01/03/2017 11:09 GMT+7

Tính chuyện giảm thuế để hạ giá xe hơi

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Trước sức ép phải cắt giảm sản xuất, hoặc không thể sản xuất xe hơi khi thuế nhập khẩu về 0% năm 2018, Bộ Công thương đưa ra ba nhóm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô, tập trung giảm thuế và hỗ trợ sản xuất nội địa.

Với nhiều chính sách quan trọng sắp được Bộ Công Thương trình Chính phủ, hy vọng giá xe ô tô sẽ giảm. Ảnh: Việt Dũng
Với nhiều chính sách quan trọng sắp được Bộ Công thương trình Chính phủ, hi vọng giá xe ô tô sẽ giảm - Ảnh: Việt Dũng

Chủ trì buổi tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức chiều 28-2, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến các doanh nghiệp để sắp tới trình Chính phủ Nghị định phát triển về sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô.

Ông nhấn mạnh mục tiêu chủ yếu trong phát triển ngành công nghiệp ôtô là duy trì sản xuất trong nước và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ưu tiên sản xuất trong nước

Theo đó, Bộ Công thương đưa ra ba nhóm giải pháp để phát triển công nghiệp ôtô trong thời gian tới. Giải pháp đầu tiên là tạo dựng thị trường cho các nhà sản xuất ôtô trong nước trên cơ sở khuyến khích sử dụng xe ôtô sản xuất trong nước, bảo hộ hợp lý thị trường xe.

Ông Trương Thanh Hoài - vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương - cho biết sẽ nghiên cứu để có các biện pháp bảo hộ hợp lý thị trường thông qua hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại như giá khai báo thuế, gian lận CO nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan.

Để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, sẽ có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như với xe sản xuất trong nước.

Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung vào việc hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo đó, bộ tính tới việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng, hài hòa các tiêu chuẩn. Đối với thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng, cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh thuế theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ôtô thành phẩm.

Ông Hoài cho biết thêm Bộ Công thương đã phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỉ lệ nội địa hóa cao, tức không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước.

Theo đánh giá của bộ, đây sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.

Nhóm giải pháp thứ ba là tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô hợp tác tạo liên kết với các doanh nghiệp nội địa tham gia sản xuất phụ tùng, linh kiện trong nước.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Không hỗ trợ, doanh nghiệp khó sống

Những đề xuất trên được đưa ra khi nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô khẳng định, nếu không có chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước khó có thể tồn tại sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong ASEAN về 0%.

Theo đó, thay vì sản xuất trong nước để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp phải chuyển hướng sang nhập khẩu.  

Ông Toru Kinoshita - tổng giám đốc Công ty Toyota VN - cũng là chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng với quy mô và sản lượng xe hiện tại, nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa suốt hơn 20 năm qua của Toyota cũng không giúp giảm giá thành.

Ông Phạm Văn Dũng - đại diện Ford Việt Nam - thì chỉ rõ chi phí sản xuất, lắp ráp xe ôtô ở Việt Nam đang cao hơn các nước ASEAN khoảng 20%. Nguyên nhân do thuế nhập khẩu linh phụ kiện ở mức cao, trong khi tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam đạt thấp. Vì vậy, tới đây  Ford sẽ chỉ tập trung sản xuất 1-2 dòng xe, thay vì 4 dòng như hiện nay.

Xu hướng cắt giảm sản xuất cũng diễn ra với doanh nghiệp có quy mô thị phần lớn nhất là Toyota. Ông Toru Kinoshita cho biết năm ngoái làm 5 dòng thì nay làm 4 dòng mới có thể tăng được sản lượng mỗi năm 50.000 xe. Đến khi thuế về 0%, sẽ cân nhắc giảm xuống 2-3 dòng. Còn một số thành viên VAMA thì có thể khó tồn tại.  

Tính toán giữa nhập khẩu hay sản xuất, ông Trần Bá Dương - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP ôtô Trường Hải - cũng nói nếu có đủ sản lượng thì mới duy trì. Còn không thì việc nhập khẩu nguyên chiếc sẽ mang lại hiệu quả hơn và “không ai làm lắp ráp”.

Tuy nhiên, ông Dương nhấn mạnh ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nếu có chính sách hỗ trợ hiệu quả. Vị này tính toán nếu làm nội địa hóa, lắp ráp thực sự, chỉ cần đạt tỉ lệ 20% thì không chỉ tạo việc làm lớn, mà còn giảm được giá xe ở mức tương ứng.

Năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam là 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc.

Hiện tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô đạt khoảng 500.000 xe/năm, với 12 hãng có hoạt động tại Việt Nam, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, bình quân khoảng 7-10%.

 

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên