14/11/2018 11:13 GMT+7

Tìm tình thương từ trong 'cái khó'

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Một buổi tối tháng 11, thay vì họp hội đồng sư phạm, ban giám hiệu và các giáo viên, bảo mẫu Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM đã ngồi lại với nhau cùng trao đổi chuyên đề 'Lắng nghe và đồng hành cùng giáo viên'.

Tìm tình thương từ trong cái khó - Ảnh 1.

Giáo viên Trường Lý Cảnh Hớn trao đổi các tình huống khó để hiểu học sinh nhiều hơn - Ảnh: H.HG.

"Vừa qua, một giáo viên giỏi ở quận Tân Bình đã bị kỷ luật vì phạt học sinh tự tát vào mặt khi các em nói chuyện trong lớp. Vậy nếu các thầy cô phụ trách lớp có nhiều học sinh cá tính, ít tập trung trong giờ học, hay nói chuyện... thì các thầy cô sẽ xử lý như thế nào?" - tình huống rất thời sự ngay lập tức được xôn xao bàn tán.

Học sinh thích nói chuyện hơn nghe giảng

Ông Võ Minh Thành, hiệu trưởng nhà trường, nói giáo viên bây giờ phải chịu rất nhiều áp lực mà áp lực lớn nhất là từ phía phụ huynh. Chuyên đề "Lắng nghe và đồng hành cùng giáo viên" được tổ chức để giáo viên được chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm xử lý tình huống khó trong quá trình giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm.

Cô Vũ Thị Thiên Trang, giáo viên lớp 5, cho rằng: "Học sinh tiểu học có đặc điểm là ít chịu ngồi yên và rất thích nói chuyện. Để các em bớt "nói chuyện riêng" thì giáo viên cần tạo điều kiện cho các em "nói chuyện chung", tạo điều kiện để học sinh phải làm việc trong giờ học. 

Ở lớp tôi, nếu thấy học sinh trao đổi riêng với bạn thì tôi sẽ đề nghị học sinh đứng lên, nói cho cả lớp nghe điều mà em đang nói riêng với bạn. Giờ học, tôi thường giao việc cho học sinh: quan sát, thảo luận... rồi cho ý kiến. Giáo viên tạo điều kiện cho học sinh được trao đổi nhóm, tránh cho các em có thời gian nhàn rỗi thì các em sẽ ít có cơ hội nói chuyện riêng".

Ông Võ Minh Thành đặt vấn đề: "Để tổ chức cho học sinh hoạt động liên tục trong giờ học phải là những giáo viên có bản lĩnh mới thực hiện được. Tình trạng học sinh nói chuyện trong giờ học chắc chắn các thầy cô đều đã từng gặp và đều có biện pháp riêng của mình".

Thiết lập quy tắc

Cô Lưu Tuyết Bình, một giáo viên lớp 5 khác, chia sẻ: "Đầu năm học, tôi luôn có buổi sinh hoạt với lớp mình chủ nhiệm về một số quy tắc trong quá trình dạy và học. Trong đó, tôi sẽ nhắc học sinh về việc không tập trung nghe giảng và làm bài thì sẽ không nắm được bài. Nhưng học sinh tiểu học mà, cứ buông cây bút là nói chuyện. 

Tôi đặt ra quy ước với học trò: cô cầm thước gõ 2 cái lên bảng tức là yêu cầu các em im lặng, không nói chuyện riêng. Nếu các em không trật tự, tôi sẽ không giảng bài. Vì thế, nếu tôi đã gõ 2 lần mà vẫn còn học sinh nói chuyện riêng thì bạn kế bên sẽ nhắc ngay".

Không những thế, cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà, giáo viên lớp 1, tâm sự: "So với các khối lớp khác thì khối lớp 1 nói chuyện trong lớp nhiều hơn cả. Biện pháp của tôi là kịp thời khen thưởng để động viên, khuyến khích học sinh nỗ lực cải thiện bản thân mình. 

Ví dụ hằng ngày em A rất hay nói chuyện, tôi phải nhắc nhở nhiều lần nhưng có ngày em lại ngoan. Thế là tôi khen em ngay trước lớp, đề nghị các bạn khác tặng một tràng pháo tay và tặng cho tất cả các bạn trong tổ của bạn A mỗi bạn 1 ông sao".

Mỗi nhà mỗi cảnh

"Lớp tôi có một học sinh thường xuyên đi học trễ và đặc biệt rất hay nghỉ học vì lý do đau ốm. Tôi đã gặp phụ huynh để trao đổi về hậu quả bé không theo kịp bài nhưng phụ huynh vẫn không hợp tác và tình trạng trên vẫn cứ tiếp tục tái diễn" - một giáo viên nêu ý kiến.

Cô Châu Thị Nga, giáo viên lớp 2, kể năm học vừa rồi lớp cô cũng gặp một trường hợp như vậy. Học sinh thường xuyên nghỉ học hoặc đi học trễ. Trao đổi với phụ huynh nhưng chỉ được vài hôm lại quay về tình trạng cũ. 

Tôi gợi mở thì học trò nói thật: "Tối nào mẹ con cũng đi bar về khuya lắm. Sáng mẹ con mệt nên không đưa con đi học được". 

"Tôi mời phụ huynh lên trò chuyện, tâm tình và thông báo rằng thời gian gần đây cháu có biểu hiện tự ti, rất có thể cháu nghỉ học nhiều quá, bị hổng kiến thức nên thu mình lại. Nhờ phụ huynh cho cháu đi ngủ sớm, cũng may là phụ huynh đã hiểu ra" - cô Nga kể lại.

Lúc này, một giáo viên lớp 5 cũng phản ảnh: "Lớp tôi năm nay có trường hợp tương tự như vậy nhưng vẫn chưa giải quyết được. Phụ huynh nói do học sinh yếu ớt, đau bệnh thì xin cho con nghỉ học nhưng khi tìm hiểu thì tôi được biết là do phụ huynh phải làm khuya, sáng dậy không nổi nên thường đưa con đi học trễ. Ngày mệt quá cho con nghỉ học luôn". 

Ông Võ Minh Thành nói ngay: "Nếu đúng vậy, nhà trường sẽ cùng phụ huynh tháo gỡ, tôi tin rằng khi mình đến với phụ huynh, học sinh bằng cái tâm thì sẽ lay động được tình cảm của họ".

Tìm hiểu học sinh nhiều hơn

Ông Thái Văn Phước, phó hiệu trưởng Trường Lý Cảnh Hớn, phát biểu: "Có nhiều trường hợp học sinh đi trễ không phải vì bản thân các em mà vì phụ huynh. Học sinh đi trễ hoài, bực mình là có nhưng đừng vì thế mà các thầy cô phạt em đứng ngoài cửa lớp hoặc đứng trong góc lớp.

Có khi, buổi tối hôm trước em đã phải thức rất khuya để chờ mẹ về. Sáng hôm sau đến trường lại bị cô phạt nữa thì tội các em lắm. Nếu đã trao đổi với phụ huynh mà chưa đạt được hiệu quả như mong muốn thì các thầy cô hãy nhờ sự hỗ trợ của nhà trường.

Cách đây mấy năm, trường mình đã có trường hợp học sinh phơi áo trên sào nhưng cái áo bay mất, thế là em ở nhà luôn, không đến lớp nữa. Khi tìm hiểu cô giáo mới biết em chỉ có duy nhất chiếc áo đi học. Sau đó thì trường đứng ra quyên góp, giúp đỡ... Thử hỏi, nếu giáo viên không yêu thương học sinh, không làm tròn công tác chủ nhiệm của mình thì em học sinh ấy đã phải bỏ học chỉ vì 1 cái áo".

Đề nghị khiển trách cô giáo phạt học sinh tự tát vào mặt Đề nghị khiển trách cô giáo phạt học sinh tự tát vào mặt

TTO - Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, TP.HCM cho biết Hội đồng kỷ luật Trường tiểu học Trần Văn Ơn đã thống nhất mức kỷ luật khiển trách với cô Nguyễn Thị Thanh, cô giáo phạt học sinh tự tát vào mặt vì nói chuyện trong giờ học.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên