Tiếp thêm thực tế cho thầy cô

HỒNG NHẬT
HỒNG NHẬT

TT - Sự việc Trường CĐ Đức Trí yêu cầu ứng viên vào vị trí giảng viên phải làm công nhân lấy kinh nghiệm thực tế rồi mới được đi dạy là cách làm khá thiết thực trong bối cảnh bị than phiền là “đào tạo một đằng, thực tiễn một nẻo” hiện nay.

bVYxD4uw.jpgPhóng to
Sau khi hợp đồng thử việc với Trường CĐ Đức Trí, Lê Thị Mỹ Hạnh vừa làm tại trường vừa đi làm lễ tân tại một khách sạn - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Trước khi làm giảng viên phải làm công nhân

Thật ra hướng này không mới. Ở TP.HCM từ đầu những năm 1990 cũng đã có trường đại học khuyến khích giảng viên mở doanh nghiệp hoặc đơn vị kinh doanh tương đương với môn học mình giảng dạy. Một trường đại học ở tỉnh cũng đã có quy định giảng viên phải tham gia viết báo, các bài viết phải đăng trên các báo giáo dục hoặc báo kinh tế đối với giảng viên các ngành liên quan đến tài chính - kinh doanh. Tuy vậy, cách làm của Trường CĐ Đức Trí tính quyết liệt cao hơn.

Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm rằng “nếu giảng viên đào tạo sinh viên ra trường mà không biết sinh viên của mình làm việc trong môi trường như thế nào thì không được”. Thực tế cho thấy nhiều giảng viên thực hành kỹ năng còn yếu hoặc vận dụng lý thuyết do mình giảng dạy không phải lúc nào cũng thành công.

Như chuyện một giảng viên giảng dạy môn marketing hưởng ứng khuyến nghị của trường đã mở một quán ăn trên đường Lữ Gia (Q.11, TP.HCM) nhưng chỉ được khoảng ba tháng sau, quán đóng cửa vì... ế khách. Một giảng viên than với tôi là việc viết báo không phải dễ, nhưng không có bài thì có phấn đấu đến mấy cuối năm cũng không đạt chiến sĩ thi đua. Một giảng viên thỉnh giảng, giảng dạy môn kỹ năng sử dụng tiếng Việt của đại học S, chuyển cho tôi một bài viết. Bài viết mặc dù mượt mà nhưng kết cấu lỏng lẻo, tôi không thấy nổi bật được tiêu điểm thông tin. Nếu phải biên tập lại để đăng báo, tôi nghĩ chắc phải cắt mất 2/3 và điều chỉnh lại cấu trúc toàn bài.

Vẫn hiểu rằng chuyện kinh doanh thì thành bại đôi khi còn phụ thuộc nhiều yếu tố, có cả sự may rủi, nhưng một quán ăn của một giảng viên chuyên ngành marketing mà chết yểu như thế thì cũng phải xem lại cách tổ chức của ông chủ, khả năng vận dụng chính lý thuyết mình dạy của ông thầy này. Viết lách là việc nên làm của tất cả các giảng viên, không viết nổi một bài báo phổ thông thì khó mà nói chuyện nghiên cứu sâu hơn nữa. Đó là chưa kể quá trình viết sẽ giúp giảng viên thấy được sự xanh tươi của cây đời chứ kẻo không sẽ chỉ thấy màu xám của lý thuyết mà không hề hay biết.

Tuy vậy, cũng phải xác định nghề chính của ông thầy là dạy học (và đối với bậc đại học thì thêm nghiên cứu) chứ không phải đi làm công nhân hay làm chủ doanh nghiệp. Cách làm của Trường CĐ Đức Trí cũng cần phải có sự thỏa thuận thống nhất giữa phía sử dụng lao động với người lao động, tránh trường hợp vi phạm Bộ luật lao động một cách đáng tiếc.

HỒNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên