18/10/2016 22:00 GMT+7

Tiểu đội cò bay: Mộng mơ theo những cánh cò

SÂM CẦM
SÂM CẦM

TTO - Số đông hay số ít người lớn trong chúng ta đã từng bối rối khi một bé con nào đó ngước đôi mắt trong veo của mình, rồi hỏi rằng em bé đến từ đâu?

*** Error ***
Cảnh trong phim Tiểu đội cò bay (Storks) - Ảnh: Warner Bros.

Đã từ bao giờ chúng ta ngập ngừng, phân vân khi đưa ra một câu trả lời: trẻ con đến từ những cánh cò, ông già Tuyết sống ở Bắc Cực, giọt sương ban sớm là của những bà tiên để lại từ đêm qua...?

Đã từ bao giờ chúng ta không còn say sưa nói cho lũ trẻ nghe bằng cổ tích, bằng tất cả mộng mơ của ta từng có khi là một đứa trẻ, thay vào đó là những câu trả lời quá đỗi thật thà (hay trần trụi) từ khoa học?

Tôi vẫn thường trăn trở khi những đứa trẻ quanh tôi lớn lên và được dạy từ rất sớm, ngay cấp mầm non rằng: trên mặt trăng chẳng có gì ngoài đất đá, giọt sương không phải của bà tiên, con cò chỉ biết ăn tôm tép chứ làm gì biết mang em bé đến...

Có bao nhiêu đứa trẻ còn viết thư cho ông già Noel, cho cô tiên mà chúng yêu thích rồi chờ đợi phép mầu, như hình ảnh cậu bé trong bộ phim hoạt hình Tiểu đội cò bay (Storks) hí hửng viết thư xin đội cò gửi đến cho mình một đứa em rồi bắt đầu đóng kệ, giăng đèn chuẩn bị mọi thứ để chào đón “em” mình bằng lòng tin không thể nào lung chuyển rằng “cò sẽ mang em đến”?

Tiểu đội cò bay
Poster phim Tiểu đội cò bay (Storks) - Ảnh: Warner Bros.

 

Dẫu bộ phim Tiểu đội cò bay của đạo diễn Nicholas Stoller và Doug Sweetland lồng ghép rất nhiều thông điệp khác, nhưng tôi cứ mải bám miết vào cánh cò từ đầu đến cuối phim để cùng bay bổng, cùng mơ mộng, cùng hân hoan, cùng lan tỏa niềm hạnh phúc khi nhìn thấy “em bé” được đích thân chú cò trao tận tay cho cậu anh nhỏ, dù ai cũng cho rằng đội cò đã từ lâu không còn đảm trách công việc này nữa.

Buổi xem phim chiều hôm ấy, tim tôi rung lên những xung động trong trẻo quá, kỳ diệu quá. Hay đó là lấp lánh trong tim tôi như kiểu một “đứa trẻ lớn” vừa được tưới tắm tâm hồn từ những phép mầu dành cho trẻ nít, được thỏa thích mơ mộng trong thế giới tuổi thơ của mình ngày nào.

Hay đó là lấp lánh của sự đồng điệu khi tất cả chúng ta, những - trẻ - lớn - xem - phim và những - trẻ - lớn - làm - phim, đều không muốn làm vỡ tan giấc mơ ngọt ngào của các thiên thần bé con kia, mà chỉ muốn trả lời tất cả câu hỏi của chúng một cách thơ mộng nhất, đẹp đẽ nhất.

“Vì sao cò không còn mang em bé đến nữa?”. “Vì có lẽ bây giờ người ta đã có nhiều cách tạo ra em bé rồi” là cách bộ phim lý giải. Thật đơn giản. Thật nhẹ nhàng. Và không làm vỡ tan bất cứ điều gì trong những đôi mắt thiên thần kia.

Đâu cần một sự thật từ khoa học, đâu cần mọi thứ phải rõ ràng đến tận ngóc ngách trong độ tuổi măng non này.

Nếu có đũa thần, tôi sẽ rắc những hạt bụi mộng mơ khắp thế giới của lũ trẻ, để tôi không phải vỡ tan trái tim thêm lần nào nữa như lần ôm cô cháu nhỏ bốn tuổi, chỉ cho cô bé chị Hằng - chú Cuội rồi nhận được cái lắc đầu: ở trên mặt trăng toàn đá không dì ơi!

Tôi tin mộng mơ sẽ làm nảy nở những hạt mầm kỳ diệu và khi trưởng thành, mỗi đứa trẻ sẽ biết cách làm bà tiên, ông bụt của cuộc đời mình.

>> Xem trailer phim:

 

SÂM CẦM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên