09/06/2018 15:35 GMT+7

Tiếp tục đề nghị truy tố Trầm Bê và Phạm Công Danh

Hoàng Điệp
Hoàng Điệp

TTO - CQĐT Bộ Công an đã hoàn tất quá trình điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và đồng phạm sau khi nhận được yêu cầu điều tra bổ sung của VKSND Tối cao sau phiên tòa xét xử các bị can này diễn ra tại TP.HCM.

CQĐT Bộ Công an đã hoàn tất quá trình điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và đồng phạm sau khi nhận được yêu cầu điều tra bổ sung của VKSND Tối cao sau phiên tòa xét xử các bị can này diễn ra tại TP.HCM.

Theo đó, CQĐT vẫn giữ nguyên quyết định đề nghị truy tố đối với 46 bị can với cùng hành vi và tội danh (Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) trước đây. 

Không có thêm bị can nào bị khởi tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện trong quá trình điều tra bổ sung là kết luận điều tra gần nhất.

Không phát hiện tội phạm bị bỏ lọt.

Theo đó, một trong số những nội dung mà VKSND Tối cao yêu cầu cơ quan công an điều tra bổ sung là củng cố tài liệu, đối chứng với các đối tượng liên quan trong vụ án chưa được khởi tố (nếu có căn cứ) để xác định diện đối tượng cần xử lý hình sự, bảo đảm không lọt tội phạm.

Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã thu thập hồ sơ tài liệu liên quan đến việc 3 ngân hàng SacmBank, TPBank và BIDV cho 29 lượt công ty liên quan đến Phạm Công Danh vay tiền tại 3 ngân hàng. 

Hành vi của các đối tượng liên quan tại 3 ngân hàng trên đã được cơ quan điều tra làm rõ, đã khởi tố và đề nghị truy tố hoặc kiến nghị xử lý hành chính nghiêm khắc.

Tiếp tục đề nghị truy tố Trầm Bê và Phạm Công Danh - Ảnh 1.

Ông Trầm Bê tham dự phiên tòa sơ thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Tư liệu

Cụ thể, trong quá trình điều tra bổ sung cơ quan điều tra đã lấy lời khai của các bị can đã bị khởi tố tại TPBank, SacomBank và BIDV và những người liên quan. 

Trong đó, một lãnh đạo HĐQT TPBank cho lời khai rằng vào khoảng tháng 5-2013 ủy ban tín dụng nhận được nội dung tờ trình về các khoản vay để đầu tư trái phiếu. Với các điều kiện vay phù hợp nên ông này đã đồng ý phê duyệt cho vay đối với 11 khoản vay của công ty. 

Quá trình xem xét cho 11 công ty của Phạm Công Danh vay tiền ông này đã có chỉ đạo là thực hiện theo đúng quy trình cho vay của TPBank. Ông này cho rằng mình không có quan hệ với ông Danh.

Ngoài lời khai của ông này, cơ quan điều tra còn lấy lời khai của các chủ doanh nghiệp khác liên quan đến việc vay vốn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đều xác định rằng kết quả điều tra bổ sung không phát sinh tình tiết mới. 

Ông này khẳng định không gặp gỡ, bàn bạc thỏa thuận với Phạm Công Danh về việc vay tiền thông qua 11 công ty. Do đó, không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của ông này.

Còn đối với các bị can đã bị khởi tố và những người liên quan tại BIDV thì cơ quan điều tra cho rằng việc cho vay tại BIDV do các chi nhánh thực hiện chứ không có sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo hội sở. 

Do 4 chi nhánh đều nhận thấy hồ sơ vay vốn của khách hàng có phương án vay, có tào sản bảo đảm... và trong quá trình điều tra khong phát sinh thêm tình tiết mới nên cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm xử lý như trước đây.

Riêng tại SacomBank sau khi cơ quan điều tra lấy các lời khai của Phan Đình Tuệ, Đào Nguyên Vũ (Phó tổng giám đốc); Đỗ Văn Nghiêm, Bùi Văn Thành, Cáp Văn Hoàng, Trần Quý Thiên Kim.. thì các đối tượng này không thay đổi lời khai nên việc điều tra bổ sung đối với những người này cũng không phát sinh tình tiết mới nên cơ quan diều tra cũng giữ nguyên quan điểm như trước đây.

Áp dụng BLHS 2015 không khởi tố Phạm Công Trung

Phạm Công Trung là em trai ruột của ông Phạm Công Danh, ông Trung là người trực tiếp sử dụng pháp nhân công ty TNHH SX XD TM Việt Trung đưa cho Mai Hữu Khương để Khương đưa Lưu Trung Kiên lập hợp đồng mua vật liệu xây dựng để đưa vào hồ sơ vay vốn của BIDV. 

Trung chỉ đạo Phạm Minh Tuấn (cháu Trung) ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng giúp Danh vay tiền BIDV nên Trung có trách nhiệm liên đới trong việc BIDV thu nợ từ nguồn tiền gửi của VNCB tại BIDV.

Tiếp tục đề nghị truy tố Trầm Bê và Phạm Công Danh - Ảnh 2.

Ông Phạm Công Danh tham gia một phiên tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Hoàng Điệp

Ngoài ra Trung còn tham gia thành lập các công ty cho Phạm Công Danh nhưng các công ty này không hoạt động mà chỉ để Danh sử dụng pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn và theo chỉ đạo của Danh.

Quá trình điều tra bổ sung cơ quan điều tra làm rõ ý thức chủ quan của Trung thì xác định hành vi của Trung là đồng phạm giúp sức với Phạm Công Danh trong việc vay tiền của BIDV. Tuy nhiên, do bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 đã bãi bỏ tội danh cố ý làm trái theo điều 165. 

Mặt khác, Trung đang điều hành tập đoàn Thiên Thanh (theo ủy quyền của Danh) công ty đang duy trì hoạt động bình thường và đang phối hợp với các cơ quan pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự liên quan đến tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh nên áp dụng theo quy định tại điều 7 BLHS 2015 theo hướng có lợi và đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không xem xét xử lý hình sự đối với Phạm Công Trung.

Theo hồ sơ vụ án, CQĐT xác định ông Phạm Công Danh đã lập nhiều công ty, sau đó dùng tiền của VNCB bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay tiền của các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Số tiền vay được, Phạm Công Danh đã sử dụng vào mục đích riêng.

Cụ thể, bị can Phạm Công Danh đã dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để bảo lãnh, cầm cố các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ số tiền gửi với tổng số hơn 6.126 tỉ đồng. Trong đó, Sacombank thu hơn 1.835 tỉ đồng, TP Bank thu hơn 1.740 tỉ đồng, BIDV thu hơn 2.550 tỉ đồng.

Hoàng Điệp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên