21/10/2012 05:10 GMT+7

Tín hiệu tốt từ Tự Lực Văn Đoàn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Giáo sư Trần Ðình Sử nêu nhận định một trong những đột phá của Thơ Mới là các tác giả thời đó đã dùng lời nói để làm nguyên liệu cho thơ, khác với thơ cũ trước kia đã dùng chữ để làm nguyên liệu. Ðiều này như một nền tảng cho các trào lưu thơ về sau.

Ðây là một trong các ý kiến tại hội thảo khoa học "Phong trào Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực Văn Ðoàn - 80 năm nhìn lại" diễn ra vào sáng 20-10 tại Ðại học Sư phạm TP.HCM. Nói như PGS Trần Hữu Tá, Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực Văn Ðoàn là hai trong những hiện tượng văn học nổi bật của nửa đầu thế kỷ 20, và hội thảo là dịp để giới nghiên cứu văn học trong nước nhìn lại hai hiện tượng này. Nhìn lại, bởi thời gian qua "do những biến thiên phức tạp của tình hình trong và ngoài nước, thế hệ đi trước chúng ta đã có lúc đánh giá thiếu thấu tình đạt lý nhiều hiện tượng, sự kiện văn học quan trọng. Thơ Mới và Tự Lực Văn Ðoàn cũng không ngoại lệ".

Ðiều này gợi cho GS Nguyễn Ðăng Mạnh nhớ lại một thời làm sách giáo khoa chương trình cải cách vào những năm 1980-1990. Khi đó ông Mạnh đã phải "biện hộ cho Thơ Mới và tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn" khi mạnh dạn đưa vào chương trình lớp 11 trích đoạn một chương (Cháu Ái) trong cuốn tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng, và 10 bài thơ mới của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thâm Tâm, Nguyễn Bính. Sở dĩ phải gọi là biện hộ bởi trước thời điểm cải cách đó, Thơ Mới và tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn "chẳng những không được đưa vào chương trình học mà còn bị coi là sách cấm đối với toàn xã hội".

GS Nguyễn Ðăng Mạnh nhớ lại: "Làm công tác nghiên cứu khoa học hồi ấy muốn đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn và phong trào Thơ Mới cũng như tất cả các tác phẩm gọi là lãng mạn ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, phải có giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan nghiên cứu mới được cấp loại thẻ đặc biệt để đọc loại sách cấm này".

Một trong những đóng góp thực tế của hội thảo là phần tham luận của TS Hà Thanh Vân, với thao tác điều tra xã hội học đối với giới trẻ trên nhiều tỉnh thành cả nước để tìm hiểu sự tiếp nhận Thơ Mới và tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn của độc giả trẻ VN hiện nay. Kết quả cho thấy độc giả trẻ biết đến hai hiện tượng văn học này chủ yếu thông qua chương trình học phổ thông, và có đến 79% số người được hỏi đồng ý cần tăng thời lượng giảng dạy Thơ Mới trong trường.

Ở tầm tác động xã hội rộng hơn, PGS Văn Giá trình bày những tham vọng cải cách xã hội của Tự Lực Văn Ðoàn thông qua chủ đề cải cách thôn quê - một nội dung mang ý nghĩa khai sáng trong tiểu thuyết của nhóm này. "Tôi đặc biệt đánh giá cao chương trình cải cách thôn quê của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Theo tôi hiểu, các tác giả của chương trình này không đặt vấn đề như một đường lối quốc gia, mà đặt vấn đề trong tầm mức là một phong trào xã hội. Họ đâu có cái ý đại diện cho chính phủ quốc gia... Họ chỉ muốn xướng lên một phong trào".

Ðây cũng chính là những thành tựu của Tự Lực Văn Ðoàn mà ThS Nguyễn Thị Minh gọi là "Bằng sự dũng cảm, bồng bột của họ, ta đã có một thời đại trong thơ ca".

Tinh thần ấy chính là tín hiệu tốt đẹp, khởi đi từ văn giới trong cuộc gặp gỡ hôm nay.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên