Đưa clip lên mạng: ứng xử ra sao?
Phóng to |
Thầy giáo Bùi Như Lạc nổi tiếng trên cộng đồng mạng về giảng bài vật lý bằng nhạc rap - Ảnh: internet |
Tôi chưa từng tưởng tượng được lại có những con người với lối sống, cách hành xử thô bạo và lệch lạc như những gì diễn ra trong các clip gần đây. Nên trước hết, tôi thật sự biết ơn những người đã dũng cảm quay clip và đưa lên mạng. Đề cập cái xấu là hành động đầu tiên trên con đường tố cáo cái xấu.
Tất nhiên, có nhiều động lực để một người đưa một clip nóng lên mạng hoặc chuyển clip nóng đó cho người khác, nhưng cơ bản những người tham gia “chuỗi cung ứng” ấy đều hiểu rằng họ đang lưu chuyển một sản phẩm ghi lại cái xấu, cái đáng bị lên án. Xem như đây đã là tính thiện trong mỗi người.
Chính vì tính “khốc liệt” của các clip cũng như sự tham gia của phần lớn cộng đồng vào việc xem, bình luận và lưu chuyển clip, sức mạnh của dư luận được hình thành theo. Những lời bình luận, lên án của cộng đồng đã lôi kéo nhiều cơ quan chức năng vào cuộc.
Quan trọng hơn, sức mạnh của dư luận trong trường hợp này đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh tới những người đang phạm phải cái xấu được đề cập trong clip, cũng như cảnh báo xã hội về một trào lưu hay hành vi sai lệch mà chúng ta cần phải đề phòng, tránh xa.
Mặt tích cực của việc đưa clip “sự kiện nóng” lên mạng đã rõ, nhưng không phải nó không có những tác động xấu. Trước hết là sự thiếu nhận thức ở một số “khán giả”, nhất là đối tượng người xem đang còn là học sinh.
Chưa đủ nhận biết và chưa đủ khả năng bài trừ cái xấu, các bạn trẻ này có vẻ như xem đó là một phong trào đang... nóng, và thế là những lời hò reo kiểu “cởi áo nó đi để quay phim” càng ngập tràn trong các clip về sau. Quay clip, tung clip lên mạng vì thế trở thành “thú vui” lệch lạc của một số bạn trẻ.
Chỉ xét trong phạm trù cách cư xử giữa người và người, ngày càng có nhiều người dùng việc quay, tung clip làm vũ khí để hăm dọa lẫn nhau. “Tao đưa mày lên mạng bây giờ!” đã trở thành một kiểu dằn mặt. Vì vậy thay vì hình thành ý thức bài trừ cái xấu từ clip, người ta lại cảnh giác, nghi kỵ và đề phòng lẫn nhau. Đó là chưa tính đến việc có kẻ sẽ dùng clip nóng để uy hiếp, tống tiền.
Các hệ quả xấu tác động đến nạn nhân trong clip, như trường hợp nữ sinh bị bạn đánh, cởi áo, cũng là một điều quan trọng mà những người quay, đưa clip lên mạng và lưu chuyển clip cần lưu tâm. Cần ý thức được rằng việc đưa clip “ra ánh sáng” là một hành động bảo vệ nạn nhân, chứ không phải làm cho họ... nổi tiếng để rồi phải sống khổ sở với những tai tiếng không đáng có từ clip.
Việc mỗi công dân trở thành một “nhà báo”, tham gia việc tố cáo và ngăn chặn cái xấu là rất đáng khích lệ. Nhưng “nhà báo” cũng như bao nghề nghiệp khác phải có đạo đức, phải thể hiện được trách nhiệm với sản phẩm của mình và với xã hội.
Thầy Bùi Như Lạc - Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, giáo viên trẻ nổi tiếng với việc sáng tác nhạc rap để dạy vật lý: Việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học đang ngày càng nhiều. Chỉ cần 1-2 triệu đồng là có ngay một cái điện thoại có đầy đủ chức năng quay phim và xem phim. Nhà trường muốn cấm cũng khó thực hiện vì chính phụ huynh lại muốn con mình sử dụng điện thoại để dễ quản lý. Lứa tuổi học trò thường thích những cái mới lạ. Học trò của tôi cũng thường quay lén những cảnh bạn ăn vụng hay ngủ trong lớp rồi đưa lên Facebook cho nhiều người bàn tán. Tôi cũng tham gia Facebook, để ý thấy những bài viết tếu tếu của mình được rất nhiều người comment (bình luận), còn những bài viết nghiêm túc thì ít người comment. Lứa tuổi học sinh các em chưa suy nghĩ được sâu xa, cứ thấy nhiều người quan tâm đến “sản phẩm” của mình là thích. Bởi vậy mới có chuyện ngày càng có nhiều clip đen phát tán trên mạng. Khổ nỗi những clip đen này không bị cộng đồng mạng tẩy chay, phản đối mà lại được đón nhận nồng nhiệt. Điều này gây ra sự ngộ nhận trong giới trẻ, các bạn lại càng muốn tung ra những clip tương tự để chứng tỏ mình, để “chơi nổi”. Đáng lẽ ra học sinh phải biết được rằng việc quay những cảnh “nóng” của người ta (hoặc của mình) rồi đưa lên mạng là việc làm trái với thuần phong mỹ tục của người VN. Như mới đây, cộng đồng mạng truyền nhau clip “nữ sinh tắm tiên”, tôi phê phán nhân vật chính trong phim đã cố ý để bạn quay phim lúc mình đang tắm thì ngay lập tức học trò của tôi phản đối: “Vui mà thầy, có gì đâu”. Tôi nghĩ nếu có một đơn vị nào đó tổ chức cuộc thi clip (hoặc tự viết kịch bản, làm phim) có nội dung mang tính lành mạnh sẽ hạn chế bớt những clip đen. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận