Phóng to |
Học viên cai nghiện tại Trung tâm giáo dục Thanh thiếu niên 2 hỏi về kinh nghiệm cai nghiện thành công - Ảnh: T.Cường |
Cái nóng hừng hực ùa vào hội trường nhưng cuộc đối thoại hướng thiện như làm dịu mát những giọt mồ hôi.
“Đến đây cùng chúng tôi”
“Bạn hãy nói không với ma túy...và hãy đến đây cùng chúng tôi” - tiếng hát trầm ấm của anh Phạm Lê Tuyền xen lẫn với tiếng hát khàn đặc của anh Hoàng Ngọc Sơn đã mở màn cho buổi gặp gỡ. Anh Tuyền và anh Sơn là hai giáo dục viên đồng đẳng từng trải qua một thời sa ngã vì ma túy.
Sau màn giao lưu văn nghệ, buổi đối thoại đi thẳng vào nội dung cần chia sẻ. Anh Phạm Phúc An, cán bộ Ủy ban Phòng chống AIDS TP, đã cai nghiện tám năm, rưng rưng kể về những người bạn thân hồi nhỏ lần lượt bị ma túy cướp đi tính mạng. Và anh mong muốn các em thoát khỏi cái chết vì ma túy, để được sống và làm việc có ích cho xã hội như anh hôm nay.
Nhắc về quá khứ 14 năm nghiện ma túy, chị Trần Miên Trường Thủy, cán bộ quản lý học viên Trung tâm cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm, nói: “Sự mất mát vẫn còn trong tôi khi nhìn các bạn”. Chị kể 17 tuổi, cái tuổi muốn tỏ ra mình là dân chơi nên chị đã thử đến với ma túy và càng lấn sâu vào nó. Bao nhiêu lần đi cai nghiện, bao nhiêu lần trốn trại về với ma túy, con người chị như vô cảm với cả gia đình. Đến 34 tuổi chị mới đoạn tuyệt với ma túy, nhưng cái giá là chị đã đánh mất mình, đánh mất gia đình. Mắt chị ầng ậc nước khi nói đến đây. “Các bạn ngồi đây còn có gia đình, hãy trân trọng điều đó” - chị nhắn nhủ trong tiếng nấc nghẹn. Không khí hội trường như chùng xuống, khoảng lặng đến nao lòng.
Ngưng một lúc, chị Thủy chia sẻ kinh nghiệm về việc vượt qua tái nghiện: chị bỏ được sáu tháng, cứ nghĩ thử một mũi không sao nhưng một mũi rồi mũi nữa và cứ thế trượt dài. Theo chị Thủy, muốn bỏ ma túy mỗi ngày cần một chút kiên nhẫn, một chút can đảm... “Cố gắng từ bỏ, một lần không được thì lần hai, lần ba” - chị Thủy nói.
Dáng gầy guộc, anh Hoàng Ngọc Sơn đứng dậy chia sẻ về quãng đời trong các trại cai nghiện. Gần 30 năm nghiện ngập, bằng nửa quãng đời anh đã sống, khiến câu chuyện của anh nhiều cung bậc cảm xúc. “Hai vợ chồng tôi cùng nghiện và đã cùng nhau bỏ ma túy 13 năm nay. Tuy già rồi nhưng vẫn còn ham sống. Còn các em quá trẻ mà...” - anh Sơn nghẹn ngào. Anh Tuyền nói thêm ở trung tâm cai nghiện các bạn đã cai được ma túy 50%, còn 50% nữa là nghị lực để chống chọi với những cám dỗ đang chực chờ ngoài xã hội.
Cho em một lối về
Sau chia sẻ của những anh chị đã từ bỏ ma túy, các học viên ngập ngừng hỏi về những kiến thức, kinh nghiệm chống chọi với ma túy khi được về với gia đình. M.X. mở đầu với câu hỏi: “Để tránh xa ma túy, em đã tham gia giáo dục viên đồng đẳng ở trung tâm, khi hồi gia em muốn tiếp tục tham gia được không?”. Theo anh An, các quận huyện đều có trung tâm hỗ trợ cộng đồng, các em muốn làm đồng đẳng viên thì liên hệ để tham gia. Một bạn nam ngập ngừng hỏi: “Những người bị nhiễm HIV, khi về cộng đồng làm sao tránh được kỳ thị?”. Anh Tuyền nói sự kỳ thị giờ đã giảm nhiều, thay vào đó là sự yêu thương, đùm bọc của gia đình và xã hội. “Các bạn bị HIV, không có gì phải buồn, nản chí. đừng suy nghĩ “bệnh rồi chơi đến chết” vì hiện nay thuốc ARV có thể kéo dài sự sống 20 năm” - anh Tuyền thông tin...
“Có cách gì đối phó với cơn nghiện ma túy” - một bạn nam ở Q.8 hỏi. Anh Tuyền nói với giọng dứt khoát: “Ngay từ lúc này các em hãy lên một kế hoạch từ bỏ ma túy, dù mới vào một tháng hay chuẩn bị hồi gia. Hãy tự nhủ lòng mình: đây là lần cuối cùng. Nếu chuẩn bị hồi gia mà không có kế hoạch thì sẽ dễ tái nghiện. Phải dứt khoát không chơi ma túy nữa. Như vậy mới không bị cám dỗ”.
Cùng chung suy nghĩ, chị Thủy chia sẻ hành trang trước khi hồi gia là nghị lực, có nghị lực thì gia đình và xã hội mới giúp các em tránh xa ma túy. “Đừng đổ thừa cho bị rủ rê mà do nghị lực mình yếu” - chị Thủy đúc kết. Còn theo anh Sơn, khi hồi gia các em phải tự khẳng định mình, kiếm việc làm, tham gia hoạt động xã hội... sẽ không có thời gian nghĩ tới ma túy nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận