03/06/2021 10:23 GMT+7

Tiếp sức cho người gặp khó trong vùng dịch

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Ngay trong những ngày đầu của đợt giãn cách xã hội tại TP.HCM, nhiều người lao động nghèo, công nhân các khu cách ly đã nhận được rau, gạo, những nhu yếu phẩm và cả những suất cơm cách ly từ nhiều nguồn hỗ trợ.

Tiếp sức cho người gặp khó trong vùng dịch - Ảnh 1.

Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM chuyển nhu yếu phẩm đến công nhân đang cách ly tại một công ty ở Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NGÂN HÀ

"Tôi nhận được phiếu gạo, sáng nay mới đi lãnh 2 kg gạo của phường. Nghe nói cứ cách 2 ngày thì nhận 1 lần. Dịch vầy ai cũng khó khăn, nhận được gạo cũng đỡ chút đỉnh, ít nhất cũng không lo đói ăn" - bà Trương Thị Ánh Vân (62 tuổi), một hộ dân ở phường Thạnh Lộc (quận 12), khu vực đang giãn cách đặc biệt của TP.HCM, nói.

Gạo, rau tiếp tế

Bà Vân là một trong những hộ dân đầu tiên nhận gạo từ "ATM gạo" của phường Thạnh Lộc vừa mới "khai trương" ngày 2-6. Gia đình bà cũng là một trong nhiều hộ dân khó khăn không kịp trở tay khi quy định giãn cách được đưa ra. 

"Nhà có hai vợ chồng già với thằng con trai. Tôi phụ quán ăn mà dịch giã vầy chủ quán cũng ở dưới quê nên hơn cả tuần nay không đi làm. Con trai tôi mấy tháng trước thất nghiệp, mới được giới thiệu vào làm công ty đông lạnh chưa được tháng. Đang chờ 5 tây (ngày 5-6) lãnh tháng lương đầu mà hai bữa trước công ty gọi điện cho tạm nghỉ vì ở khu vực có dịch, giờ cũng chưa biết tính sao" - bà Vân kể.

"Sáng nay cây ATM gạo đầu tiên của phường đã hoạt động. Các trường hợp người dân khó khăn nhất, người bán vé số, xe ôm... được phát phiếu để đến nhận gạo và nhận nhu yếu phẩm từ cửa hàng 0 đồng" - anh Nguyễn Đức Vinh, bí thư Đoàn phường Thạnh Lộc, nói. 

"ATM gạo" được bố trí tại Trường mầm non Bông Sen trong phường, cạnh đó là một cửa hàng 0 đồng. Tại phường Thạnh Lộc có những cụm phong tỏa "cứng", người dân không thể ra ngoài. Ngay từ ngày đầu tiên, phường đã đưa gạo, rau trực tiếp đến các hộ dân.

"Cụm phong tỏa đông nhất có 153 người, cụm ít nhất 23 người. Chúng tôi phân phối rau, gạo đồng đều cho các hộ dân trong các cụm này" - anh Vinh chia sẻ thêm. 

Anh cho biết ngay khi có quy định giãn cách, quận đã liên hệ với đơn vị kết nghĩa ở Đức Trọng, Lâm Đồng. "Cứ cách 3-4 ngày, các bạn ở Đức Trọng sẽ chuyển xuống 3-4 tấn rau và chúng tôi sẽ phân phối đến các chốt trực cũng như các khu cách ly" - anh Vinh thông tin.

Tiếp sức cho người gặp khó trong vùng dịch - Ảnh 2.

Người dân nhận gạo tại "ATM gạo" ở phường Thạnh Lộc (quận 12) - Ảnh: A.H.

Công đoàn sát cánh với người lao động

Trong ngày 1-6, có 669 công nhân Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp VINA (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) đang cách ly tại chỗ đã nhận được nhu yếu phẩm hỗ trợ từ công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM.

"Chúng tôi đã chuyển sữa, mì gói, nước vệ sinh, móc quần áo... cho các anh chị em công nhân đang cách ly ở Công ty VINA và 228 anh chị công nhân khác đang cách ly ở khu lưu trú thuộc Khu công nghiệp Đông Nam, Củ Chi" - ông Huỳnh Văn Tuấn, chủ tịch công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP, nói. 

Về lương cũng như các khoản hỗ trợ công nhân trong các diện cách ly hoặc phải ngừng việc do ảnh hưởng dịch, ông Tuấn cho biết theo quy định các doanh nghiệp phải đảm bảo chi trả ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Ông Tuấn nói: "Trước mắt công đoàn khu hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân đang trong các diện cách ly. Theo quy định, doanh nghiệp cần phải thỏa thuận để trả mức lương tối thiểu cho người lao động. 

Nhưng bên cạnh đó công đoàn cũng đang thống kê các trường hợp người lao động là F0, F1, F2... để có phương án hỗ trợ thêm theo triển khai của Liên đoàn Lao động TP.HCM. Các trường hợp là F0 đang điều trị thì được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng. Các trường hợp khác là F1 được hỗ trợ 1,5 triệu".

Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch về chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Bà Nguyễn Thị Bạch Yến - chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp - cho biết đang phối hợp với UBND các phường để hỗ trợ nhu yếu phẩm là gạo, đường, dầu ăn... đến người lao động đang trong diện cách ly hoặc khu vực phong tỏa không thể đến nơi làm việc. 

"Chúng tôi cũng đang thống kê các trường hợp F1, F2, F3... để chi hỗ trợ theo triển khai của Liên đoàn Lao động TP. Hiện có khoảng 400 người lao động của quận thuộc diện này" - bà Yến chia sẻ thêm.

Với người lao động khó khăn chịu ảnh hưởng của dịch nói chung, ngày 1-6, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM đã có văn bản gửi cơ quan quản lý lao động các quận huyện để khảo sát, thống kê số người lao động bị ngừng việc, mất việc trong các doanh nghiệp, cơ sở giao dịch, dịch vụ vận tải, lưu trú... do ảnh hưởng của đợt giãn cách. 

Sở đang xây dựng phương án hỗ trợ những người lao động phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên, đề nghị TP có chính sách hỗ trợ với mức dự kiến là 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp sức cho người gặp khó trong vùng dịch - Ảnh 3.

Quán ăn của anh Nguyễn Văn Dũng trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp chịu cảnh vắng khách từ ngày cả quận giãn cách - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Mong cho dịch bệnh sớm qua

Trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), người qua lại thưa thớt nhưng những người bán hàng vẫn ráng bám trụ tìm chút đồng vô đồng ra để xoay xở cuộc sống dù nỗi lo dịch bệnh luôn thường trực. Bà Lê Thị Ngọc (62 tuổi) bán đồ ăn sáng trước cổng Trường THCS An Nhơn đã ngót 5 năm, khách hàng của bà chủ yếu là học sinh và người đi làm. Sau ba ngày giãn cách xã hội, việc buôn bán càng hiu hắt hơn.

"Con gái tôi đã đi làm nhưng do dịch bệnh nên phải nghỉ, chi phí sinh hoạt của cả nhà đổ dồn lên chiếc xe hàng của tôi. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng chấp hành chỉ thị của Nhà nước để mong sao tình hình sớm được kiểm soát, chứ như vầy hoài tụi tui sống sao nổi" - bà Ngọc buồn bã nói.

bacgiang

Các tình nguyện viên chuyển hàng hỗ trợ người lao động khó khăn ở Bắc Giang - Ảnh: TỬ VĂN

Tương tự, cuộc sống chị Nguyễn Thị Nghi (phường 17, quận Gò Vấp) cũng đảo lộn từ ngày có dịch. Gia đình chị gồm hai vợ chồng và một đứa con. Trước khi có dịch, chị ở nhà chăm con cho chồng đi làm. Từ hôm cả quận giãn cách, chồng chị phải ở nhà nên chị nhận vé số đi bán dạo để bù đắp vào khoản thu nhập bị mất của chồng.

"Mấy hôm nay tôi chỉ dám đi trong mấy phường quen, chỗ nào có ca nghi nhiễm là tôi không dám tới. Mỗi ngày tôi cố gắng bán cũng được 200.000 đồng. Tôi biết trong lúc giãn cách việc ra ngoài đường rất nguy hiểm nhưng biết làm sao" - chị Nghi chia sẻ.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Sơn (64 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, chạy xe ôm tại Bình Thạnh) cũng không khá hơn. Từ ngày áp dụng giãn cách xã hội đến nay khách đi xe ôm vắng hẳn, ông dang nắng cả ngày kiếm chưa đến 100.000 đồng. "Tôi có mấy đứa con làm công nhân. Dịch bệnh căng thẳng tụi nó lo thân còn chưa xong sao tui dám nhờ vả. Nếu ngày mai vẫn không kiếm được tiền tôi sẽ về nhà bán bớt đồ dùng để mua gạo, ráng cầm cự qua đợt dịch rồi làm lại từ đầu" - ông Sơn tâm sự. (KIM ÚT)

Cần thêm gói hỗ trợ khẩn cấp

Đó là mong muốn của nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, nhất là khi người lao động đang rất khó khăn vì phải tạm mất việc làm.

Đó là mong muốn của nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, nhất là khi người lao động đang rất khó khăn vì phải tạm mất việc làm.

Mặc dù địa phương đã chủ động các giải pháp hỗ trợ trước mắt cho người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng nhiều địa phương cho hay nguồn lực có hạn, cần được tiếp sức từ trung ương.

Kiến nghị hỗ trợ công nhân, người yếu thế

Ông Lê Hồng Dân, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, nhận định do dịch COVID-19, đời sống khoảng 70.000-80.000 người lao động có hợp đồng tại các nhà máy, công xưởng phải tạm dừng do bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với hơn 400.000 lao động tự do trên địa bàn. Theo ông Dân, Chính phủ cần có gói hỗ trợ tiếp theo sau gói hỗ trợ của nghị quyết số 42 (gói hỗ trợ 62.000 tỉ) để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ ngành đưa ra những tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ. Tránh việc hiểu theo nhiều cách khác nhau, khó cho việc thực hiện ở cơ sở" - ông Dân nói. Ông Dân cho hay các doanh nghiệp mong muốn được sản xuất, kinh doanh trở lại để người lao động tiếp tục có việc làm, có thu nhập. "Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phải tiếp tục sản xuất kinh doanh, không thể để doanh nghiệp, đặc biệt trong các khu công nghiệp lớn, phải đóng cửa toàn bộ" - ông Dân khẳng định.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ công nhân và người lao động, các đối tượng yếu thế và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Ông Trần Văn Hà, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, cho biết tỉnh đề nghị hỗ trợ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội gặp khó khăn với mức 500.000 đồng/người. Dự kiến có khoảng 80.000 người cần hỗ trợ với kinh phí 40 tỉ đồng.

Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ khoảng 270 tỉ đồng để giúp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (giao kết trước ngày 10-5) đang phải điều trị COVID-19 hoặc thực hiện cách ly y tế tập trung, giãn cách, cách ly xã hội.

Ưu tiên hỗ trợ lao động tự do

Ông Phạm Văn Thịnh - trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, tổ trưởng tổ hỗ trợ đời sống công nhân Bắc Giang - nhận định người lao động tự do là khó khăn nhất, riêng tại huyện Việt Yên đã có khoảng 10.000 người. Ông Thịnh nói: "Họ là những người không có hỗ trợ lương như lao động có hợp đồng mà phải dựa vào cộng đồng, nhân dân xung quanh. Nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm giúp nhóm đối tượng này ổn định tạm thời. Nhưng lâu dài, Chính phủ cần có hỗ trợ cụ thể cho những lao động tự do này".

Theo ông Thịnh, việc các doanh nghiệp sản xuất trở lại song hành với đảm bảo quy định phòng dịch sẽ kéo theo hiệu ứng tích cực. Chẳng hạn, một nhà máy hoạt động, những công việc thời vụ như thợ xây, thợ cắt tóc, bán hàng, giao hàng… sẽ tự "sinh ra" theo nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hà cho biết tỉnh đã triển khai kế hoạch hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly phòng chống COVID-19. "Đến nay cơ bản đáp ứng được kịp thời nhu cầu thiết yếu của công nhân trong các khu nhà trọ, người dân trong các khu vực phong tỏa" - ông Hà cho hay.

Anh Nông Đức Tuấn - công nhân Công ty YADEA, Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang - chia sẻ: "Nếu Nhà nước hỗ trợ được vài triệu đồng như đợt trước thì người lao động sẽ bớt khó khăn. Sắp tới công ty thông báo đi làm lại nhưng chưa có lương mà chi phí sinh hoạt gia đình mình vẫn phải chi, khoảng 5 triệu đồng, không thể vay ai vì nhà nào cũng khó khăn". (HÀ QUÂN)

Vĩnh Tiến hỗ trợ 1 triệu khẩu trang kháng khuẩn cao cấp chống dịch Vĩnh Tiến hỗ trợ 1 triệu khẩu trang kháng khuẩn cao cấp chống dịch

Vĩnh Tiến - Thương hiệu hàng đầu trong ngành tập học sinh hiện không chỉ tham gia sản xuất, bình ổn giá khẩu trang mà còn tích cực ủng hộ vật tư cho tuyến đầu chống dịch.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên