Nhà máy những ngày đầu
2 tháng sau tiếp quản đã ổn định sản xuất
Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA) được thành lập ngày 14-10-1958. Kể từ đó cho đến những năm 1970, COGIVINA không ngừng phát triển để trở thành đơn vị sản xuất giấy in báo lớn nhất ở miền Nam.
Đây cũng là doanh nghiệp nội địa duy nhất có giấy bao gói xi-măng có chất lượng ngang hàng với sản phẩm của Nhật Bản.
Ngày 2-5-1975, đại diện Ban quân quản của tỉnh Đồng Nai đã đến đây và đề nghị doanh nghiệp tổ chức cho công nhân đứng ra bảo vệ máy móc thiết bị, nhà xưởng, vật tư, nguyên liệu, sản phẩm.
Đến tháng 6-1975, đại diện Ban quân quản Bộ công nghiệp là ông Nguyễn Tuấn Sĩ và ông Nguyễn Đình Thắng đã vào tiếp nhận bàn giao. COGIVINA được đổi tên thành Nhà máy Giấy Tân Mai, là doanh nghiệp nhà nước.
Chỉ có 2 người tiếp quản một doanh nghiệp đồ sộ, tầm cỡ số 1 số 2 đương thời nhưng ông Sĩ và ông Thắng đã rất nhanh ổn định được tổ chức, vượt qua tất cả những khó khăn về nhân sự, lòng dân, tài chính, nguyên liệu thiếu thốn, tài chính… để bắt tay ngay vào việc ổn định sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Thắng kể về những ngày tiếp quản công ty
Chia sẻ về những tháng ngày tháng này, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết: "Trước lúc được tiếp quản, công ty đã trải qua một thời gian dài thua lỗ nên khi đó, công ty không có tiền, nhân công không có lương, vật tư, nguyên liệu thiếu thốn, trăm bề khốn khó.
Nhưng trong vô vàn những thử thách đó, có một điều thuận lợi mà đối với tôi nó là điều kiện tiên quyết, quan trọng ảnh hưởng đến quá trình khôi phục sản xuất đó chính là tinh thần đoàn kết và quyết tâm của tất cả mọi người.
Ai ai cũng quyết tâm bảo vệ tài sản của nhà máy, ai ai cũng muốn tiếp tục sản xuất và cống hiến. Chính vì vậy mà trong buổi gặp đầu tiên, chúng tôi đã khẳng định với toàn thể anh em là chúng ta sẽ cùng nhau làm công ty sống lại, phát triển mạnh mẽ hơn thì anh em họ mừng lắm, phấn khởi lắm".
Và chỉ sau hai tháng, sản xuất của Tân Mai đã trở lại bình thường. Một năm sau sản lượng sản xuất đã vượt trên công suất thiết kế, đạt kỷ lục 18.700 tấn, tạo tiền đề để đơn vị này trở thành 1 trong 2 công ty lớn nhất ngành giấy Việt Nam và là công ty số 1 trong ngành giấy in báo.
Tinh thần không bỏ cuộc
Anh Trương Trọng Nghĩa, một đảng viên ưu tú hơn 39 năm tuổi đảng đã có hơn 37 năm gắn bó với Tập đoàn này cho biết: "Với tôi, đây chính là gia đình, là máu thịt. Tôi yêu Tân Mai như yêu gia đình tôi. Niềm tự hào được trở thành nhân viên công ty của tôi được di truyền từ bố mẹ tôi, cũng là những người đã nhiều năm gắn bó với công ty này".
Anh Trương Trọng Nghĩa tại nơi mà anh đã gắn bó 37 năm
Anh không phải là trường hợp hiếm gặp. Ở đây, người ta dễ dàng bắt gặp hàng chục người như anh Nghĩa - những đảng viên trung kiên, cán bộ tận tuỵ đã đã gắn bó cả cuộc đời mình với nhà máy với công ty, những người đã dành cả cuộc đời mình phục vụ sản xuất và đóng góp cho công cuộc trồng rừng, giữ rừng, chăm sóc rừng.
Hiện nay, Đảng bộ của công ty có hơn 70 đảng viên với 5 chi bộ cơ sở. Tính trung bình, cứ 2 cán bộ sẽ có 1 đảng viên. Điều đó đã phần nào nói lên được sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của công tác tổ chức Đảng trong tập đoàn giấy này suốt 34 năm qua kể từ khi chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào năm 1976.
Trước mọi khó khăn, dù lớn đến mức nào thì tinh thần không bỏ cuộc, không đầu hàng của các Đảng viên trong công ty đã "truyền lửa" cho tập thể, tạo dấu ấn mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong dòng chảy phát triển của ngành công nghiệp giấy nước nhà cũng như sự nghiệp gìn giữ và phát triển rừng bền vững tại Việt Nam.
Với gần 30.000 ha rừng và trồng rừng nguyên liệu trải dài trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bình Thuận… Công ty có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương, nhất là việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Trong quá trình hoạt động Giấy Tân Mai luôn bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng Tây Nguyên, cũng như công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho doanh nghiệp Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và nhiều hình thức khen thưởng khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận