hợp này nhằm câu khách là chính chứ không phải để giáo dục, răn đe. Pháp luật đã có những quy định điều chỉnh nhưng vẫn còn nương tay, dẫn đến tình trạng “lờn luật”. Điều đó còn cho thấy một số bạn trẻ hiện nay thiếu am hiểu về pháp luật và không nhận thức được hậu quả do hành vi mình gây ra”.

Có thể “dính” nhiều tội

Về mặt pháp luật, người (tạm gọi là A) tung clip này lên mạng sẽ bị xử lý (xử phạt hành chính, có thể bị xử lý kỷ luật, buộc bồi thường thiệt hại). Còn việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không và truy cứu về tội gì phải xét đến nhiều yếu tố khác. Ví dụ, trước hết cần phải xác định được A, quan hệ giữa A và các công an và với nạn nhân để tìm ra động cơ, mục đích của A trong việc tung clip này lên mạng là gì. Mục đích “phổ biến” văn hóa phẩm đồi trụy, mục đích tố giác hành vi vi phạm của các cán bộ Công an Cẩm Phả trong clip (công an) hay nhằm mục đích nào khác nữa (làm nhục hai cô gái bán dâm, người thanh niên mua dâm - nạn nhân)... Ta xem xét các tội mà A có thể bị truy cứu (trừ trường hợp A là người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, một học sinh lớp 1 với một chút hiểu biết tin học cũng có thể dễ dàng đưa clip này lên mạng).

1 - Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (điều 253 Bộ luật hình sự)

Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào chính thức định nghĩa thế nào là “văn hóa phẩm đồi trụy”, song theo cách hiểu truyền thống và mặc nhiên được công nhận thì các sản phẩm văn hóa (văn hóa phẩm) thể hiện dưới các hình thức phim ảnh, băng đĩa hình... có nội dung khiêu dâm... thì bị coi là “văn hóa phẩm đồi trụy”. A có thể bị truy tố về tội này nếu cơ quan điều tra nhìn nhận clip này là “văn hóa phẩm đồi trụy” và chứng minh được việc tung clip đó lên mạng là nhằm mục đích “phổ biến” cho người khác.

2 - Tội làm nhục người khác (điều 121 Bộ luật hình sự)

A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác theo điều 121 Bộ luật hình sự. Cơ quan điều tra sẽ đánh giá mức độ tác động tiêu cực của sự việc trên cho xã hội, mà quan trọng là xem xét mức độ ảnh hưởng đến nạn nhân có nghiêm trọng hay không để quyết định có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

3 - Tội đưa trái phép thông tin lên Internet (điều 226 Bộ luật hình sự)

Người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

MY LĂNG - HOÀNG HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên