05/09/2015 08:11 GMT+7

​Tinh thần ngày khai giảng

DƯƠNG THU TRANG
DƯƠNG THU TRANG

TT - “Tinh thần tổ chức khai giảng gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo được ý nghĩa quan trọng nhất là tạo cho học sinh cảm giác thật sự vui vẻ, hào hứng trong ngày đầu tiên của năm học mới”.

Học sinh trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè chuẩn bị lễ khai giảng sáng 5-9
Học sinh trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè TP.HCM chuẩn bị lễ khai giảng sáng 5-9 - Ảnh: Như Hùng

Hôm nay ngày 5-9-2015, cả nước cùng tổ chức lễ khai giảng theo định hướng mới của Bộ GD-ĐT trên đây.

Hi vọng sự khởi sắc về tư duy ngày khai trường sẽ mở đầu cho những triển vọng mới trong ngành giáo dục để “học sinh cảm giác thật sự vui vẻ, hào hứng” không chỉ ngày đầu tiên của năm học mới mà suốt chuỗi ngày cắp sách đến trường.

Niềm tin ấy càng được củng cố khi những thông điệp trong thư Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2015-2016 nhấn mạnh rằng:

“Cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ảnh, góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội”. 

Như vậy vấn đề còn lại là hành động. Chúng ta cần mang tinh thần khai giảng vào hoạt động giáo dục, phải “đảm bảo được ý nghĩa quan trọng nhất là tạo cho học sinh cảm giác thật sự vui vẻ, hào hứng” trong học tập và sinh hoạt.

Cần đặt ra mục tiêu là đem đến cho mỗi học sinh tối đa tri thức mà các em có thể tiếp nhận bằng cách thúc đẩy sở thích học hỏi, óc tò mò, tinh thần cởi mở, ý niệm về nỗ lực; giúp các em nhận ra sự tự tin là xung lực chính của hành trình tìm kiếm tri thức.

Trong mỗi đứa trẻ có một khả năng tiềm tàng chỉ chờ được khai phá, có một trí thông minh riêng chờ được phát triển. Chỉ khi tìm và hiểu được, chúng ta mới không thúc ép trẻ, không nhấn chìm trẻ trong biển kiến thức để rồi các em không thể tìm thấy niềm vui khi đến trường. 

Chúng ta biết rằng có một sự khác biệt lớn giữa giáo dục thế kỷ 20 và thế kỷ 21. Đó là việc hiện thực hóa phương châm “lấy người học làm trung tâm”.

Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của đổi mới giáo dục hiện nay. Phương châm này có ý nghĩa cả về mặt khoa học lẫn tính nhân văn dựa trên những bằng chứng của tâm lý, giáo dục và xã hội.

Và để điều này đi vào thực tiễn, học sinh cần được tạo cơ hội để đặt câu hỏi, để nghi ngờ, phản biện... để tự tìm tòi và phát hiện thực tế. Đó là những điều cần cho cuộc đời các em sau này. 

Vì vậy, giáo viên không chỉ là “tháp ngà” trí thức, mà quan trọng hơn là người truyền cảm hứng, đem lại cho học sinh một sự hứng khởi học tập.

Bởi lẽ bản chất của giáo dục là một quá trình dân chủ giữa thầy và trò cùng bước vào lâu đài trí thức, cùng hỗ trợ, khích lệ, tác động lên nhau chứ không phải là sự áp đặt kiến thức. Làm được điều đó, chúng ta đã gieo vào trẻ sở thích nỗ lực, giúp các em được tưởng thưởng niềm vui học tập.

Học sinh cần tìm thấy niềm vui khi đến trường vì trường học là của các em. Trường học được tạo ra để con trẻ gặp gỡ, học tập, vui chơi và hưởng hạnh phúc.

Con trẻ cần được đối xử công bằng cho dù em học chậm hay em bị khiếm khuyết cơ thể… Có như thế, chúng ta mới giúp các em cảm nhận được ý nghĩa của thông điệp “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. 

DƯƠNG THU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên