17/06/2009 11:56 GMT+7

Tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành: điều trị ngay!

Bác sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆTPhòng khám nam khoa-BV Đại học Y dược TP.HCM
Bác sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆTPhòng khám nam khoa-BV Đại học Y dược TP.HCM

TTO - Năm nay tôi 22 tuổi, tinh hoàn ẩn của tôi bên phải nằm ở bẹn, từ nhỏ tinh hoàn của tôi lâu lâu to lên và có xu hướng di chuyển xuống nên gây cảm giác đau. Tôi thường nằm nghỉ cho tinh hoàn không di chuyển nữa.

Tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành: điều trị ngay!

Tôi vẫn xuất tinh bình thường nhưng không biết chất lượng tinh trùng thế nào. Tôi đọc nhiều báo thì người ta khuyên nên mổ, nhưng giờ tôi đã 22 tuổi rồi nếu mổ sẽ như thế nào? Nguy cơ bị ung thư tinh hoàn của tôi sẽ có không? Phải cắt bỏ tinh hoàn ẩn hay đưa xuống vị trí của nó? Nếu cắt bỏ tôi có thể dùng tinh hoàn nhân tạo thay thế được không? Tinh hoàn còn lại có thể phát triển bình thường không? Tôi đang là sinh viên nên hiện chưa có khả năng điều trị, vây nếu tôi để 1 hay 2 năm nữa thì sẽ ảnh hưởng lớn gì không? Chi phí cho điều trị như thế nào?

Đ.T.Đ.T.

* Em có anh trai bị bệnh tinh hoàn bên trái nằm trong ổ bụng, nhưng do sống ở nông thôn nên không biết nhiều thông tin về bệnh đã để bệnh như thế đến hiện nay. Hiện nay anh hay bị đau vùng bẹn bên trái và tinh hoàn đó hay nhô lên làm anh rất đau không làm việc nặng được. Cho em hỏi có cách nào để anh khỏi đau nữa không?

Em nghe nói có thể phẫu thuật mang ra ngoài được phải không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản sau này không vì anh em vẫn chưa có con. Năm nay anh của em đã 25 tuổi.

Hong Loan Vo

- Trả lời của phòng mạch online:

Chào anh,

Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn nằm trên đường đi của nó ở thời kỳ thai nhi mà không xuống ở bìu, vì vậy không sờ thấy tinh hoàn trong bìu. Tinh hoàn ẩn có thể sờ chạm được nếu nằm ở bẹn, những trường hợp tinh hoàn ẩn nằm trong bụng thì không sờ chạm được.

Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị khi bệnh nhân được một tuổi. Vì sau một tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống bìu được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi. Tinh hoàn sẽ bắt đầu teo đi và xuất hiện các biến chứng như xoắn tinh hoàn, ung thư hóa và vô sinh nếu tinh hoàn ẩn hai bên.

Một số trường hợp bệnh nhân để muộn tới sau tuổi dậy thì mới đi khám bệnh. Lúc này tinh hoàn ẩn thường đã bị teo nhỏ. Điều trị lúc này là phẫu thuật cắt tinh hoàn vì tinh hoàn đã mất chức năng và để ngừa nguy cơ ung thư hóa của tinh hoàn ẩn, sau đó đặt tinh hoàn nhân tạo. Tuy nhiên, nếu tinh hoàn ẩn vẫn còn tương đối lớn và nằm thấp ở gần bìu, có thể giữ lại tinh hoàn bằng phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nhưng cần theo dõi kỹ vì nguy cơ ung thư hóa có thể xảy ra sau đó.

Nguy cơ ung thư của tinh hoàn ẩn cao gấp 40 lần tinh hoàn ở vị trí bình thường.

Trong tất cả các trường hợp ung thư tinh hoàn thì ung thư tinh hoàn xảy ra trên tinh hoàn ẩn chiếm 10%.

Vì vậy, khi phát hiện bị tinh hoàn ẩn thì nên đi khám để được điều trị sớm, không nên chần chừ gì nữa.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

Bác sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆTPhòng khám nam khoa-BV Đại học Y dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên