25/05/2012 05:05 GMT+7

Tìm cách gượng dậy

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Hôm nay (25-5), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận chủ trì cuộc họp góp ý cho đề án củng cố và phát triển bóng đá TP.HCM giai đoạn 2013-2015, trong nỗ lực giúp bóng đá TP.HCM gượng dậy.

TT - Hôm nay (25-5), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận chủ trì cuộc họp góp ý cho đề án củng cố và phát triển bóng đá TP.HCM giai đoạn 2013-2015, trong nỗ lực giúp bóng đá TP.HCM gượng dậy.

Cuộc họp quy tụ đông đảo nhà làm bóng đá của TP.HCM như Sở VH-TT&DL, LĐBĐ TP (HFF), Trường Nghiệp vụ TDTT TP, các trung tâm TDTT Thống Nhất, Hoa Lư, Phú Thọ và ba CLB TP.HCM (hạng nhất), Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn (V-League).

Bên cạnh đó, cựu tuyển thủ Phạm Huỳnh Tam Lang cùng các nhà chuyên môn như ông Lê Bửu (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), Phạm Văn Kiết (nguyên giám đốc Sở TDTT) và Trần Văn Mui (nguyên phó giám đốc Sở TDTT) cũng được mời tham dự góp ý kiến.

Bản đề án gồm mười trang A4 được Sở VH-TT&DL TP.HCM lập ra khi chứng kiến bóng đá TP.HCM ngày càng có dấu hiệu đi xuống. Trong đó, trưởng bộ môn bóng đá Trần Đình Huấn là người trực tiếp soạn thảo từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, ông Huấn cho rằng đây thực chất là bản báo cáo, đưa ra phương hướng và giải pháp phát triển trong giai đoạn ngắn hạn cho bóng đá TP.HCM.

Lý giải về sự sa sút của bóng đá TP.HCM, đề án cho rằng việc các đội bóng không có tuyến trẻ kế thừa đã phần nào ảnh hưởng đến thành tích chung. Trong khi nguồn cầu thủ được trường năng khiếu nghiệp vụ đào tạo (12-19 tuổi) chủ yếu chỉ để làm nhiệm vụ thi đấu ở các giải hội khỏe Phù Đổng và giải trẻ các lứa tuổi quốc gia thay vì được các CLB thu nhận để đào tạo thêm như thập niên 1980-1990. Mặt khác, phần lớn địa điểm tập luyện trên địa bàn TP.HCM lại tập trung vào khai thác kinh doanh nên cầu thủ các lứa tuổi thiếu sân bãi tập luyện.

Giải pháp phát triển bóng đá TP.HCM giai đoạn 2012-2015 được nêu thành hai mục tiêu cụ thể: 1 - Tổ chức một đội tuyển thật sự đại diện cho TP.HCM thi đấu ở giải quốc gia và quốc tế. 2 - Thành lập trung tâm đào tạo trẻ quy mô, đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Và để thực hiện hai mục tiêu đó, đề án đưa ra giải pháp được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn từ nay đến hết mùa giải 2012 có hai phương án:

1 - Xây dựng đội tuyển TP.HCM trên nền tảng của đội trẻ Sài Gòn đang thi đấu ở Giải hạng nhì quốc gia và phấn đấu lên hạng nhất mùa giải 2013 với tên gọi Thanh Niên TP.HCM. 2 - Hỗ trợ CLB TP.HCM có thể trụ hạng ở Giải hạng nhất 2012 và hoàn tất thủ tục chuyển giao cho nhà tài trợ mới.

Giai đoạn 2013-2015 sẽ thành lập Công ty TNHH bóng đá TP.HCM nhằm quản lý và điều hành đội tuyển TP.HCM, kêu gọi tài trợ cho đội bóng. Mục tiêu chính của giai đoạn này là đội tuyển TP.HCM (với phương án 1) sẽ dự Giải hạng nhất 2013 với kinh phí khoảng 35 tỉ đồng và phấn đấu thăng hạng V-League 2015. Còn nếu chọn phương án 2, 15 tỉ đồng sẽ được dùng để trả phí chuyển giao đội hạng nhất TP.HCM và 20 tỉ còn lại sẽ là kinh phí hoạt động của đội trong năm 2013. Còn Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ TP.HCM sẽ được xúc tiến và xây dựng trên diện tích 100.000m2 tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh).

Với bản đề án này, có thể thấy rằng số phận của CLB TP.HCM - vốn đang sống “lay lắt” trong nợ nần khi không có nhà tài trợ - sẽ được quyết định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chủ tịch đồng thời cũng là giám đốc điều hành CLB TP.HCM Nguyễn Chí Kiên bên cạnh sự lạc quan cũng không giấu vẻ lo âu: “Tôi chỉ e rằng cuộc họp trong thời gian ngắn ngủi vài giờ sẽ không đủ để giải quyết các vấn đề”.

NGUYÊN KHÔI

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên