15/03/2018 10:38 GMT+7

Tính gương mẫu của người lớn giáo dục trẻ lòng khoan dung

NGUYỄN AN CHẤT  - VŨ VIẾT TUÂN ghi
NGUYỄN AN CHẤT - VŨ VIẾT TUÂN ghi

TTO - Bàn tiếp về câu chuyện xây dựng văn hóa khoan dung, các chuyên gia cho rằng nên bắt đầu từ gia đình và sự nêu gương của người lớn để giáo dục lòng vị tha cho trẻ, từ đó tăng tinh thần vị tha và khoan dung trong xã hội.

Tính gương mẫu của người lớn giáo dục trẻ lòng khoan dung - Ảnh 1.

Thành viên Quỹ vì hòa bình Hàn Quốc - Việt Nam giao lưu với học sinh Trường tiểu học Phan Bôi (Điện Bàn) trong chương trình Xin lỗi Việt Nam, đến thắp hương tưởng niệm các nạn nhân bị lính Hàn thảm sát tại bia tưởng niệm Phong Nhất, Phong Nhị - Ảnh: T.B.D.

Lòng bao dung và vị tha luôn cần thiết trong mọi xã hội chứ không riêng xã hội hiện đại này. Người Việt Nam đã có tinh thần ấy từ lâu đời, thể hiện rõ sau khi kết thúc các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chúng ta luôn bày tỏ lòng hòa hiếu. 

Và từ xưa, các cụ đã dạy "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" cũng nhằm răn dạy, giáo dục lòng khoan dung cho con cháu.

Tính gương mẫu của người lớn giáo dục trẻ lòng khoan dung - Ảnh 2.

Ông Nguyễn An Chất

Vị tha và khoan dung là món quà lớn nhất cho mình và người khác. Những người nhận được sự vị tha và khoan dung có thể sẽ làm được điều kỳ diệu. Một lời nói thôi có thể làm thay đổi cuộc đời một người theo hướng tích cực và tiêu cực khác nhau. 

Một câu nói làm người ta tổn thương có thể gây ra hậu quả khó lường. Nhưng một câu nói động viên, khích lệ sẽ làm người khác thay đổi thành người tử tế.

Tuy nhiên, dù luôn ẩn chứa trong mỗi con người nhưng trên bình diện xã hội, những biểu hiện của lòng khoan dung, vị tha dù vẫn có nhưng chưa nhiều. Có thể một phần bởi chúng ta còn loanh quanh chưa thoát khỏi được tư duy và tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ. 

Nhiều người thường nghĩ đến lợi ích cá nhân như muốn xây nhà to hơn, mua xe đẹp hơn nhà hàng xóm thay vì chung tay làm những việc để cộng đồng cùng được hưởng lợi ích chung. Hơn nữa, vị tha còn là mỗi người tự biết nhìn nhận những thiếu sót của mình mới cần thiết, chứ nếu chỉ nhìn những thiếu sót của người khác thì quá dễ dàng.

Tinh thần vị tha và khoan dung phải được giáo dục thông qua các hành động cụ thể ngay từ gia đình. Khi các cháu còn nhỏ đến khi lớn lên thành người đều muốn niềm vui, nỗi buồn của các cháu được người thân chia sẻ, muốn người thân vị tha và khoan dung. 

Một cháu bé khi được nghe hoặc chứng kiến những hành động vị tha của người lớn thì sẽ nhớ và sẽ học cách để làm những việc tử tế như vậy cho cộng đồng. Còn sự đay nghiến, chì chiết sẽ chỉ làm thui chột tính nhân bản của các cháu.

Vậy nên, muốn tăng tinh thần vị tha và khoan dung trong xã hội thì nên bắt đầu từ mỗi gia đình. Người lớn như cha mẹ, thầy cô giáo, cơ quan chức năng, người lãnh đạo... trước tiên hãy làm gương thể hiện lòng vị tha, khoan dung thông qua những việc làm cụ thể hằng ngày. 

Trong đó, khởi nguồn để giáo dục lòng vị tha cho trẻ nhỏ thường bắt đầu từ chính những ông bố, bà mẹ trong gia đình rồi mới đến các thầy cô giáo và người lớn.

Hãy giáo dục thế hệ trẻ bằng tấm lòng vị tha. Một xã hội được xây dựng trên nền tảng của lòng vị tha, khoan dung sẽ giảm bớt bạo lực, bớt tiêu cực và tốt đẹp hơn.

Nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình:

Khoan dung từ hành xử mỗi ngày

14-3 trinh hoa binh

Ông Trịnh Hòa Bình - Ảnh: V.D.

Tinh thần nhân văn, từ bỏ vị kỷ của con người để xã hội được kết nối với nhau là mảnh đất tốt lành để lòng khoan dung cất cánh. Trong bối cảnh đất nước chúng ta vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới thì phải có đủ chiều mở của lòng khoan dung. Chính lòng khoan dung sẽ làm cho mỗi người Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.

Nhưng với thực tế đang diễn ra trên đất nước ta hiện nay, nhiều người băn khoăn có phải người Việt ưa bạo lực và ngày càng hung hãn hơn, khép kín tấm lòng với nhau hơn, nhìn người khác một cách e dè, sợ sệt hơn?

Những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, xung đột lợi ích dẫn đến nghi kỵ lẫn nhau là câu chuyện có thật. Nên khi nói về lòng khoan dung, chúng ta đừng nói quá sẽ sa vào sự giả dối. Điều quan trọng hơn là trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người cần hành xử với nhau bằng lòng khoan dung từ những điều bình thường nhất, trước khi nói đến khoan dung cùng bạn bè quốc tế.

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Nêu cao tính gương mẫu

tq

Ảnh: V.Dũng

Chiến tranh là điều đã xảy ra, nhưng mong muốn chung của nhân loại là hòa bình, hữu nghị. Câu chuyện ở Hà My vừa rồi không nằm ngoài xu thế chung đó. Chúng ta không lãng quên quá khứ nhưng sẽ tưởng nhớ đến sự việc đau thương trong quá khứ với một ý thức trách nhiệm và tinh thần khoan dung.

Nhiều quốc gia từng thù địch với chúng ta trong quá khứ hiện đã trở thành những đối tác tích cực. Với những bạn trẻ chưa từng trải qua chiến tranh thì đây là những câu chuyện mang lại nhiều cảm xúc và bài học sâu sắc.

Nhưng làm sao để xây dựng lòng khoan dung với chính quá khứ của đất nước chúng ta là băn khoăn của nhiều người. Chúng ta có thể hòa giải với các quốc gia từng là thù địch, nhưng sự hòa giải với chính quá khứ của chúng ta lại chưa trọn vẹn.

Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm, nhưng ở đâu đó vẫn còn nhiều thù hận. Cả hai phía cần làm nhiều hơn để vượt qua sự thù hận của quá khứ vì lợi ích lâu dài của dân tộc là sự hòa hợp.

Lòng khoan dung bắt nguồn từ tính nhân bản của con người. Nhưng con người luôn phải đứng trước sự lựa chọn và lợi ích. Nói chữ khoan dung thì dễ nhưng để xây dựng trong thực tế thì không đơn giản mà phải có nền tảng văn hóa.

Cách giáo dục lòng khoan dung tốt là phải nêu cao tính gương mẫu. Nhưng tiếc rằng những biểu hiện của tính gương mẫu khi thể hiện lòng khoan dung lại chưa được thấy nhiều trong thực tế.

NGUYỄN AN CHẤT - VŨ VIẾT TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên