01/12/2010 10:07 GMT+7

Đưa clip lên mạng: ứng xử ra sao?

H.HƯƠNG ghi
H.HƯƠNG ghi

TT - Chỉ trong một tuần (từ 16 đến 22-11) đã có ít nhất ba clip (đoạn phim ngắn) gây xôn xao và bức xúc trong xã hội. Quay và đưa clip lên mạng trong trường hợp nào là vi phạm luật? Nếu không vi phạm luật, trường hợp nào nên và không nên?

Mời bạn đọc cùng bàn thảo vấn đề này, ý kiến xin gửi về email: toasoan@tuoitre.com.vn.

8n2WTP1I.jpgPhóng to
Sàn nước nơi bà Phụng tắm “bạo hành” cho bé Thúy Ngân - Ảnh: My Lăng

Gần đây nhất là vụ clip bảo mẫu Trần Thị Phụng (Bình Dương) tắm kiểu “bạo hành” cháu bé 3 tuổi được đăng tải trên YouTube ngày 23-11. Đoạn mp3 ghi âm cuộc nói chuyện với nhiều ngôn từ rất khó nghe của Đức Anh - thí sinh dự thi Vietnam Idol - bị tung lên mạng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ.

Không lâu trước đó, ngày 16-11, dư luận phẫn nộ khi xem clip hai cô gái bán dâm phải đứng khai báo với công an trong tình trạng không một mảnh vải trên người tại Quảng Ninh.

Trào lưu clip

Đó chỉ là ba clip khiến dư luận bức xúc nhất trong vòng một tháng nay, chưa kể hàng trăm clip về bạo hành trẻ em, về cảnh phòng the hay “lộ hàng” của người nổi tiếng, hay nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo, bị sỉ nhục; cảnh sát giao thông đánh dân, tài xế taxi kéo lê cảnh sát giao thông... xuất hiện nhan nhản trên Internet trong vài năm gần đây.

Hiện tượng tự quay clip và tung lên mạng nở rộ đến mức gần như trở thành một trào lưu, một “mốt” theo cách nói của cư dân mạng. Thử gõ từ khóa “clip nữ sinh đánh nhau” trên Google, dễ dàng tìm thấy gần 30 clip cảnh nữ sinh bị một nhóm bạn đấm đá, túm tóc, tát vào mặt, lột áo, sỉ nhục trước đám đông ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ... và mới đây nhất là ở TP.HCM.

Tương tự, khi tìm kiếm “clip bạo hành trẻ em”, có thể thấy hàng chục clip ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương... và cả những clip không nêu địa danh.

Người dân tham gia đẩy lùi cái xấu

Trở lại với clip người giữ trẻ ở Bình Dương hành hạ bé Thúy Ngân vừa xảy ra mấy ngày trước, được cho là của một công nhân quay bằng điện thoại di động. Chỉ vài giờ sau khi đoạn clip trên được tung lên mạng, các cơ quan chức năng đã truy tìm và xác định được vị trí nội dung trong clip là tại nhà bảo mẫu Trần Thị Phụng ở Thuận An, Bình Dương.

Ngày 26-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận An đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bà Trần Thị Phụng để điều tra về hành vi “hành hạ người khác”.

Cách đây hơn nửa năm, tháng 5-2010, dư luận và cộng đồng mạng phẫn nộ khi xem clip ghi lại cảnh người giữ trẻ hành hạ dã man một em bé khoảng 3 tuổi đăng trên một tờ báo điện tử. Ghê rợn nhất là cảnh người phụ nữ này liên tiếp đánh, đá vào mặt và đứng hai chân lên lưng đứa trẻ đang nằm sấp dưới đất gào khóc. Clip không cho biết địa điểm và tên của những người trong phim, chỉ có thể phỏng đoán hiện trường là một nhà trẻ tư nhân tự phát.

Chỉ trong tháng 2-2010, cư dân mạng đã xôn xao ba clip quay bằng điện thoại di động ghi lại cảnh cảnh sát giao thông bị tài xế taxi và xe hơi hất lên capô hoặc kéo lê trên phố. Chủ nhân của những clip trên là những người chứng kiến vụ việc, muốn ghi lại hình ảnh để có bằng chứng cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý người vi phạm.

Anh Long - người quay clip tài xế xe tải đánh võng và kéo lê cảnh sát giao thông trên đoạn đường dài 0,5km ngày 3-2 - cho biết khi thấy tài xế cố ý muốn hất người cảnh sát giao thông xuống đường, vì sợ xảy ra án mạng nhưng không có bằng chứng nên lấy điện thoại quay lại vụ việc rồi gửi cho một số báo mạng đăng tải.

Trước đó tháng 4-2008, một tờ báo điện tử đã nhận được clip quay cảnh sát giao thông nhận hối lộ trên đường Lạc Trung (Hà Nội) do một bạn đọc cung cấp. Ngay khi đoạn clip được đăng, lãnh đạo đội cảnh sát giao thông số 4 đã xác nhận người trong clip là thiếu úy N.H.H. (24 tuổi), mới về nhận công tác tại đội 4 từ năm 2005. Năm ngày sau khi đoạn clip bị tung lên mạng, Công an Hà Nội đã tạm đình chỉ thiếu úy N.H.H. để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Đoạn clip đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Một số bạn đọc đưa ra sáng kiến phát động phong trào quay video clip đối với những hành vi tương tự nhằm tố cáo tiêu cực, đồng thời làm bằng chứng xử lý cán bộ vi phạm.

Một bạn đọc đề xuất: “Trị bệnh này không khó, chỉ cần Bộ Công an phát động trên các phương tiện thông tin đại chúng phong trào trao thưởng 10 triệu đồng/clip cho bất kỳ công dân nào chứng minh được việc cảnh sát giao thông ăn tiền mãi lộ. Cảnh sát giao thông vi phạm không những chịu kỷ luật mà phải đóng tiền phạt để làm quỹ trao thưởng cho các clip trên. Hiện nay việc quay phim, ghi âm cảnh sát giao thông “ăn bẩn” thế này không khó”.

Người nhà phản đối, hàng xóm đồng tình

Trưa 28-11, chúng tôi trở lại nhà bà Trần Thị Phụng (Bình Dương). Khi nhắc đến sự việc vừa qua, ông Trần Văn Đỏ - chồng bà Phụng - nói với vẻ bức xúc: “Nếu vợ tui làm gì sai thì nói để bả sửa chớ sao lại lén lút quay như vậy? Nhà tui sao được phép quay?”.

Còn những người hàng xóm của bà Phụng không giấu được nỗi ghê sợ khi nhắc tới những hành động của người phụ nữ này trong clip. Một nữ công nhân bức xúc: “Cũng hên là nhờ có người quay được clip ấy đưa lên mạng cho nhiều người biết. Nếu không, không biết mấy đứa nhỏ còn bị hành hạ tới chừng nào nữa”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người quay clip trên là một nam công nhân ở gần nhà bà Phụng. Vì bất bình trước cảnh đối xử tàn bạo với trẻ con nên anh đã quay lại và đưa lên mạng để gây sự chú ý của các cơ quan chức năng và cả xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên. Những lần trước đó đều bị bà Phụng và người nhà phát hiện, lớn tiếng chửi bới và có lần còn định đập điện thoại của người quay.

P8tAJSub.jpgPhóng to
DlpK2iro.jpg
uHRqGSKr.jpg
Người dân tham gia đẩy lùi cái xấu bằng clip. Cảnh sát giao thông nhận tiền (trên), bảo mẫu hành hạ trẻ em (giữa) và cảnh sát giao thông bị xe kéo đi - Ảnh chụp từ clip

Phát tán rất nhanh

Cô nữ sinh Trương Thị Thu Trinh (lớp 8A5 Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM) đến bây giờ vẫn chưa hết buồn bã, mệt mỏi sau khi đoạn clip bị bạn đánh hội đồng tung lên mạng. Trinh cho biết ba lần bị nhóm bạn trên đánh thì hai lần đều bị nhóm bạn này lấy điện thoại quay phim lại.

Clip đầu tiên sau đó được các bạn thông báo đã xóa. Nhưng lần bị đánh thứ ba thì đoạn clip này đã được gửi bằng bluetooth cho rất nhiều học sinh trong trường và cả những người bên ngoài cùng xem. Kể từ khi đoạn clip bị lộ, một số phóng viên phát hiện, đưa tin, đưa clip này lên mạng thì cộng đồng mạng thật sự xôn xao, ai cũng tò mò muốn xem hình ảnh nữ sinh đánh nhau, bắt bạn lột áo... diễn ra thế nào.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, nữ sinh tên P. - người quay clip trên - giải thích: “Em không ý thức được hậu quả do hành vi mình gây ra. Em quay phim chỉ để truyền cho các bạn khác cùng xem chứ không có ý tung lên mạng. Em không ngờ nó lại bị phát tán lên mạng nhiều như thế”.

Và hậu quả là nỗi đau về thể xác lẫn cú sốc về tinh thần khiến nạn nhân đớn đau. Thu Trinh buồn bã kể: “Khi biết đoạn clip đó được các bạn trong trường truyền cho nhau xem, em rất buồn và xấu hổ. Nhưng đến khi nó xuất hiện đầy rẫy trên mạng, em sốc lắm, không muốn đi học. Dù biết mình chỉ là nạn nhân nhưng em vẫn sợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của em sau này”.

Bạn đọc Khánh Phong (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhìn nhận: “Việc đưa clip lên mạng đã đem đến những yếu tố tích cực như nhanh chóng phản ánh các vấn đề nóng bỏng, nhức nhối trong xã hội, tạo hiệu ứng kịp thời. Chẳng hạn clip bảo mẫu hành hạ trẻ em ở Bình Dương đã giúp cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc tìm ra thủ phạm.

Tuy nhiên cũng có những clip sốc, mang tính giật gân như clip nữ sinh đánh nhau, bắt bạn cởi áo... Dưới góc độ văn hóa thì những clip này chẳng khác nào một liều thuốc độc. Việc tung clip này lên mạng không chỉ thể hiện sự ích kỷ, hiếu thắng mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, danh dự của nạn nhân”.

TS tâm lý Trần Thị Thu Mai (phó trưởng khoa tâm lý - giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM):

Sao không có hành lang pháp lý chặt chẽ?

Xã hội ngày càng hiện đại, thanh thiếu niên được trang bị các phương tiện kỹ thuật tiện dụng nên họ dễ dàng thực hiện việc quay clip. Thật ra việc đưa clip lên mạng có hai mặt. Mặt tích cực chưa thể hiện rõ lắm, còn mặt tiêu cực thì lại khá nhiều, thể hiện bằng hàng loạt clip “đen” phát tán trong thời gian gần đây.

Nhiều bạn trẻ ngày nay có xu hướng sống phô trương và họ tìm mọi cách để được nhiều người biết đến. Có người cho bạn mình quay clip lúc đang tắm hoặc lúc đang quan hệ tình dục rồi sau đó đưa lên mạng cho nhiều người cùng xem. Đã xem thì sẽ có sự bàn tán. Bàn tán rồi sẽ truy ra nhân vật trong clip là ai.

Cứ như thế, tự nhiên nhân vật trong clip và cả nhân vật quay clip lại “nổi tiếng”. Sự “nổi tiếng” này giống như một sự kích thích khiến nhiều bạn trẻ khác bắt chước theo.

Có thể nhiều người sẽ đặt câu hỏi: tại sao bạn trẻ không quay những clip có nội dung tích cực như một chuyến đi về nguồn, một ngày làm công tác xã hội ở trung tâm nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ hay một hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường? Vì một số bạn trẻ cho rằng những hoạt động ấy “thường” quá, phải là clip sex mới lạ, mới hay, mới thể hiện bản lĩnh.

Tôi vẫn thường đặt câu hỏi: giới trẻ bây giờ rất coi trọng đời sống trên mạng thì tại sao lại không có một hành lang pháp lý chặt chẽ về những hoạt động trên mạng? Những nội dung gì thì được đưa lên mạng và cái gì không được đưa lên? Nếu vi phạm thì sẽ bị luật pháp trừng trị như thế nào?

Chứ cứ như hiện tại, nhiều người quay lén những cảnh không hay của người khác rồi phát tán trên blog nhằm mục đích bôi nhọ nhau thì không thể chấp nhận.

H.HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên