12/05/2011 03:46 GMT+7

Tính đủ để chỉ thu một khoản

TS HỒ THIỆU HÙNG
TS HỒ THIỆU HÙNG

TT - TP.HCM vừa bị chất vấn về các khoản thu ngoài học phí và bị cho là vi phạm điều 105 của Luật giáo dục, theo đó, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, không được thu khoản nào khác.

Thu học phí và nhiều khoản khác ngoài học phí từ lâu nay là vấn đề hết sức tế nhị và phức tạp, có nguồn gốc chủ quan và khách quan. Dân cư có các mức thu nhập khác nhau nhưng con em hầu hết học chung một kiểu trường công lập, đóng học phí theo cùng một mức được xác định theo nguyên tắc của nghị định 49 là “từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng”.

Nếu cứ chiếu y nguyên tắc trên chắc chắn hầu hết các trường mầm non và phổ thông của thành phố đã không thể có bộ mặt sáng sủa và chất lượng hoạt động khả quan như ngày nay ta đang thấy. Mức học phí mà lâu nay đã được giữ ổn định để an dân là nhà trẻ 50.000 đồng/học sinh/tháng (hệ công lập tự chủ tài chính 250.000 đồng), mẫu giáo 40.000 đồng (hệ công lập tự chủ tài chính 200.000 đồng), THCS 15.000 đồng (hệ công lập tự chủ tài chính 90.000 đồng), THPT 30.000 đồng (hệ công lập tự chủ tài chính 110.000 đồng) đã bị chìm nhanh, chìm sâu so với giá điện, nước, xăng dầu, thực phẩm, thuốc men...

Điều này có nghĩa là thu nhập của những người hoạt động trong ngành giáo dục - đào tạo, vốn được coi là quốc sách hàng đầu, cũng đang chìm nhanh, chìm sâu! Xin nhắc là GDP/đầu người tại TP.HCM khoảng 2.100 USD/năm 2010, như vậy học phí tính theo nguyên tắc của nghị định 49 là 5% x 2.100 USD = 105 USD/năm hay khoảng 200.000 đồng/tháng.

Trong năm học 2011-2012, nếu không có thay đổi mạnh mẽ, chúng ta sẽ đứng trước tình thế: nếu thực hiện nghiêm điều 105 Luật giáo dục thì các trường công lập một buổi sẽ không duy trì được hoạt động bình thường mà sẽ sống dở chết dở. Khó mà tin các trường sẽ chọn con đường này. Còn muốn duy trì hoạt động với chất lượng trước kia thì phải “phá rào”: trường - bằng các khoản thu thông qua hội cha mẹ học sinh, bằng các lớp tăng cường, thầy cô - bằng tăng cường dạy thêm, dạy kèm, cha mẹ - bằng cách kín đáo đưa bao thư...

Hậu quả là gì? Chất lượng dạy và học trong giờ lên lớp chính thức sẽ xuống dốc cùng với vị trí người thầy. Do phải luôn tìm cách lách luật, tâm lý coi thường phép nước càng được... “củng cố”, kỷ cương càng lỏng lẻo. Tâm lý giáo viên càng chán nản vì thấy giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu chỉ tồn tại trên lời nói.

Quốc hội, Chính phủ phải nhanh chóng sửa đổi các điều luật, các nguyên tắc cũ kỹ đã bị thực tiễn vượt qua. Phải xác lập một nguyên tắc mới để tính học phí: giáo viên muốn sống bằng lương ở mức bình quân chung của địa phương thì cần bao nhiêu tiền một tháng, trường muốn hoạt động đúng theo điều lệ thì cần định mức chi bao nhiêu tiền/học sinh/tháng.

Trong đó ngân sách chi được bao nhiêu phần trăm, số còn lại sẽ do người dân đóng góp thông qua học phí và chỉ một khoản này thôi, không huy động thêm khoản này khoản nọ dưới danh nghĩa này, danh nghĩa khác. Tính đủ để chỉ thu một khoản, thật rõ ràng và công khai. Và xin Hội đồng nhân dân thành phố - tổ chức có quyền quyết định mức học phí - đừng quên rằng học phí này phải được điều chỉnh hằng năm theo mức trượt giá. Có vậy giáo viên mới thấy mình không bị bỏ quên.

TS HỒ THIỆU HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên