27/12/2015 06:31 GMT+7

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương: Biểu tượng kết nối cộng đồng

MAI HOA (maihoa@tuoitre.com.vn)
MAI HOA (maihoa@tuoitre.com.vn)

TT - Tất cả quốc gia, nhất là quốc gia đa sắc tộc, đều hướng đến tìm một biểu tượng chung, nếu không có thì việc cố kết cộng đồng sẽ rất khó khăn. Việt Nam may mắn vì có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Thành ủy TP.HCM (giữa) - trao đổi với đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Tự Trung
Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Thành ủy TP.HCM (giữa) - trao đổi với đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Tự Trung

[AUDIO id= alt=]//static.tuoitre.vn/tto/r/2015/12/27/bieu-tuong-ket-noi-cong-dong-1451203867.mp3[/AUDIO]

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không nặng về giá trị vật thể, mà chứa đựng yếu tố tâm linh nên ăn sâu bén rễ trong quần chúng.

Đó là ý kiến của GS.TS Lê Hồng Lý - viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN - tại hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở VN” sáng 26-12.

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM tổ chức.

Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Thành ủy TP.HCM; ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM... cùng nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý các bộ, ngành trung ương, địa phương đã đến dự.

Đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào các cấp học

Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại hội thảo, với mục đích phổ cập rộng rãi và giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ngoài ra, hội thảo còn đề xuất xây dựng hệ thống tượng thờ Hùng Vương ở các địa điểm văn hóa lịch sử như Làng văn hóa các dân tộc VN, Bảo tàng Dân tộc học VN, Bảo tàng Lịch sử VN.

Chỉ có người Việt thờ Quốc tổ

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong phát biểu đề dẫn cũng đưa ra một số dẫn chứng: khu di tích đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) hiện nay chính là nơi gốc thờ tự các vua Hùng của cả nước, từ đó lan tỏa ra khắp nước.

Hai Bà Trưng khi dựng cờ khởi nghĩa cũng xuất binh với lời thề: “Một xin rửa sạch quốc thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”. Trong khu vực kinh đô nước Văn Lang xưa đã có tới 71 di chỉ khảo cổ học liên quan việc thờ tự các vua Hùng.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn nói trên thế giới có nhiều tộc người, nhiều quốc gia thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc tổ thì chỉ có ở người Việt và VN.

“Không chỉ vì câu chuyện thần thoại về nguồn gốc của các vua Hùng mà chúng ta lại không xếp thời đại Hùng Vương vào trong giai đoạn nào của lịch sử nước nhà.

Dân tộc nào trên thế giới cũng thường khoác lên thời sơ khởi của mình một bộ áo thần thoại. Như người Hi Lạp đã miêu tả cuộc chiến thành Troy vào khoảng năm 1184 trước Công nguyên qua hai bản trường ca IliadOdyssey, lịch sử của người Do Thái cũng được miêu tả qua bộ sách Sáng Thế trong Thánh kinh cựu ước đầy màu sắc huyền bí...” - ông Tấn nói.

TS Nguyễn Hữu Nguyên đặt vấn đề mối liên quan giữa truyền thuyết, huyền thoại với chính sử, mà theo ông là không thể đồng nhất. TS Nguyên nói một cách hình ảnh là câu chuyện về thời đại Hùng Vương, câu chuyện trăm trứng được chưng cất từ sự kiện lịch sử. Nó hoàn toàn không phải hoang đường mà gắn kết, phản ánh sự thật lịch sử.

Bài học về đại đoàn kết dân tộc

Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh có một sự tiếp nối văn hóa, truyền thống từ cội nguồn dân tộc đến thời đại Hồ Chí Minh, mà điều quan trọng nhất là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Dùng lịch sử, mượn văn hóa dân gian làm bài học định hướng là điều mà GS.TS Lê Hồng Lý rút ra từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Theo GS Lý, từ thời phong kiến, các vua chúa đã rất ý thức dùng câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ và tín ngưỡng thờ vua Hùng để tạo mối dây liên kết chặt chẽ giữa những người dân Việt với nhau.

Ngày nay, hội khao lề thế lính Hoàng Sa vẫn được tổ chức để khẳng định chủ quyền quốc gia, hoặc nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đều nghiên cứu, dùng thơ văn vào trong bài phát biểu của mình.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nét đẹp truyền thống, đó là nhu cầu tự thân của dân tộc, của những người cùng chung nguồn cội” - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh trong bài phát biểu tại hội thảo.

1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, ở VN hiện có hơn 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương.

Ở TP.HCM, khảo sát bước đầu có 13 cơ sở thờ cúng các vua Hùng, trong đó đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 là cơ sở thờ cúng lâu đời nhất và tổ chức lễ hội lớn nhất.

Ở trung tâm TP San Jose (bang California, Mỹ) cũng có đền Hùng rộng 450m2 để thờ các vua Hùng cũng như những nhân vật lịch sử được hóa thánh khác như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng...

MAI HOA (maihoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên