15/12/2022 06:38 GMT+7

Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 11 bộ và 33 tỉnh, thành phố trong năm 2023; Bệnh tay chân miệng ở TP.HCM có dấu hiệu tăng... là những tin tức đáng chú ý sáng nay.

Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 1.

Thời điểm ghi nhận các mốc kỷ lục của xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2022

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cán mốc 700 tỉ USD

Theo Tổng cục Hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 700 tỉ USD vào ngày 15-12. Tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã tăng 7 lần so với cách đây 15 năm, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007.

Tổng cục Hải quan nhận định, với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất khẩu nhập của nước ta có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Theo công bố của Tổ chức Thương mại thế giới, trong năm 2006 nền kinh tế Việt Nam được xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa. Năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận thứ hạng của Việt Nam tăng ấn tượng về xuất khẩu hàng hóa là thứ 23 và nhập khẩu là thứ 20 trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến hết 11 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 101 tỉ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỉ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỉ USD).

Kiểm toán 11 bộ và 33 tỉnh, thành phố trong năm 2023

Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 2.

Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán - Ảnh: VGP

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ban hành quyết định số 1482/QĐ-KTNN về việc ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán (giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022), tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cụ thể, liên quan đến kiểm toán báo cáo quyết toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 16 bộ, ngành, cơ quan trung ương, như: Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…; Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 tại 33 địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận…; Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 11 bộ, cơ quan trung ương, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Đài Truyền hình Việt Nam…

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán 23 chuyên đề, trong đó có việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm...

Đối với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 16 cuộc kiểm toán như: Ngân hàng Nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam…), và doanh nghiệp quốc phòng.

Tại các cuộc kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của các cơ quan, đơn vị...

TP.HCM họp chuẩn bị việc đi lại cho người dân dịp Tết

Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 3.

Người dân đến bến xe Miền Đông để về quê vào dịp Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh: LÊ PHAN

Tuần này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ họp với các phòng chuyên môn, bến xe, ga tàu… về kế hoạch chuẩn bị phục vụ đi lại của người dân dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

Theo đại diện bến xe Miền Đông, dịp Tết dương lịch năm 2023, dự báo hành khách sẽ tăng 20-30%. Còn dịp Tết âm lịch năm 2023, lượng xe xuất bến tăng 70% và lượng khách tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái (cao điểm là ngày 19-1 dương lịch, tức ngày 28 tháng chạp).

Còn bến xe Miền Tây dự kiến ngày cao điểm nhất là 28 tháng chạp với hơn 1.500 xe xuất bến, chở khoảng 49.000 hành khách.

Đối với đường sắt, tính đến nay, vé tàu Tết Quý Mão 2023 còn khoảng 57.000 chỗ, trong đó giai đoạn trước Tết chiều TP.HCM - Hà Nội còn khoảng 13.000 chỗ, giai đoạn sau Tết chiều Hà Nội - TP.HCM còn hơn 44.000 chỗ. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết sẽ tổ chức chạy thêm nhiều đoàn tàu trong dịp Tết dương lịch 2023, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

TP.HCM: Bệnh sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng có dấu hiệu tăng

Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 4.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện - Ảnh:VGP

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 14-12 cho biết số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 50 giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, song vẫn ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng.

Từ đầu năm đến ngày 11-11, toàn thành phố ghi nhận 78.561 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2021) với 1.930 ca bệnh nặng.

Đối với bệnh tay chân miệng, tính đến ngày 11-12, thành phố ghi nhận 18.779 trường hợp mắc. Tuần 50 có thêm 182 ca bệnh tay chân miệng, tăng 92,3% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng nhiều ở cả khám ngoại trú và điều trị nội trú.

HCDC khuyến cáo, người dân khi sốt cao 39 - 40 độ C đột ngột, liên tục, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc, điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Khi người bệnh hạ sốt, người chăm sóc vẫn cần theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng...

72.000 người được sàng lọc ung thư sớm

Tối qua 14-12, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) đã kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba, phần thưởng cho những đóng góp của quỹ cho các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân ung thư.

Trong 10 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã tổ chức tặng quà cho hàng chục ngàn bệnh nhân ung thư, tổ chức sàng lọc ung thư sớm cho trên 72.000 người, tặng chi phí chữa bệnh và thuốc trị giá trên 800 tỉ đồng cho người bệnh ung thư.

Bên cạnh đó, quỹ cũng đã tham gia hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ về ung thư, góp phần nâng cao chất lượng phòng chống ung thư ở Việt Nam.

Số mắc COVID-19 giảm nhẹ

Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 5.

Học sinh trên địa bàn TP Huế tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: huecity.gov.vn

Bộ Y tế cho biết trong ngày 14-12, cả nước ghi nhận 320 ca mắc COVID-19 mới, giảm nhẹ so với ngày hôm trước. Số bệnh nhân đang thở oxy là 48 ca, trong đó 5 trường hợp phải thở máy xâm lấn. Không ghi nhận bệnh nhân tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.521.708 ca mắc, trong đó 10.609.912 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và 43.179 bệnh nhân tử vong.

Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 6.
Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 7.
Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành - Ảnh 8.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu cà phê có thể đạt 4 tỉ USD Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu cà phê có thể đạt 4 tỉ USD

TTO - Bất chấp nhiều thách thức, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn có thể đạt 4 tỉ USD trong năm 2022, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên