03/02/2022 07:32 GMT+7

Tin sáng 3-2: ‘Sóng ngầm’ các bệnh lý khác theo sau dịch COVID-19

L.ANH - X.MAI - TTXVN
L.ANH - X.MAI - TTXVN

TTO - Do tập trung phòng chống dịch COVID-19, bệnh nhân mắc nhiều căn bệnh mãn tính khác, trong đó có ung thư, có thể bị gián đoạn điều trị hoặc mức độ nặng gia tăng.

Tin sáng 3-2: ‘Sóng ngầm’ các bệnh lý khác theo sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Em bé Nhâm Dần đầu tiên - Ảnh: LAN ANH

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ (khoa ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO) vừa công bố số liệu về tình hình ung thư trên thế giới và Việt Nam.

Tại Việt Nam, số ca ung thư mới từ 165.000 vào năm 2018 đã tăng lên 182.000 ca vào năm 2020. Bệnh tử vong do ung thư cũng tăng từ 115.000 người lên 123.000 người sau 2 năm.

Theo bác sĩ Vũ, số lượng người bệnh ung thư tăng là xu hướng tất yếu của thế giới do dân số ngày càng đông và số người dân lớn tuổi ngày càng nhiều nhờ vào việc điều trị tốt các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, bệnh truyền nhiễm lao, HIV…

Đặc biệt, trong 2 năm qua, thế giới chịu đựng sự hoành hành của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề sức khỏe khác trong đó có bệnh ung thư. Kết quả WHO tiến hành khảo sát trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh.

Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ…

Tin sáng 3-2: ‘Sóng ngầm’ các bệnh lý khác theo sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN

Nguyên nhân do nhiều yếu tố gây ra từ các biện pháp chống dịch như cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội đến tâm lý lo sợ dịch bệnh hoặc tài chính cạn kiệt của bệnh nhân, thiếu hụt các trang thiết bị, thuốc đặc trị do đứt gãy nguồn cung cấp, thiếu phương tiện vận chuyển… Một nguyên nhân quan trọng nữa là thiếu hụt nhân viên y tế trong thời gian dịch bệnh (chiếm 60%).

Theo đó, tỉ lệ nhập viện của bệnh nhân ung thư giảm 30% so với trước dịch bệnh. Các nghiên cứu liên quan đến ung thư cũng giảm 65%, 79% bệnh viện hoặc trung tâm điều trị bị gián đoạn hoặc khó khăn trong việc bảo hành trang thiết bị hoặc duy trì nguồn thuốc đặc trị, 36% trường hợp phải thay đổi phác đồ hóa trị do nguồn cung hạn chế.

Trước thực tế này, bác sĩ Vũ lưu ý, một đợt sóng ngầm từ các bệnh lý khác đã hình thành và phát triển theo mức độ của dịch COVID-19.

Tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy khi dịch bùng phát tình trạng bệnh nhân ngại đi khám bệnh, một số bệnh viện lớn bị phong tỏa do dịch bệnh, các thuốc đặc trị có lúc bị thiếu hụt, hàng loạt cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động… đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng điều trị và tuân thủ của bệnh nhân.

Để giải quyết vấn đề này, theo bác sĩ Vũ, cách tốt nhất là tạo mạng lưới y tế đồng đều tại tất cả các tỉnh thành, tránh tập trung quá đông bệnh nhân tại các thành phố lớn. Điều này giúp bệnh nhân có thêm nhiều chọn lựa, hạn chế tối đa việc đứt gãy việc điều trị như các đợt bùng phát dịch vừa qua.

Tin sáng 3-2: ‘Sóng ngầm’ các bệnh lý khác theo sau dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tránh nhiều người nhiễm Omicron cùng thời điểm, vì dễ tăng bệnh nhân nặng

Theo bản tin Bộ Y tế chiều 2-2, Việt Nam đã ghi nhận 186 ca nhiễm biến thể Omicron tại 15 tỉnh, thành. Cụ thể, TP.HCM (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1) và Ninh Bình (1).

Về việc các ca COVID-19 nhiễm Omicron thời gian qua tại nước ta đều là ca nhẹ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý tốc độ lây nhiễm của Omicron rất cao. Với người chưa tiêm vắc xin là cao gấp 7 lần so với biến chủng Delta, người đã tiêm là cao gấp 3 lần.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, người nhiễm Omicron có vẻ mắc bệnh nhẹ hơn so với Delta là có nhưng nếu như rất nhiều người nhiễm trong cùng một thời điểm thì số lượng bệnh nhân nặng tăng lên.

Vì thế, Bộ Y tế liên tục có cảnh báo các địa phương, không nên lơ là với biến chủng này và tập trung thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện 5K và kiểm soát số ca mắc mới, tránh tăng cao quá mức.

Tin sáng 3-2: ‘Sóng ngầm’ các bệnh lý khác theo sau dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nhiều thông số lạc quan xung quanh dịch COVID-19

Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết đang có nhiều thông số rất lạc quan xung quanh dịch COVID-19.

Theo đó, trong số 49.163 ca mắc đang điều trị tại các bệnh viện ngày 2-2 có 2.167 ca nặng. So với trung bình 7 ngày trước số ca bệnh mới giảm 70%, số ca tử vong giảm 33,6%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 216,8%, số ca nặng giảm 42%.

So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới ít hơn 19%, số tử vong giảm 22%, số ca khỏi bệnh tăng 8,8%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1%, số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.

So sánh với tháng trước, số mắc mới tháng này giảm 11,1%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 11,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 28,8%. Ngày 2-2 cũng là ngày có số mắc mới thấp nhất tính trong vòng 3 tháng qua.

Tin sáng 3-2: ‘Sóng ngầm’ các bệnh lý khác theo sau dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Các y bác sĩ đón Tết ở bệnh viện - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành

- Ngày 2-2, Hà Nội thêm 2.719 ca F0. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm có 102 ca; Đông Anh có 97 ca; Long Biên có 93 ca; Thanh Xuân có 87 ca; Đống Đa có 81 ca. Cộng dồn số ca COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 140.113 ca.

Tính đến hết ngày 1-2, Hà Nội có 59.832 F0 đang được điều trị và cách ly, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29-4-2021 đến ngày 1-2 là 662 người.

- Hải Dương từ ngày 31-1 (29 Tết) đến 2-2 (mùng 2 Tết) có 624 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh và ra viện, về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định. Cụ thể, ngày 31-1, Hải Dương có 362 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh; ngày 1-2 có 95 bệnh nhân khỏi bệnh và ngày 2-2 có 167 bệnh nhân khỏi bệnh.

Từ ngày 12-10-2021 đến 16h chiều 2-2, Hải Dương có 6.927 người khỏi bệnh COVID-19 và ra viện; hiện còn 4.916  người đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Trong ngày 2-2, Hải Dương cũng ghi nhận thêm 233 ca COVID-19 mới. Hiện toàn tỉnh có 17.213 người đang thực hiện cách ly.

- Tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Hà Nam những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao do lượng người về quê đón Tết đông.

Ngày 2-2, có 148 ca COVID-19; trong đó có 25 người trở về từ các tỉnh, thành phố, 16 người sàng lọc khi có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi...

Kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19, tỉnh Hà Nam hiện có 31 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình), 3 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao); 75 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới).

Tính từ ngày 19-9-2021 đến nay, Hà Nam đã ghi nhận 6.028 ca COVID-19; trong đó 4.817 người đã khỏi bệnh, ra viện; 3 ca tử vong.

Tin sáng 2-2: Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 trong mùa xuân mang ý nghĩa gì? Tin sáng 2-2: Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 trong mùa xuân mang ý nghĩa gì?

TTO - Chiến dịch thần tốc tiêm chủng mùa xuân 2022 có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, giúp tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin càng cao, kéo giảm nguy cơ lây nhiễm, số ca mắc, tỉ lệ chuyển nặng và tử vong.

L.ANH - X.MAI - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Omicron covid-19 Tin sáng