17/10/2022 06:09 GMT+7

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Mỗi năm có hàng ngàn dự án đầu tư công chậm tiến độ; TP.HCM nhận bàn giao đất quốc phòng làm nhà ga T3; Ống hút gạo đoạt giải nhất khởi nghiệp nông nghiệp; Nhiều hoạt động triển lãm quốc tế đáng chú ý tại TP.HCM...

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 1.

Tàu metro Nhổn - ga Hà Nội - Ảnh: NGỌC ANH

Mỗi năm có hàng ngàn dự án đầu tư công chậm tiến độ

Theo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2021, số dự án chậm tiến độ ở các bộ, ngành, địa phương như sau: năm 2016 là 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án.

Điều đáng chú ý là hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ, điển hình là các dự án tuyến đường sắt thí điểm như: Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (TP Hà Nội); tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM)...

Kết quả giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội cũng cho thấy nhiều dự án triển khai kéo dài như dự án công trình đường trung tâm đoạn 2, khu vực Bãi Trường chậm 6 năm; dự án công trình đường nhánh số 4, khu Bãi Trường chậm 5 năm (Phú Quốc); dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh chậm 3 năm; dự án công trình cầu Cửa Đại chậm 6 năm; dự án công trình nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà chậm 5 năm; dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận chậm 3 năm.

Bình Dương trong 5 năm qua có 55 dự án chậm tiến độ; 15 công trình, dự án phải tạm dừng sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; 225 lượt dự án được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, trong đó có 109 lượt dự án phát hiện có sai phạm với tổng số tiền thực hiện không phù hợp được các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý hơn 442 tỉ đồng.

Theo Đoàn giám sát Quốc hội, đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục đáng kể, gây lãng phí lớn trong sử dụng vốn đầu tư công. Nguyên nhân các dự án chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời, năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu, và do thủ tục đầu tư.

TP.HCM nhận bàn giao đất quốc phòng làm nhà ga T3 

Dự kiến tuần này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan sẽ dự lễ bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án nhà ga T3 theo nghị quyết số 93 của Chính phủ. 

Quyết định phê duyệt kế hoạch thu hồi khu đất đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký sau khi hoàn tất các thủ tục. 

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 2.

Các chuyến bay quốc tế chở hàng hóa đi, đến Tân Sơn Nhất - Ảnh: C.T.

Trong tháng 10, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao khu đất theo hai đợt, đợt đầu giao trước khoảng 14,7ha, phần còn lại gần 1,3ha sẽ giao trước 30-10 khi hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả. 

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí gần 11.000 tỉ đồng, từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). 

Nhà ga có quy mô 20 triệu khách mỗi năm, khi công trình hoàn thành, cùng với hai ga hiện hữu T1 và T2 nâng tổng công suất khai thác ở sân bay lên 50 triệu khách mỗi năm.

Ống hút gạo đoạt giải nhất khởi nghiệp nông nghiệp

Dự án "Các sản phẩm ống hút, bún gạo" của chị Trương Thị Hồng Hà (TP.HCM) đã nhận cúp quán quân cuộc thi "Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo" vừa diễn ra cuối ngày 16-10 và nhận giải thưởng trị giá 125 triệu đồng.

Sản phẩm ống hút gạo mang thương hiệu OHUGA được sản xuất từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường và tự phân hủy nhanh sau khi sử dụng. 

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 3.

Các dự án đoạt giải cao thể hiện sự quan tâm đến tài nguyên bản địa, phát triển bền vững và bản sắc địa phương - Ảnh: H.K.

Vợ chồng chị Hà còn nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác như nui, bánh tráng, bún gạo sợi thẳng, phở khô sợi thẳng, phở ăn liền, que khuấy cà phê gạo… 

Hai giải nhì (trị giá 65 triệu đồng/giải) thuộc về các dự án "Sản xuất dược trà khai thác giá trị dược liệu từ nông sản" của Đoàn Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) và "Vòng đời các sản phẩm từ cây sen" của nhóm Lương Việt Chương (Phú Yên). 

Ban tổ chức cũng đã trao một giải dự án nông nghiệp phát triển bền vững (GIBC) cho "Dự án chế biến bún ngũ sắc" của Phan Thị Tố Mười (Bắc Kạn). 

Trong khi đó, giải thưởng sáng tạo (có ý nghĩa cộng đồng) trị giá 20 triệu đồng thuộc về dự án "Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lê ki ma tại VN" của Đỗ Thị Xuân Diệu (Cần Thơ). 

Ngoài ra, có 9 dự án được chọn tham gia khóa học và kết nối tại Thái Lan vào tháng 11-2022 (ban tổ chức hỗ trợ 50% chi phí/dự án). 

Nhiều hoạt động triển lãm quốc tế đáng chú ý tại TP.HCM

Sau một năm tạm hoãn do đại dịch COVID-19, VietnamWood - Triển lãm thương mại hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến gỗ sơ và thứ cấp, kết hợp triển lãm quốc tế thiết bị, phần cứng và dụng cụ nội thất Việt Nam (Furnitec 2022) diễn ra từ ngày 18 đến 21-10 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC). 

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 4.

Ngành nội thất Việt Nam có cơ hội giao lưu với nội thất thế giới ở một sự kiện lớn - Ảnh: N.BÌNH

Sự kiện diễn ra song song cùng triển lãm trực tuyến. Với quy mô dự kiến hơn 1.500 gian hàng, các ngành hàng được tập trung trưng bày chủ yếu về máy móc và thiết bị lâm nghiệp, máy và thiết bị kỹ thuật chế biến sơ cấp, xử lý thứ cấp, nguyên liệu gỗ, máy móc sơn, phun và hoàn thiện, công cụ và phụ trợ, vật liệu và vật dụng chế biến…

Từ ngày 19 đến 22-10, Triển lãm Quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2022 (HCMC Foodex 2022) với chủ đề "Kết nối giá trị cùng phát triển" lần đầu tiên được tổ chức tại SECC. HCMC Foodex 2022 được tổ chức kết hợp giữa gian hàng thực tế và gian hàng 3D thực tế ảo. 

Gian hàng trực tuyến có quy mô dự kiến 400 gian hàng, với sự tham gia của trên 300 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như: kết nối giao thương về ngành lương thực thực phẩm và công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản lương thực, thực phẩm; hoạt động biểu diễn, giao lưu, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và quốc tế.

TP.HCM kỳ vọng triển lãm sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm lương thực thực phẩm thực hiện thành công mục tiêu, định hướng vào công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Giá trứng gà giảm sau thời gian neo cao kỷ lục

Thông tin từ nhiều trại nuôi phía Nam, giá trứng gà công nghiệp bán ra tại trại hiện bình quân 2.400 đồng/quả, giảm 250 đồng so với tháng 9, và giảm 350 đồng so với mức cao kỷ lục của hai tháng trước đó.

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 5.

Giá trứng gia cầm được dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới - Ảnh: N.TRÍ

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết giá trứng gà quay đầu giảm sau thời gian dài neo cao ở mức kỷ lục chủ yếu do nguồn cung tại nhiều địa phương đang tăng lên, và khả năng giá trứng sẽ còn giảm trong thời gian tới.

"Dù nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm cuối năm được dự báo sẽ tăng nhưng với nguồn cung dần dồi dào trở lại, giá trứng có thể sẽ còn giảm thêm, thậm chí về mức ổn định với dưới 2.000 đồng/quả vào đầu năm tới", vị này nhận định.

Ca COVID-19 mới xuống thấp, chỉ còn 325

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.492.598 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.692 ca nhiễm).

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 6.

Một lọ vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech (COVID-19) nhắm vào các biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5 - Ảnh: REUTERS

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 241 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.598.974 ca.

Số bệnh nhân đang thở oxy là 47 ca, 0 ca tử vong. Trong ngày 15-10 có 60.626 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. 

Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 7.
Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 8.
Tin sáng 17-10: Giá trứng giảm sau thời gian cao kỷ lục; Ca COVID-19 mới thấp, chỉ còn 325 - Ảnh 9.
Tin sáng 16-10: Cung, cầu thị trường bất động sản đều giảm sâu, tại sao? Tin sáng 16-10: Cung, cầu thị trường bất động sản đều giảm sâu, tại sao?

TTO - Khoảng 130.000 người đi làm việc ở nước ngoài năm 2022; Thanh khoản thị trường bất động sản giảm sâu; Miền Bắc đón không khí lạnh 14 độ C... là những tin đáng chú ý sáng nay.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên