31/01/2015 08:48 GMT+7

Tìm đủ cách giữ chân giáo viên mầm non

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Ai từng làm quản lý các trường mầm non tư thục mới thấm thía nỗi khổ khi giáo viên, bảo mẫu “nhảy việc”.

Cô Phạm Thị Phượng, Trường mầm non quốc tế Thế giới trẻ thơ (Worldkids), hướng dẫn các cháu lớp dolphin (3-4 tuổi) trang trí hoa mai chuẩn bị ngày tết - Ảnh: Như Hùng

Tại sao giáo viên lại bỏ đi và làm sao để giữ chân họ? Có phải hai yếu tố chính tác động đến giáo viên là lương và áp lực công việc như nhiều bài báo đã nêu?

Đó là những câu hỏi thôi thúc anh Nguyễn Xuân Thời, chủ đầu tư Trường mầm non (MN) quốc tế Thế giới trẻ thơ (Worldkids, TP.HCM), chọn đề tài “Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giữ chân giáo viên ở trường mầm non tư thục” cho luận văn tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Trường quản lý Maastricht (Hà Lan) trong chương trình liên kết với ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Vinh dự nhưng... muốn đổi nghề

Cuối tháng 5-2014, thực hiện đề tài đã ấp ủ, anh Nguyễn Xuân Thời bắt đầu chọn ngẫu nhiên các trường tư thục để khảo sát giáo viên với đề nghị “các thầy cô cho biết ý kiến của mình” để phục vụ công tác nghiên cứu, và “không có câu trả lời nào là đúng hoặc sai”.

Anh gặp gỡ những giáo viên có tuổi đời và tuổi nghề khác nhau, với mức lương khá xa nhau (có giáo viên nhận lương dưới 3 triệu đồng/tháng, có người trên 10 triệu đồng/tháng).

Với khoảng 300 giáo viên được khảo sát, có 54,4% trả lời “tôi cảm thấy vinh dự khi trở thành một giáo viên”. Tuy nhiên có 80% người được hỏi cho biết “mong muốn có một công việc khác hơn so với công việc hiện tại”. 75,3% giáo viên cho rằng mức lương họ đang hưởng là chấp nhận được.

Khảo sát cho thấy thực tế nhiều nhu cầu của giáo viên chưa thể được đáp ứng ở các trường tư thục hiện nay, trong đó có nhu cầu được đào tạo, phát triển nghề nghiệp và phúc lợi. Chỉ 53,4% giáo viên được hỏi hài lòng về các khoản phúc lợi (như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ ngoài các chế độ bảo hiểm bắt buộc của Nhà nước).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có năm yếu tố quan trọng tác động đến việc giữ chân giáo viên tại các trường tư, đó là: chế độ lương thưởng, văn hóa và môi trường làm việc, động cơ dạy học, cơ hội học tập nâng cao tay nghề và những yếu tố bên ngoài (như ảnh hưởng của gia đình).

Điều bất ngờ sau quá trình phân tích số liệu, anh Thời phát hiện rằng yếu tố thuyết phục nhất và quan trọng nhất lại không phải là lương thưởng như mọi người vẫn thường nghĩ, mà là cơ hội được đào tạo, nâng cao tay nghề, tiến bộ nghề nghiệp và có được vị trí xứng đáng trong công việc. Yếu tố xếp kế tiếp là văn hóa, môi trường của trường học (không khí làm việc, lãnh đạo giỏi, đồng nghiệp thân thiện...), tiếp sau mới là chế độ lương thưởng.

Yêu thương, quan tâm để giữ chân giáo viên

“Nhu cầu nhân sự trong ngành mầm non rất lớn, nhiều trường tư mở ra, dòng chảy nhân sự cũng chứng kiến sự luân chuyển liên tục, đặc biệt ở những trường nhỏ. Thử tưởng tượng bạn là chủ trường và hôm nay cùng lúc năm giáo viên nghỉ không báo trước, ai sẽ lo cho các bé. Có những giáo viên phát biểu bất cần: Nếu trường không giải quyết vấn đề này thì mai tôi đi làm chỗ khác. Những lúc như vậy ban giám hiệu trường rất đau đầu tìm người thay thế” - anh Nguyễn Xuân Thời chia sẻ.

Anh cũng cho biết hơn năm năm công tác trong ngành mầm non, ba năm đầu chính anh cũng gặp phải những khó khăn trong việc tổ chức nhân sự của trường: chỉ khoảng 10% giáo viên và nhân viên trụ lại, số còn lại luân chuyển liên tục.

Tuy nhiên sau khi thay đổi cách quản lý, hiện nay tỉ lệ giáo viên, bảo mẫu, nhân viên làm việc ổn định cao hơn trước rất nhiều. Đó là lý do khiến anh chọn đề tài nhân sự ngành mầm non và dành nhiều thời gian cho đề tài nghiên cứu này.

“Ở trường mầm non đội ngũ quyết định là giáo viên, bảo mẫu. Họ là những người làm việc trực tiếp và thường xuyên với học sinh và phụ huynh. Có được môi trường làm việc tốt, giáo viên ổn định tâm lý mới đáp ứng công việc và được phụ huynh yên tâm, tin tưởng. Vì vậy trong phạm vi nghiên cứu nhỏ này, tôi cũng đề xuất những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho việc giữ chân giáo viên. Những thông tin này tôi tin rất có ích cho các chủ trường và ban giám hiệu trường tư. Riêng kinh nghiệm bản thân tôi thì đưa ra các chính sách một cách rạch ròi, công bằng và nhất quán cùng với sự yêu thương, quan tâm đến giáo viên, nhân viên một cách chân thành là cách để giữ họ ở lại với những học sinh thân yêu” - anh Thời cho biết.

TS Trương Thị Lan Anh (giảng viên chương trình Maastricht MBA):

Cần quan tâm đến môi trường “vô hình”

Các nghiên cứu trong và ngoài nước về đề tài tương tự lại tập trung vào những đối tượng khác như giáo viên phổ thông và đại học, hiếm đề tài về việc giữ chân nhân sự ngành mầm non. Kết quả của nghiên cứu rất đáng để các nhà quản lý các trường tư quan tâm.

Nhà quản lý cần chăm chút, quan tâm đến môi trường “vô hình” cho giáo viên, đó là môi trường văn hóa, tinh thần và tình cảm. Trong đó, tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa giáo viên và phụ huynh cần được nhà trường quan tâm hơn.

Thường xuyên thiếu giáo viên

Đầu năm học 2014-2015, TP.HCM thiếu trên dưới 1.000 giáo viên mầm non ở 23 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ không thiếu).

Kết thúc học kỳ I, trải qua nhiều đợt tuyển dụng, hiện nay số giáo viên khối công lập đã tương đối ổn định, trong khi đó khối tư thục vẫn thường lâm vào cảnh thiếu giáo viên và phải đăng tuyển thường xuyên do những nguyên nhân “truyền thống” như lương thấp, lớp đông, áp lực công việc, giáo viên chuyển về quê sinh sống, tìm công việc nhẹ nhàng hơn...

Cũng từ năm học này, giáo viên mầm non tại các cơ sở công lập được hỗ trợ thêm 25-35% lương, giáo viên mầm non mới tuyển dụng năm 2014 được hỗ trợ 50-100% lương cơ bản trong ba năm đầu làm việc.

Những thay đổi này cũng tạo ra một dòng chảy không nhỏ giáo viên tư thục luân chuyển về các trường công lập với mong muốn có chế độ đãi ngộ ổn định hơn.

 

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên