Trong năm 2021, cơn sốt đất tại Bình Phước đã tan biến sau khi thông tin quy hoạch sân bay Técníc được làm rõ - Ảnh: B.A.
Thực trạng được đẩy đi rất xa, thậm chí mới bàn quy hoạch, chỉ là gợi ý, đề xuất... chưa được gút cũng trở thành cái cớ để đẩy giá đất.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất đưa vào quy hoạch dự án xây cầu cạn vượt biển dài hơn 17km nối từ Cần Giờ sang Vũng Tàu. Tuy mới là đề xuất nhưng giới kinh doanh bất động sản đã bắt đầu bàn tán sôi nổi, trong khi một số ít khuyến cáo cần cảnh giác với những phi vụ "thổi giá đất" ăn theo đề xuất này.
Giá lên rồi, khó xuống
Tại Hà Nội, cuối tháng 12-2021, lãnh đạo TP cho hay đang nghiên cứu quy hoạch vị trí sân bay thứ 2 trước năm 2030 vì điều kiện vùng trời tại huyện Ứng Hòa không đảm bảo để xây sân bay như đề xuất trước đó. Sân bay thứ hai sẽ được quy hoạch ở đâu là điều mà giới mua bán đất đai Hà Nội đang ra sức đồn đoán, săn tìm để "đón đầu".
Trong khi đó, nhiều người môi giới cho biết sau khi có thông tin bỏ đề xuất quy hoạch sân bay ở Ứng Hòa thì giá nhà đất tại đây đã không còn sốt như thời điểm hơn một năm trước.
Trước đó, thời điểm đầu tháng 10-2020 đến cuối năm 2021, sau khi Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội kiến nghị xem xét quy hoạch sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa, giá đất thổ cư ở cả 3 xã Trầm Lộng, Đại Hùng, Đại Cường chỉ từ khoảng 8 triệu đồng/m2 đã được "thổi" lên 20 - 30 triệu đồng/m2, tùy từng khu vực.
Ông Lê Văn Ba (52 tuổi, xã Đại Hùng) cho biết: "Cuối năm 2021 vẫn còn nhiều người dân ở nội thành Hà Nội về săn mua đất, giá được đẩy cao gấp 2 - 3 lần. Phần lớn họ chỉ đến hỏi thôi chứ trên địa bàn xã không có nhiều gia đình bán được đất thời điểm đề xuất có sân bay".
Ông Ba cho biết dù đất không còn sốt như thời điểm trong Tết nhưng mức giá chung đã bị đẩy lên cao. "Đất trong ngõ trước đây chỉ khoảng 8 triệu đồng/m2 thì giờ phải hơn 10 triệu đồng/m2 họ mới bán. Còn đất mặt đường liên xã khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2", ông Ba nói.
Anh Đức làm môi giới nhà đất tại thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) cho biết: "Dù không còn quy hoạch sân bay, Ứng Hòa vẫn là vùng thuần nông, quỹ đất còn nhiều nhưng giá đất vẫn được đẩy lên cao".
Tuy vậy, đại diện UBND xã Đại Hùng cho biết: "Trên mạng cứ nói sốt chứ thực tế ghi nhận có rất ít giao dịch nhà đất trên địa bàn trong thời gian qua. Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng giá đất nhảy múa, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền để bà con nhân dân tránh mua phải đất không đúng với giá trị thực".
Sốt đất “ăn theo” tin đồn quy hoạch ở Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ
Cứ rục rịch bàn quy hoạch là sốt đất
Ở phía Nam, tháng 2-2021, khi có thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng với việc mở rộng sân bay Técníc Hớn Quản từ 100ha lên 400 - 500ha, thị trường bất động sản quanh khu vực sân bay như gặp "sóng thần".
Hàng trăm ôtô biển số TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước... của giới đầu cơ, "cò" đất ùn ùn kéo về Hớn Quản thu gom đất nông nghiệp, "thổi" giá đất lên cao, phân lô bán nền khiến vùng quê trở nên náo loạn. Kéo theo đó, giá đất trong khu vực cũng tăng "chóng mặt", có nơi tăng gấp 10 lần chỉ trong một tuần, đặc biệt là 2 xã An Khương và Tân Lợi nằm gần sân bay.
"Hồi đó mỗi hecta đất giá chỉ dưới 1 tỉ đồng, nhưng một thời gian ngắn khi "cò" đất về, giá mỗi hecta được hét đến gần chục tỉ. Thậm chí một số nhà có vài trăm mét đất mà bán tiền tỉ. Do vậy, không ít người đã đồng ý bán đất nông nghiệp đã canh tác lâu năm", anh Vĩnh, một người dân địa phương, nói.
Lãnh đạo xã An Khương thừa nhận dù đã cảnh báo nhưng vẫn có một số người dân bán đất, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, cuộc sống người dân phần nào bị xáo trộn, thậm chí có người chạy theo làm "cò" đất mong đổi đời.
Khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thông tin, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơn sốt đất hạ nhiệt, giá đất giảm mạnh, hiện đã trở lại mức giá ban đầu như trước khi có cơn sốt.
Đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng Técníc Hớn Quản của Bình Phước sau đó cũng không được chấp thuận. Nhiều nhà đầu cơ không kịp thoát khỏi "cơn sóng" đành bỏ cọc hoặc ôm đất với giá "trên trời" không thể tìm được đầu ra. Trong khi đó, nhiều người sau khi bán đất đã tiêu hết tiền, cũng không còn đất canh tác.
Cơn sốt đất đi qua nhưng nhiều người mua phải đất giá cao tại khu giãn dân cạnh cánh đồng thôn Đồng Táng vẫn chưa bán được - Ảnh: Q.THẾ
Những cơn sốt chớp nhoáng
Gần hai năm trước (tháng 3-2020), khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một "chợ đất" họp ngay giữa cánh đồng thôn Đồng Táng (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội) sau khi xuất hiện thông tin một doanh nghiệp xin nghiên cứu đầu tư dự án gần khu vực này. Từ khu đất giãn dân cạnh cánh đồng thôn Đồng Táng hơn 10 năm chưa xây nhà bỗng nhiên "sốt ảo", tăng giá theo giờ.
Sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương phải cử cán bộ đến để dẹp "chợ đất" bất hợp pháp này. Dù cơn sốt đất đã đi qua nhưng đến nay nhiều người dân "chôn chân" khi mua phải đất giá cao.
Trước đó, năm 2017, một doanh nghiệp đề xuất ý tưởng xây dựng đường ven sông Sài Gòn chạy từ Củ Chi về trung tâm quận 1 với chiều dài 64km. Liền sau đó giá đất ở các xã giáp sông Sài Gòn của huyện Củ Chi đã tăng chóng mặt.
Những khu đất được quảng cáo là gần đường ven sông Sài Gòn, thích hợp làm du lịch sinh thái, nhà vườn... với giá đất tăng 3 lần mỗi ngày. Trong khi tuyến đường ven sông còn chưa có mặt trong quy hoạch chung của TP thì nhiều nhà môi giới đã giới thiệu như tuyến đường sắp thành hiện thực, thậm chí "năm tới sẽ khởi công"... để thu hút người mua.
Năm 2021, trong nhiệm vụ quy hoạch chung của TP.HCM có nội dung sẽ lưu ý phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn, khai thác và bảo tồn dòng sông này. Chỉ với những thông tin này, ý tưởng tuyến đường dọc sông Sài Gòn 5 năm trước lại được dịp "sống" lại khiến cho giá đất ở khu vực ven sông lại rục rịch tăng nóng. Thực tế, ý tưởng quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn mới chỉ được xem xét đưa vào đồ án quy hoạch chung của TP.HCM. Và việc thực hiện quy hoạch đó ra sao, hướng tuyến, quy mô, kế hoạch thực hiện thì đến nay vẫn chưa có gì.
Quy hoạch phải chính xác, minh bạch
Ngày 21-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Khánh - phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết với TP khoảng 10 triệu dân thì phải có 2 sân bay trở lên, việc Hà Nội đề xuất quy hoạch thêm sân bay rất cần thiết, tuy nhiên theo ông, cần cẩn trọng vì mỗi thông tin đề xuất quy hoạch cũng có thể khiến giá đất tăng bất thường.
"Theo tôi, quy hoạch cần có chiến lược lâu dài, xem xét vị trí phù hợp sau đó mới đề xuất nhằm tránh tình trạng sốt đất hay quy hoạch treo ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ngoài ra, để tránh xảy ra câu chuyện sốt đất, chính quyền địa phương cũng cần giám sát chặt chẽ các hoạt động giao dịch mua bán nhà đất có dấu hiệu bất thường sau khi có các thông tin quy hoạch, đề xuất quy hoạch", ông Khánh bày tỏ.
Đồng quan điểm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng việc quy hoạch cần phải có tầm nhìn lâu dài nhưng phải rất chính xác. Ngoài ra khi đưa ra thông tin đề xuất quy hoạch phải nói chi tiết để người dân được biết.
"Quy hoạch rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên hiện nay từ thông tin báo chí phản ánh cho thấy vẫn còn nhiều quy hoạch treo, quy hoạch không trúng. Bởi vậy nên cuối năm 2021 Quốc hội đã có nhận xét về công tác quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch chưa chuẩn xác, chưa đúng quy trình", ông Nghiêm nói.
Q.THẾ
Hóng tin quy hoạch, rủi ro rình rập
Đường ven sông Củ Chi về trung tâm TP.HCM mới chỉ được nghiên cứu nhưng cũng khiến giá đất một số nơi tăng nóng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Nguyễn Ngọc Hiếu - điều phối viên, giảng viên chương trình phát triển đô thị bền vững, ĐH Việt Đức - cảnh báo như vậy với những người có dự định đầu tư "đón gió" quy hoạch.
Theo ông Hiếu, tại các đô thị đang phát triển thì những đề xuất về dự án hạ tầng kết nối hoặc cải thiện tiện ích khu vực luôn là những thông tin làm cho giá đất ở những khu vực lân cận tăng lên.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, nhiều dự án mới chỉ có ý tưởng, có khi chỉ tồn tại ở dạng tin đồn, đã bị những người đầu cơ "lướt sóng", đẩy giá và "ăn" hết giá trị gia tăng. Người muốn bán giá cao sẽ nói quá lên, hay người tiếp cận thông tin hạn chế có thể nói quá lên để thể hiện bản thân. Có thể ý tưởng mới đề xuất nghiên cứu qua vài nấc trung gian trở thành dự án sắp được chấp thuận... Trong môi trường đó, người đầu tư "tay ngang" sẽ chịu rủi ro cao hơn.
* Nhiều dự án hạ tầng đã có quy hoạch từ 10 - 20 năm trước, đến nay chưa thực hiện nhưng giá đất trong khu vực thì đã tăng mấy đợt, phải làm sao để người đầu tư nhận ra đó là giá ảo?
- Bàn về việc nhiều dự án ích nước lợi nhà nhưng khó triển khai, tôi cho rằng chủ yếu là do cơ chế và thực tế tại dự án này cơ hội phân chia lợi ích đã mất. Người đầu tư không thu được lợi nhuận công bằng nên các dự án hạ tầng đình trệ. Khi nhóm đầu cơ không được hưởng lợi, còn bên làm thì rủi ro, lúc đó chẳng ai muốn làm.
Ví dụ cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai rõ ràng có thể đem lại lợi nhuận rất cao cho tất cả các bên. Vấn đề là đất hai bên đầu cầu hoặc các dự án lớn kề cận đã bị nhóm đầu cơ thâu tóm trước thì Nhà nước phải tự bỏ tiền làm cầu mà không thu được lợi ích (có lẽ lớn gấp 10 lần cây cầu này). Cơ chế hiện nay chưa giúp phân bổ trách nhiệm đóng góp phù hợp từ các bên hưởng lợi làm các dự án hạ tầng chiến lược càng kéo dài.
* Sân bay ở Bình Phước mới chỉ ở bước đề xuất quy hoạch đã được đẩy lên thành dự án chuẩn bị đầu tư. Đường ven sông Củ Chi về trung tâm TP.HCM mới chỉ được nghiên cứu thì thông tin được đẩy lên là chuẩn bị khởi công... Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cung cấp những thông tin chính xác cho người dân?
- Trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, khách quan, chính thống... hiện nay là của Nhà nước, ví dụ như chỉ số giá bất động sản. Tuy nhiên, Nhà nước không có trách nhiệm trực tiếp cung cấp thông tin của dự án mà tạo điều kiện để thông tin minh bạch hơn, ví dụ những doanh nghiệp phát triển uy tín, hiệp hội, hội nghề nghiệp, chuyên gia độc lập, những tạp chí chuyên ngành, cung cấp thông tin miễn phí hoặc thu phí.
Nhà nước cũng cần trừng phạt các bên thao túng thông tin - giống như thị trường chứng khoán. Hiện nay vấn đề là người đầu tư tay ngang chưa sẵn sàng trả tiền để có thông tin có giá trị nên họ phải tự sàng lọc thông tin còn nhiễu loạn. Khi những nhóm chuyên nghiệp trả tiền để nhận thông tin có phân tích đánh giá thì sự khác biệt về kết quả là dễ hiểu.
DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện
Cần làm gì để hạn chế đầu cơ?
Những người mua đất dùng ít tiền, mua nhanh lướt sóng thực chất là nhà đầu cơ thay vì đầu tư. Hành vi mua đất qua ủy quyền, không sang tên hoặc thậm chí chỉ mua cọc để chờ bán lại đều là biểu hiện rất rõ của đầu cơ lướt sóng. Họ không tham gia vào đầu tư cải thiện về tiện ích cho địa phương và nói cách khác đây là nhóm ăn theo hoặc thậm chí ăn bám - muốn hưởng "bữa trưa miễn phí" từ các thông tin.
Chính sách nhà nước cần cải thiện để hạn chế tác hại của hành vi và trào lưu này bằng nhiều công cụ - từ quy hoạch như lập khu vực phát triển theo cơ chế khai thác tiềm năng tăng giá để chi trả đầu tư phát triển hạ tầng tại chỗ, sử dụng thuế gia tăng giá trị tài sản sau khi phát triển, hoặc quyền ưu tiên mua đất kề cận ở những nơi sẽ tăng giá nhờ dự án đầu tư công.
Tất nhiên về khía cạnh nào đó đầu cơ cũng là lao động bởi họ phải chịu rủi ro khi đầu tư. Rủi ro này đến từ chính nhóm "cá mập" có lợi thế về thông tin, bởi họ vừa tạo tin đồn, vừa bán rủi ro cho các nhà đầu tư. Về mặt kinh doanh, đầu cơ đất không vi phạm pháp luật, nhưng Nhà nước có trách nhiệm hạn chế và trừng phạt các "cá mập" trục lợi, lôi kéo những người ít kinh nghiệm vào cuộc chơi rủi ro cao.
Làm rõ dấu hiệu tạo "sốt đất ảo" ở Bình Phước
Hàng chục ôtô với gần 100 người có mặt tham dự buổi mở bán đất “đắt như tôm tươi” gây xôn xao dư luận tại Bình Phước - Ảnh: CTV
Liên quan đoạn clip rao bán, đặt cọc giành giật mua đất gây xôn xao dư luận tại Bình Phước, ngày 22-2, ông Lê Trường Sơn - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh - cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một doanh nghiệp bất động sản dựng rạp tại một bãi đất trống để mở bán các lô đất thuộc ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Dọc con đường nhựa gần đó, hàng chục ôtô đậu san sát nối đuôi nhau.
Trong đoạn clip này, các nhân viên môi giới liên tục chạy qua lại chốt đơn đặt cọc cho khách hàng. Giọng một người đàn ông liên tục la lên "lô 26, 27 đặt cọc nhé", "18, 19 cọc rồi các em nhé"… Sau đó, nữ MC cầm micro thông báo lô đất đã chốt cọc. Chỉ vài phút, khách đặt cọc cả chục lô đất.
Đoạn clip sau khi đăng tải trên mạng xã hội đã được rất nhiều cộng đồng mạng chia sẻ, bình luận. Tuy nhiên, một số người cho rằng đây chỉ là chiêu trò của doanh nghiệp nhằm "thổi" giá đất, tạo cơn "sốt ảo" không đúng sự thật.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định sự việc xảy ra vào ngày 20-2, đơn vị tổ chức là công ty địa ốc N.K. có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không xuất trình được các giấy tờ liên quan cũng như không thông báo chính quyền địa phương về việc mở bán đất.
Ông Sơn khẳng định trên địa bàn xã Lộc Khánh hiện chưa có dự án khu dân cư nào được cấp phép. Do đó, dự án Lộc Khánh mà các "cò" đất giới thiệu như trong đoạn clip không đúng sự thật.
Cũng theo vị lãnh đạo này, chiều 22-2, huyện phối hợp cùng UBND xã Lộc Khánh và các đơn vị liên quan đã họp rà soát, đối chiếu các quy định để có hướng xử lý theo quy định. Đồng thời, có văn bản đề nghị công an vào cuộc điều tra, làm rõ dấu hiệu tạo "sốt đất ảo", đưa thông tin không đúng sự thật.
A LỘC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận