Phóng to |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII - Ảnh: TTXVN |
Nghị quyết cũng mở đường cho người bị tín nhiệm thấp từ chức. Nội dung này được đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tại phiên họp chiều 6-10.
|
“Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hằng năm theo tinh thần của nghị quyết trung ương 4”, dự thảo viết. Theo đó, “lấy phiếu tín nhiệm được hiểu là việc làm định kỳ hằng năm, nhằm thăm dò tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc thực hiện công tác cán bộ; còn bỏ phiếu tín nhiệm là việc đại biểu Quốc hội, HĐND thể hiện thái độ tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do mình bầu ra hoặc phê chuẩn trong những trường hợp do luật quy định (hình thức này gần với bỏ phiếu bất tín nhiệm ở một số quốc gia khác)”.
Căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với từng chức danh cụ thể và tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của người đó. Trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu, người bị lấy phiếu có báo cáo tự đánh giá gửi các đại biểu.
Sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức vụ cụ thể để xem xét, xử lý theo quy trình công tác cán bộ.
Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình để xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.
Đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế. Đối với người có hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Lấy phiếu dàn trải sẽ hình thức?
Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng và thành viên khác của Chính phủ; chánh án TAND tối cao; viện trưởng Viện KSND tối cao; tổng Kiểm toán Nhà nước (tổng số 49 người).
Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ tịch, phó chủ nhiệm và các ủy viên của hội đồng, ủy ban (tổng số 380 người, trong đó mỗi ủy ban có 30-50 thành viên).
HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND (2-3 người), trưởng các ban của HĐND (2-4 người); chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của UBND (3-13 người). Các ban của HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ trưởng ban (gồm 2-4 ban, mỗi ban có 5-15 người).
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên lấy phiếu tín nhiệm trên diện rộng như vậy, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với diện hẹp, cụ thể là ở Quốc hội chỉ nên lấy phiếu đối với 49 người. “Việc mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội... là quá dàn trải, dễ làm hoạt động này trở nên hình thức” - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phân tích. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại ủng hộ “nên lấy diện rộng, bởi các vị trí thành viên các ủy ban cũng cần phải đánh giá mức độ tín nhiệm, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng phải miễn nhiệm”.
Dự án Luật thủ đô mới: Vẫn thu cao hơn, phạt nặng hơn * Bí thư Thành ủy Hà Nội: quy định đặc thù là để chất lượng cuộc sống tốt hơn, quản lý khoa học hơn chứ không phải là biện pháp cấm đoán Dự án Luật thủ đô tiếp tục được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 6-10 sau nhiều lần được chỉnh sửa. Ngoài trưởng ban soạn thảo là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, phiên họp còn có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. So với các dự thảo từng trình, dự thảo mới nhất rất gọn và ít điều nhất (chỉ có 29 điều), với điểm nhấn là quy định các cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Dự luật cũng đưa ra quy định siết chặt điều kiện nhập cư vào nội thành hơn so với Luật cư trú. Cụ thể, người muốn nhập cư vào nội thành phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. “Đặt ra điều kiện nhập cư nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn, quản lý khoa học hơn chứ không phải là biện pháp cấm đoán. Phạt cao hơn không phải là có mục đích thu nhiều tiền mà để đảm bảo sức răn đe. Thu phí cao hơn cũng không phải để thu thật nhiều tiền, mà để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội thành” - ông Phạm Quang Nghị nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận