Tổ tiêm lưu động thuộc phường 9, quận 5, TP.HCM đến tận nhà tiêm cho người yếu thế, người cao tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh nhân kể trên có kết quả âm tính khi xét nghiệm tại Anh, nhưng khi về nước test nhanh tại sân bay Nội Bài thì kết quả dương tính COVID-19, được chuyển bằng xe chuyên dụng về khu cách ly Bệnh viện Trung ương quân đội 108.
Xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho kết quả dương tính, sau đó Bệnh viện 108 đã thực hiện giải trình tự gene virus gây bệnh, xác định bệnh nhân nhiễm chủng B.1.1.529 (Omicron).
Hiện bệnh nhân đang tiếp tục cách ly tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có triệu chứng lâm sàng nào.
Theo Bộ Y tế, có 165 người ở Hà Nội và 3 tỉnh thành khác đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Bộ Y tế đã gửi công điện tới các địa phương có người đi cùng chuyến bay ngày 19-12 để giám sát, quản lý theo quy định.
Cho đến nay chưa ghi nhận ca Omicron nào ngoài bệnh nhân đầu tiên kể trên.
F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM: Lưu ý bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống sau mắc COVID-19
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vừa cứu sống một bé trai 5 tuổi, ở huyện Củ Chi, bị sốc tim, viêm cơ tim cấp sau mắc COVID-19.
Phó giáo sư Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết điểm đặc biệt trên bệnh nhi này là suy hô hấp và trụy tim mạch nặng nhưng môi bé đỏ, lưỡi đỏ như trái dâu tây kèm phản ứng viêm rất mạnh giống bệnh cảnh viêm đa hệ thống sau mắc COVID-19.
Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết cách đây một tháng bé và gia đình bị sốt, ho sau đó tự khỏi và không làm xét nghiệm chẩn đoán. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm kháng thể nCoV dương tính xác nhận tình trạng mắc COVID-19 của bệnh nhi trước đó.
Theo phó giáo sư Quang, hội chứng viêm đa hệ thống có thể gặp ở trẻ sau mắc COVID-19 với những bệnh cảnh khá đa dạng.
Hội chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 khoảng 2-6 tuần, triệu chứng sốt từ 3 ngày kèm các biểu hiện lâm sàng như tổn thương da niêm (ban đỏ), xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc miệng (môi đỏ, lưỡi dâu tây), phù nề bàn tay, chân, rối loạn tiêu hóa cấp tính (tiêu chảy, đau bụng, nôn ói), tình trạng suy tim, trụy tim mạch (mệt, khó thở, tay chân lạnh...).
Những bệnh nhi này khi xét nghiệm sẽ ghi nhận phản ứng viêm rất mạnh và rối loạn đông máu. Bệnh lý viêm đa hệ thống ở trẻ em hậu mắc COVID-19 nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Toàn bộ học sinh TP.HCM đi học trở lại vào ngày 3-1-2022?
Nhiều bậc phụ huynh và học sinh đang mong đợi quyết định của TP.HCM xem đến ngày 3-1 toàn bộ học sinh ở TP.HCM có đi học trực tiếp lại hay không?
Ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM - cho rằng việc tham mưu đồng ý hay không cho học sinh đến trường từ ngày 3-1 sẽ dựa trên hai yếu tố: an toàn trong phòng chống dịch ở các địa phương và quyền lợi đi học của học sinh.
Sau hai tuần thí điểm cho học sinh đi học lại, Sở Giáo dục - đào tạo TP nhận thấy các hoạt động ở trường THCS, THPT diễn ra khá ổn. Thứ nhất là yêu cầu an toàn trong công tác phòng chống dịch đã được đảm bảo, một số trường có phát hiện F0 nhưng đã được xử lý theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Thứ hai, hầu hết học sinh đi học thoải mái, vui vẻ, tiếp thu bài tốt hơn so với thời gian dạy học trên Internet.
Lúc đầu, khi khảo sát ý kiến phụ huynh lớp 9, 12 thì toàn TP chỉ có hơn 79% đồng thuận, trong đó có những trường chỉ có 50% phụ huynh đồng thuận. Đến nay, tỉ lệ học sinh lớp 9, 12 đến trường đã đạt hơn 95%, trong đó có nhiều trường đạt 100%.
Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại nhiều khu vực thuộc phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội thời điểm phát hiện hàng chục ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Số ca COVID-19 nặng điều trị tại các bệnh viện gia tăng
Báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết đã ghi nhận trên 17.000 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 28-12, trên 25.000 người khỏi bệnh, nâng tổng số người khỏi bệnh từ đầu vụ dịch lên trên 1,3 triệu ca (75,7%).
Hiện còn trên 332.000 ca đang theo dõi, điều trị, trong đó có 136.387 ca đang theo dõi, điều trị tại các bệnh viện, trong số điều trị tại bệnh viện có 10.084 ca nặng và nguy kịch, tăng hơn so với trung bình 7 ngày vừa qua tới 30,8%.
Tuy nhiên số ca tử vong đang trên đà giảm, dù chậm và hằng ngày vẫn có trên 200 ca tử vong. So sánh tuần này với tuần trước, số ca tử vong đã giảm 5,7%.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường 11, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Ngày 28-12, Hà Nội ghi nhận thêm 1.920 ca COVID-19 mới, trong đó có 449 ca cộng đồng. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 43.277 ca, trong đó số ca cộng đồng 15.440, số ca đã được cách ly 27.837.
Tính từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 120 người tử vong do COVID-19.
- Sơn La, từ ngày 5-10 đến ngày 28-12 đã phát hiện 703 ca COVID-19; 14.267 người được cách ly, theo dõi sức khỏe. Trong 2 ngày qua, tỉnh ghi nhận thêm hàng trăm ca dương tính, trong đó có nhiều ca cộng đồng.
- Hà Nam trong ngày 28-12 ghi nhận 96 ca COVID-19. CDC Hà Nam cho biết, những ngày qua, tại các doanh nghiệp xuất hiện nhiều ổ dịch, chưa rõ nguồn lây. Lũy kế trong đợt dịch mới từ ngày 19-9 đến nay, tỉnh ghi nhận 2.116 ca COVID-19, trong số đó 341 ca phát hiện tại các khu công nghiệp và 330 ca phát hiện tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.
- Bắc Ninh kêu gọi các lực lượng tham gia chống dịch COVID-19. Từ ngày 29-4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 10.705 ca COVID-19, hiện có 2.860 người đang được cách ly, điều trị, với số ca mắc tăng rất nhanh.
- Đồng Nai từ khi phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào ngày 7-4-2020, tỉnh đã và đang trải qua 4 đợt dịch với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt khó khăn, nhất là thời điểm từ cuối tháng 6-2021. Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 256.836 ca COVID-19, trong đó có hơn 202.700 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, hơn 1.200 người tử vong do COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận