22/06/2015 08:08 GMT+7

Tin vào chính mình, sẽ làm được điều kỳ diệu

HOÀNG THU HIỀN (giáo viên trường thpt chuyên, Lê Hồng Phong, TP.HCM)
HOÀNG THU HIỀN (giáo viên trường thpt chuyên, Lê Hồng Phong, TP.HCM)

TT - Tuổi Trẻ giới thiệu các bài viết cũng là những sẻ chia của thầy cô giáo về cách thức, phương pháp hệ thống các môn thi sao cho hiệu quả.

Một buổi học ôn môn văn của học sinh lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc giaẢnh: NHƯ HÙNG
Một buổi học ôn môn văn của học sinh lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Như Hùng

1. Khắc phục tâm trạng hồi hộp khi ở trong phòng thi

Vào phòng thi các em thường có cảm giác run, lúc cầm đề lại càng run hơn khi tim đập loạn xạ, trong đầu có cảm giác rỗng, chữ nghĩa bay đi đâu hết. Lúc đó các em hãy thật bình tĩnh hít sâu và thở từ từ, đừng sợ hết thời gian.

Chỉ cần năm phút cảm giác hốt hoảng run run của các em sẽ không còn nữa. Nếu cần thiết, các em có thể xin phép thầy cô giám thị đi ra ngoài uống nước, cứ nói thật với thầy cô trạng thái của mình các em sẽ được thầy cô chia sẻ, giúp đỡ.

Bên cạnh kiến thức đã chuẩn bị, một người bạn khác cũng rất quan trọng đồng hành với các em trong phòng thi đó là cây bút. Hãy chọn bút thật kỹ, loại bút mà mình viết đẹp nhất, nhanh nhất không bị lem và màu mực phải sáng. Nó sẽ giúp các em làm bài tốt hơn

2. Xử lý đề thi

Đọc kỹ đề: khi làm bài tránh tình trạng đọc đề xong thấy bài dễ là lao vào làm ngay. Đây gọi là trúng tủ nhưng bị tủ đè vì chủ quan. Bởi các em chỉ đọc lướt vội vàng “ba chớp ba nhoáng, tưởng vậy mà không phải vậy”, đến khi làm bài gần xong mới ôi thôi rồi, mất hết thời gian.

Trong phòng thi thời gian là vàng, là số phận. Đừng để mình rơi vào cảnh ngộ ra khỏi phòng thi mới phát hiện rằng nhầm thì vô phương cứu chữa. Bởi vậy đọc kỹ đề, phân tích đề là điều vô cùng quan trọng các em nhé. Không nên tiếc thời gian cho điều này.

Xác định rõ các bước làm bài: trong đề thi mỗi câu hỏi có một yêu cầu riêng, nhưng dù có khác nhau như thế nào thì đều có một trình tự nhất định trong cách làm. Các em cần nhớ kỹ trình tự làm bài của mỗi kiểu bài trong mỗi phần, tránh làm thiếu hay lạc đề.

Khi làm bài cần chú ý ba tránh: tránh gạch xóa, tránh bỏ sót, tránh lạc đề, và ba nên: nên cẩn thận, nên canh giờ, nên dò lại. Kỵ nhất của một bài văn là các em gạch xóa lung tung. Đó là bằng chứng tố cáo kiến thức không chắc chắn, người làm bài thiếu cẩn thận. Người ta gọi là “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu có muốn bỏ phần đã viết cũng phải biết bỏ một cách nghệ thuật. Nhìn vào bài vẫn thấy sáng sủa. Các em có thể gạch chéo một đường từ trên xuống hoặc gạch bên lề ghi phần bỏ.

Phân chia thời gian cân đối hợp lý cũng là yếu tố sự thành công của bài thi. Các em có ba giờ làm bài. Câu 1 và câu 2 khoảng một giờ rưỡi, còn một giờ rưỡi dành cho câu 3 như vậy là hợp lý. Cũng rất cần phải căn cứ vào số điểm để quyết định phần trả lời dài hay ngắn, nhất là phần đọc hiểu văn bản. Phân bố thời gian không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Khi còn 10 phút nữa hãy mau mau viết phần kết bài để tạo sự hoàn thiện cho bài thi của mình. Đó là điều rất cần thiết đấy nhé.

3. Lưu ý từng phần cụ thể

Cấu trúc đề thi gồm ba phần: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Hệ thống luận điểm của một bài văn là rất quan trọng. Bài văn viết dài không hiệu quả bằng bài văn viết ngắn nhưng đủ ý. Bởi vậy cần nắm vững các bước làm bài. Các bước này cũng quan trọng giống như những công thức trong toán học các em phải “nằm lòng” đấy.

Phần đọc hiểu văn bản, có thể lấy trong chương trình đọc thêm hoặc chương trình lớp 11, hoặc ngoài sách giáo khoa và trên báo chí. Yêu cầu của phần này chủ yếu là: xác định phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ, cách trình bày đoạn văn, nội dung văn bản đề cập, nêu nhận xét suy nghĩ về một vấn đề nào đó mà văn bản đã đề cập đến... khi làm bài các em nhớ trả lời rõ ràng, rành mạch từng ý.

Câu nào phải dứt điểm câu đó. Cũng đừng sợ tốn giấy mà không phân chia thành từng đoạn các em nhé. Đây là câu dễ ăn điểm. Nếu rèn luyện tốt kỹ năng phần này các em sẽ lấy được điểm tối đa.

Phần nghị luận xã hội: Những năm trước xu hướng đề thi là một nhận định, một câu danh ngôn, năm nay có lẽ sẽ lấy nhân vật, sự kiện, tình huống cụ thể trong đời sống, từ đó yêu cầu học sinh bàn luận nêu ý kiến.

Chẳng hạn sự kiện trèo rào để tắm miễn phí ở công viên nước Hồ Tây, chen lấn xô đẩy để chụp hình với nghệ sĩ của fan trong đám tang nghệ sĩ Duy Nhân, trả lời báo chí của Ánh Viên - cô gái đoạt tám huy chương vàng ở SEA Games vừa rồi. Từ câu chuyện, tình huống các em xác định đề thuộc về tư tưởng đạo lý hay hiện tượng xã hội, từ đó có các bước làm bài phù hợp.

Nếu là về tư tưởng đạo lý thì cần phải: giải thích hoặc rút ra cốt lõi của vấn đề / bàn luận / phê phán thái độ và quan điểm đối lập đối với vấn đề được đưa ra bàn luận / mở rộng nâng cao / rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân. Để làm tốt và đúng hướng dạng đề này các em nên đặt câu hỏi vì sao và đưa ra những lý do trả lời. Càng đưa ra được nhiều lý do bài làm càng thể hiện sự sắc sảo trong lập luận.

Nghị luận xã hội về hiện tượng xã hội: cũng cần giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của từ ngữ hoặc gọi tên hiện tượng / thực trạng - hậu quả của hiện tượng đề cập / nguyên nhân / biện pháp khắc phục / bài học nhận thức và hành động.

Muốn cho bài nghị luận xã hội có sức thuyết phục cao bài làm cần phải có dẫn chứng, dẫn chứng hay giống như chiếc lúm đồng tiền trên mặt cô gái. Cho nên dẫn chứng phải chọn lọc, tiêu biểu, chính xác và vừa đủ. Các em nên lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống. Bởi dẫn chứng trong văn học đã được nhà văn hư cấu mà yêu cầu của nghị luận xã hội phải chính xác và thực tế.

Khó quá không? Không sao cả khi làm bài dạng đề này các em phải chú ý thể hiện quan điểm của mình. Khẳng định sự đúng - sai của các ý kiến, hay chỉ là sự bổ sung là hai mặt của một vấn đề rồi mới đi vào phân tích chứng minh làm rõ từng ý kiến.

Nếu đề ra yêu cầu phân tích hai đoạn trích của hai tác phẩm thì cần làm rõ giá trị về nội dung và nghệ thuật của từng đoạn. Sau đó rút ra điểm gặp gỡ và sự khác biệt trong cách nhìn nhận mô tả đời sống cũng như trong tư tưởng của mỗi tác giả, đồng thời làm rõ cái tôi trữ tình của nhà thơ trong mỗi bài thơ.

Khi mình đã chuẩn bị kỹ càng thì không có lý do gì phải mất bình tĩnh. Hãy tin vào chính mình các em sẽ làm được điều kỳ diệu.

Về phần nghị luận văn học

Giới hạn: Năm nay hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học cùng nhập một đối tượng dự thi đa dạng vừa có học sinh của tất cả các ban A, B, C, D... vừa có học sinh của nhiều hệ: hệ phổ thông, hệ vừa học vừa làm lại có những học sinh đã tốt nghiệp năm ngoái cho nên đề thi phải phù hợp với tất cả các đối tượng là điều rất khó.

Phạm vi đề thi chỉ nằm trong phần kiến thức thuộc chương trình cơ bản. Bộ GD-ĐT đã khẳng định: “đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12”. Đề thi đại học năm ngoái cũng đã thể hiện tinh thần đó, như vậy phần thi thuộc chương trình 11 như mọi năm sẽ được giảm tải.

Dạng đề: Xu hướng đề thi năm nay thiên về bình luận các ý kiến khác nhau về cùng một tác phẩm về nhân vật, hoặc phân tích chứng minh ý kiến đánh giá xâu chuỗi nhiều tác phẩm có cùng chủ đề. Cũng có thể hai đoạn trích của hai tác phẩm nào đó có cùng chủ đề, hình ảnh, hình tượng.

Ví dụ: Điều bình thường và điều phi thường của nhân vật Tnú. Thị và Mỵ, hai hoàn cảnh một tính cách. Nét nổi bật ở người nghệ sĩ Phùng là tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật, vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.

Vẻ đẹp của người lái đò mang dáng dấp của một người dũng sĩ trên sông nước, vẻ đẹp ấy mang dáng dấp của một nghệ sĩ tài hoa trong vượt thác leo ghềnh. Sóng, đó là hình ảnh của người phụ nữ hiện đại dám yêu một cách mãnh liệt; sóng, đó là hình ảnh người phụ nữ đậm chất truyền thống...

HOÀNG THU HIỀN (giáo viên trường thpt chuyên, Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên